Cạnh tranh trong kinh doanh, bắt cóc đối thủ?

Trong khi nạn nhân cho biết không mâu thuẫn, nợ nần, chỉ vì tranh giành địa bàn làm ăn nên bị bắt cóc thì đối tượng cầm đầu lại khai bắt cóc để “nhờ” đòi nợ giùm...

Công an huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa bắt tạm giam 4 đối tượng trong vụ bắt người trái pháp luật do Phan Thành Danh (30 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP HCM) cầm đầu. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Mạnh (32 tuổi ngụ xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Nếu chống cự thì đánh chết

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 23h ngày 13/11, Danh rủ 3 đối tượng cùng ở huyện Củ Chi xuống thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bằng ô tô. Đến khoảng 7h20 ngày 14/11, khi nhìn thấy anh Mạnh đang ngồi ở quán cà phê, Thạch Pha Ril (28 tuổi, quê xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, làm công cho Danh) bước xuống xe, đến chỗ anh Mạnh ngồi, nói: “Mời anh lên xe uống nước” rồi chụp tay anh Mạnh vặn ngược ra sau, dùng dao dí vào hông đe dọa. Liền sau đó, 2 đối tượng khác nắm tay, túm cổ áo đẩy nạn nhân vào xe. “Danh vừa cầm lái vừa ra lệnh cho đàn em: Nó dám cử động hay chống cự lại, tụi bây cứ đâm nó chết, tao chịu trách nhiệm. Danh còn điện thoại cho ai đó nói là đã bắt được tôi rồi” - anh Mạnh kể.

Cạnh tranh trong kinh doanh, bắt cóc đối thủ? - 1

Phan Thành Danh (bìa phải) cùng với đệ tử “ruột” Thạch Pha Ril tại trại tạm giam Công an huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Khi phát hiện có công an ra hiệu lệnh tấp xe vào lề đường, 2 thanh niên ngồi kèm anh Mạnh bỏ dao xuống sàn. Lúc này, anh Mạnh liền thò đầu ra ngoài kêu cứu. Thấy vậy, Danh lái xe bỏ chạy nhưng bị lực lượng Công an huyện Tháp Mười truy đuổi và chặn bắt kịp thời. “Trước đó, tôi không biết số phận mình sẽ ra sao, hiện như người bị chở đến chỗ chết vừa được cứu sống” - anh Mạnh nói.

Tranh giành địa bàn làm ăn?

Anh Mạnh cho biết trước đây, tại huyện huyện Tháp Mười, anh làm “cò” giới thiệu bán ếch ra Hà Nội cho Danh. Mỗi đợt xuất bán, Danh trích hoa hồng cho anh Mạnh chuyến đầu là 2.000 đồng/kg, các chuyến sau 1.500 đồng/kg. Được 2 chuyến hàng, Danh tự ý “bẻ kèo” để khỏi qua trung gian nhằm tiết kiệm chi phí. Từ đó, anh Mạnh đến thị trấn Mỹ An thu mua ếch, tôm, cua, ghẹ… bán ra Hà Nội kiếm lời. Tuy nhiên, anh Mạnh thường thu mua các loại thủy, hải sản với giá cao hơn Danh từ 1.000-2.000 đồng, có lợi cho người nuôi. “Có thể vì tranh giành địa bàn thu mua ếch mà Danh đã ra tay, chứ tôi không nợ nần hay mâu thuẫn với anh ta” - anh Mạnh khẳng định.

Cạnh tranh trong kinh doanh, bắt cóc đối thủ? - 2

Các tang vật thu giữ trên ô tô của Danh

Ông Huỳnh Văn Tạc (chủ nhà trọ nơi anh Mạnh thuê) cho biết: “Mạnh tới nhà trọ của tôi ở gần 1 năm nay để đi thu mua ếch. Tôi thấy nó hiền, làm ăn đàng hoàng lắm. Khi nghe tin Mạnh bị bắt cóc, tôi đã điện thoại báo công an. Chắc Danh muốn hạ Mạnh do tranh giành mua ếch chứ hai bên không có nợ nần gì nhau”.

Làm rõ nhiều vấn đề liên quan

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Lê Sơn Trường, Trưởng Công an huyện Tháp Mười, cho biết sau khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, công an huyện đã kết hợp với lực lượng CSGT đang tuần tra truy đuổi các đối tượng gây án. Qua đấu tranh khai thác, Danh thừa nhận việc bắt cóc này là để “nhờ” Mạnh đòi giùm tiền một người đã nợ mình, chứ không có ý định gì khác.

“Chúng tôi đang xem xét lại toàn bộ vụ việc để xác định rõ nhân thân cũng như hành vi phạm tội của từng đối tượng. Tuy nhiên, người dân không nên “tự xử” trong các mối quan hệ dân sự để tránh vi phạm pháp luật” - ông Trường khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Vân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN