“Bóc trần” liên minh công ty lừa đảo người thất nghiệp

Để lừa tiền của người xin việc, các đối tượng thành lập ít nhất hai công ty - một công ty có chức năng giới thiệu việc làm và một công ty có chức năng tuyển dụng. Thực tế, các công ty này không có khả năng tạo việc làm.

Như tin đã đưa, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giới thiệu và tuyển dụng việc làm. Cùng với đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là giám đốc các công ty “ma” về giới thiệu việc làm và tuyển dụng. Trong đó có Nguyễn Văn Hùng (33 tuổi, Đoan Hùng, Phú Thọ; Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Bình An) và Trương Thị Thị (25 tuổi, huyện Ba Vì, Hà Nội, được tại ngoại vì đang mang thai; Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Du lịch Thăng Long).
 
“Bóc trần” liên minh công ty lừa đảo người thất nghiệp - 1
Đối tượng Hùng (ảnh nhỏ) là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Bình An, công ty chuyên môi giới lừa tiền của người xin việc.
Chia sẻ với PV Dân Việt, thượng úy Phùng Văn Quyết (điều tra viên thụ lý vụ án trên của Công an quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Các nạn nhân trong vụ án này đều là những người thất nghiệp, không có việc làm ổn định, hoặc sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Khi đi xin việc, họ lại không tìm hiểu kỹ về các công ty giới thiệu và tuyển dụng nên sập bẫy lừa đảo.
 
Theo thượng úy Quyết, các công ty môi giới lừa đảo trên hoạt động rất tinh vi, chuyên nghiệp. Để tránh người xin việc phát hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thành lập ít nhất hai công ty để móc nối với nhau lừa đảo. Trong đó, một công ty sẽ có chức năng giới thiệu việc làm và một công ty có chức năng tuyển dụng nhân sự.
 
Tuy nhiên, thực tế các công ty môi giới và tuyển nhân sự này đều không có khả năng xin việc và tạo việc làm.
 
Để lừa đảo người xin việc, một công ty tuyển nhân sự như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Du lịch Thăng Long (ở 66C đường Phan Bá Vành, Bắc Từ Liêm) có thể liên kết với nhiều công ty môi giới như Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Bình An (279A đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm), Công ty Hoàng Trọng (ở số 232 đường Phạm Văn Đồng)...
 
Các công ty này câu “con mồi” thông qua hình thức quảng cáo tờ rơi, hoặc đăng thông báo tuyển nhân sự trên mạng Internet với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ví dụ, nhân viên bán xăng, lái xe, đóng gói bánh kẹo… có lương 7-8 triệu đồng/tháng.
 
Khi người tìm việc mắc bẫy, tới các công ty môi giới nhờ tìm việc, các công ty như Bình An, Hoàng Trọng sẽ cho nhân viên tư vấn các công việc với mức thu nhập hấp dẫn, sau đó viết giới thiệu sang Công ty Thăng Long. Tuy nhiên, trước khi viết giấy giới thiệu, người xin việc phải nộp tại các công ty môi giới tiền phí làm hồ sơ khoảng 500 nghìn đồng và đặt cọc số tiền 1-1,5 triệu đồng.
 
“Các công ty môi giới cam kết sẽ trả lại tiền dù người lao động xin được việc hay không. Tuy nhiên, trong tờ giấy biên nhận tiền đặt cọc, các công ty môi giới lừa đảo không ghi thời hạn ngày nào sẽ trả lại tiền. Vì vậy, khi người lao động biết mình bị lừa quay lại đòi tiền, các công ty môi giới không trả, khất lần hoặc chỉ trả một phần nhỏ”, điều tra viên Công an quận Bắc Từ Liêm cho hay.
 
“Bóc trần” liên minh công ty lừa đảo người thất nghiệp - 2
Các đối tượng đưa ra mức lương hấp dẫn để lừa người thất nghiệp.
Thượng úy Quyết tiết lộ thêm, khi tới các công ty tuyển dụng để phỏng vấn, người lao động tiếp tục phải đóng thêm khoảng 200-300 nghìn đồng tiền phí phỏng vấn.
 
“Quy trình tuyển dụng được các công ty này thực hiện rất chuyên nghiệp như thể chúng có thể tạo công ăn, việc làm. Đầu tiên, nhân viên các công ty tuyển dụng giới thiệu hàng loạt công việc như bán xăng, đóng gói bánh kẹo, lái xe… với mức lương hấp dẫn để người xin việc lựa chọn. Nếu người lao động đăng ký làm nhân viên bán xăng, công ty tuyển dụng sẽ cho ứng viên học an toàn cháy nổ, phát tài liệu liên quan đến công việc bán xăng để ôn luyện trước khi tới phỏng vấn. Tuy nhiên, tới vòng phỏng vấn, các ứng viên đều bị chúng đánh trượt. Số tiền phí phỏng vấn của ứng viên bị chúng chiếm đoạt”, thượng úy Quyết nói.
 
Mất tiền mà không xin được việc, người lao động quay lại công ty môi giới đòi tiền đặc cọc. Lúc này, công ty môi giới sẽ khất lần không trả hoặc hứa hẹn tìm công việc khác rồi cắt liên lạc.
 
Theo điều tra viên Công an quận Bắc Từ Liêm, cơ quan điều tra đang làm rõ việc một số công ty môi giới và tuyển dụng “ma” câu kết với “xã hội đen” nhằm dọa nạt những người bức xúc tới văn phòng đòi lại tiền.
 
Thượng úy Quyết khuyến cáo: Khi đi xin việc, người lao động cần hết sức cảnh giác khi các công ty môi giới yêu cầu đóng tiền hoặc đặt cọc. Trong trường hợp bị công ty môi giới lừa đảo, người lao động nên tới cơ quan công an sở tại trình báo thay vì bức xúc đến công ty môi giới đòi tiền để tránh gây phức tạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN