Câu chuyện buồn của một luật sư lầm lạc

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Nghe quản giáo ở trại giam Thủ Đức gọi Nguyễn Ngọc Thiện là “luật sư”, tôi cứ nghĩ đó là biệt danh mà mọi người ở đây dành để gọi anh chàng nhỏ thó với đôi kính cận dày cộp trên mắt. Té ra khi hỏi chuyện, Thiện xác nhận anh đúng là một luật sư “xịn” từng công tác ở Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện của cựu luật sư lầm lạc có thể chỉ đơn giản là câu chuyện buồn của một con người, nhưng đằng sau đó là một câu chuyện buồn của tình yêu.

Tôi từng có tất cả mọi thứ mà người đời mơ ước Ba tôi là một dược sĩ, ông kỳ vọng cậu con trai út là tôi sẽ trở thành bác sĩ nhưng tôi lại đi ngược lại ước muốn đó của ông để trở thành sinh viên trường luật. Dù vậy cha tôi vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Ông nói rằng: “Con tự chọn con đường đi cho mình nên con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với nó”. Thật đáng buồn, đó không phải là lần duy nhất cha nói với tôi điều đó.

Học trường luật, tôi là một trong những sinh viên xuất sắc. Tôi cũng tích cực trong hoạt động đoàn thể, tham dự phong trào Mùa hè xanh suốt mấy năm học đại học. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc ấy chúng tôi cũng trồng rau và lao động. Thật khó tưởng tượng sau chừng ấy năm, tôi lại làm những công việc ấy trong trại giam.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, với bảng kết quả học tập tốt và một quá trình hoạt động năng nổ, tôi được nhận vào Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn là người năng động, tôi không chịu ngồi yên với công việc của một công chức mà còn làm thêm nghề tay trái là buôn bán xe hơi. Thời điểm ấy, tôi có một công việc ổn định và danh giá, có vợ đẹp con khôn và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi có cuộc sống mà mọi người khác cũng đều phải mơ ước.

Mọi thứ đến quá dễ dàng khiến cho tôi giống như con thú bị say tiền. Tôi lao vào cuộc kiếm tiền đó mà không cần biết hậu quả. Lúc đó, tôi đem rất nhiều tiền về cho ba. Là người từng trải, ba tôi nhanh chóng nhìn ra vấn đề. Với một luật sư trẻ mới hành nghề như tôi, làm sao có thể kiếm được một số tiền lớn như thế nếu không làm ăn phi pháp. Ba nhắc lại với tôi câu nói mà ông đã từng nói trước đó: “Con tự chọn con đường đi cho mình nên con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với nó”.

Anh trai tôi cũng khuyên tôi nên làm ăn đàng hoàng. Trước kia, tôi và anh trai không hợp nhau nên anh ấy càng khuyên tôi càng không nghe. Thanh niên còn trẻ muốn chứng tỏ mình, hơn nữa tôi muốn cho anh ấy thấy rằng, không phải lúc nào anh ấy cũng đúng. Thực ra công việc của tôi khi ấy là buôn lậu xe hơi từ Mỹ về Việt Nam. Mọi chuyện suôn sẻ tới mức tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ vấp ngã. Nhưng có lẽ, chuyện làm ăn phi pháp của tôi không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát giác.

Năm 2007, một chuyến hàng của tôi bị bắt khi vừa cập cảng nhưng tôi chưa bị bắt ngay. Có điều, tôi đã nhận của bạn rất nhiều tiền nhưng lại không có hàng để giao cho họ. Khách hàng của tôi thưa lên tòa án. Công an điều tra vào cuộc ngay lập tức bắt tạm giam tôi. Khi ấy, tôi phải đối mặt với bản án 22 năm tù. Nhờ luật sư và hiểu rõ luật nên cuối cùng tôi lãnh án 8 năm cho tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.Từ trên đỉnh tôi rớt xuống đáy vực thẳm. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong những bi kịch mà tôi phải gánh chịu cho sai lầm của mình.

Tôi lầm lạc nhưng vẫn còn kịp để quay trở lại

Ngay sau khi tôi bị bắt, tôi chủ động nói lời chia tay vợ để cho cô ấy đi tìm cuộc sống mới. Anh hỏi tôi sao lại làm điều đó ư? Anh đừng lầm tưởng tôi cao thượng hay không yêu vợ. Vì tôi rất yêu vợ nên mới phải đưa ra quyết định ấy dù rất khó khăn. Án của tôi dài mà cô ấy còn quá trẻ. Nếu tôi cứ quyết giữ cô ấy thì chỉ làm cho cả hai thêm đau khổ. Tôi đã nghĩ rất kỹ trước khi quyết định giải phóng cho cô ấy. Tôi làm như vậy vì hạnh phúc của con trai tôi, cũng là vì chính bản thân mình nữa.

Nhưng đó không phải là điều đau lòng nhất mà tôi và bản án của mình gây ra cho những người thân. Ngay sau khi tôi bị bắt, ba tôi bị tai biến lần thứ nhất. Đến năm 2010, ba tôi bị tai biến lần thứ hai và hoàn toàn không còn khả năng bình phục. Ba tôi hiện đang sống đời thực vật. Tất cả những điều đó đều do tôi mà ra. Ngày xưa khi ba nói với tôi về việc tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, tôi cứ nghĩ rằng ba ghét tôi, ba không thương tôi. Thế nhưng khi bước vào trại giam rồi, tôi mới hiểu rằng ba thương tôi nhiều chứ. Ông nghĩ rất nhiều cho thằng con trai út chịu lắm thiệt thòi như tôi.

Ở trong trại giam, tôi cải tạo tốt. Bữa mới vào, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng vẫn còn nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời của mình nên bớt nghĩ ngợi hơn, chăm lo cải tạo để sớm trở về. Tôi vẫn hy vọng có ngày mình sẽ cùng vợ đoàn tụ vì tôi còn yêu cô ấy rất nhiều và tôi cũng không muốn con tôi phải sống trong cảnh không trọn vẹn. Là người chịu hậu quả của việc ba mẹ chia tay nên tôi rất hiểu điều đó. Trẻ con nhạy cảm lắm anh ạ, thời nào cũng thế thôi. Đừng nghĩ rằng xã hội cởi mở hơn với chuyện li hôn mà con trẻ không bị tổn thương. Dù thế nào đi nữa, một đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh cha mẹ li hôn có đầy đủ tình thương và sự quan tâm của cha mẹ. Li dị rồi, người đau khổ nhất không phải là hai người lớn mà là những đứa con. Tôi là người hiểu rất rõ điều đó. Trước kia tôi đã từng muốn sang Mỹ để hỏi mẹ tôi, tại sao mẹ lại bỏ tôi ra đi mà không một lần ngoái đầu lại xem tôi sống thế nào.

Thế nhưng khi tôi vào trong trại giam và nhìn lại chính bản thân mình, tôi hiểu rằng, không phải mẹ không thương tôi mà bỏ tôi đi. Cũng giống như tôi, tôi chia tay với vợ vì tôi quá yêu cô ấy, bởi vì tôi quá yêu con trai của mình. Tôi vì tương lai của họ nên mới đưa ra quyết định ấy. Thế nên khi nhận được thiệp cưới của cô ấy, tôi đau lòng lắm. Bao nhiêu hy vọng le lói trước đó giờ hoàn toàn bị dập tắt. Tôi học được rất nhiều từ cuộc sống ở trại giam. Những nỗi buồn dù có sâu đến mấy thì tôi cũng phải cố gắng vượt qua nếu không muốn mình gục ngã. Vấn đề của mình thì mình phải tự tìm lối thoát, không nên né tránh. Tôi nghĩ thế và lấy đó làm động lực để cố gắng. Dù sao thì cũng đã sai lầm rồi, việc quan trọng bây giờ không phải là đau khổ mà là làm sao để anh sửa chữa những sai lầm đó.

Tôi luôn tự an ủi mình rằng, mình bị bắt sớm cũng là may mắn bởi việc làm phạm pháp của tôi sớm muộn cũng bị phát giác. Tôi bị bắt sớm thì sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời mình bởi tôi vẫn còn trẻ. Năm 2004, tôi có một người bạn rất thân tự tử vì tình. Đêm hôm đó, tôi ngồi nhậu với anh ấy rất muộn và là người cuối cùng gặp mặt anh ấy. Khoảng 2 giờ sáng, tôi đòi về vì quá mệt. Đêm đó anh ấy cứ bảo tôi ngồi nói chuyện thêm với anh ấy một lúc nữa. Khi nghe tin anh ấy mất, tôi luôn tự trách mình rằng giá như đêm ấy tôi ngồi với anh lâu hơn, giá như tôi lắng nghe anh tâm sự thì có lẽ anh ấy đã không chết.

Những lúc buồn phiền vì những việc gia đình, tôi cũng từng nghĩ đến chuyện buông xuôi. Nhưng ngẫm lại mới thấy ba tôi nói rất đúng. Tôi mới chính là người phải tự giải quyết vấn đề của mình. Mọi người có chìa tay họ thì tôi cũng tuột ra khỏi vòng tay của họ. Tôi chỉ còn một quãng thời gian không dài nữa là hết hạn cải tạo. Tôi tin rằng, mình đã quá hiểu cái giá phải trả cho việc làm nông nổi của mình và sẽ biết trân trọng những gì tôi đang có. Cảm ơn anh đã ngồi lắng nghe câu chuyện của tôi, biết đâu sau này chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác, chắc chắn là phải tốt hơn hiện tại rồi.

Tiểu Phi (Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Ngọc Thiện – trại giam Thủ Đức).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đang Yêu
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN