Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc

Sự kiện: Tin pháp luật

Gỗ Pơ mu vẫn ngày đêm chuyển từ bãi tập kết bản Tàng Ghêng về xã Bản Mù rồi chuyển về huyện Trạm Tấu (Yên Bái) bằng xe du lịch... Điều khiển đường dây gỗ lậu này giới "lâm tặc" có nhắc tới cái tên P. "vịt"...

“Cung đường” gỗ lậu Pơ mu chềnh ềnh, lộ thiên trải dọc qua hàng loạt bản thuộc xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Điều khiển “cung đường” này có tới 5 ông trùm gỗ lậu với dã tâm thật khủng khiếp. Cả xã Bản Mù có tới hàng trăm “thợ gỗ”, ngày đêm xẻ rừng vượt suối làm “lâm tặc”. Một phép tính đơn giản, một ngày chở gỗ, những “lâm tặc” nửa mùa này đã đút túi gần chục triệu đồng...

Điểm đen... Tàng Ghêng

Chúng tôi không quá bất ngờ khi chứng kiến “cung đường Pơ mu” được giới buôn gỗ phong là khủng khiếp nhất Tây Bắc, bởi tình trạng phá rừng tại các tỉnh Tây Bắc từ lâu đã là điểm nóng và khó giải quyết một cách triệt để.

Tại huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, con đường gỗ lậu vận chuyển gỗ Pơ mu từ lâu đã trở thành điểm nóng, các tay buôn gỗ đổ xô về đây làm ăn, mở rộng địa bàn hoạt động. Bãi gỗ được xác định tại bản Tàng Ghêng (xã Bản Mù), đây thực chất là nơi tập kết gỗ và trung chuyển hàng Pơ mu.

Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc - 1

PV báo Người đưa tin "chạm trán" với dân gỗ lậu tại Tàng Ghêng

Thực tế, gỗ Pơ mu tại huyện Trạm Tấu không còn nhiều, do vậy những ông trùm gỗ lậu tìm điểm tập kết gỗ là điểm tiếp giáp với rừng gỗ Pơ mu của tỉnh Sơn La. Lợi dụng sự giáp ranh giới này, hàng ngày các tay trùm gỗ điều khiển hàng chục, thậm chí hàng trăm xe ồ ạt chở gỗ từ Tàng Ghêng vượt huyện Trạm Tấu phân tán về các huyện, thị để tiêu thụ.

Để cung đường gỗ lậu này “thuận buồm xuôi gió”, các tay buôn gỗ này thiết lập khá nhiều “trạm vệ tinh” dọc tuyến đường từ Tàng Ghêng về tới hết thị trấn Trạm Tấu. Không khó để có thể nhận biết, các “trạm vệ tinh” này được núp dưới các quán sửa xe máy, các quán nước tạp hóa dọc đường. Theo điều tra riêng của PV báo Người đưa tin, tại các “trạm vệ tinh” này, các thợ sửa xe một số ít đã từng là dân “lái gỗ”, sau một thời gian thấy việc vận chuyển gỗ không còn an toàn như xưa nữa nên trở về mở cửa hàng sửa xe hoặc tạp hóa.

Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc - 2

Đường vào bản Tàng Ghêng

Từ Trạm Tấu lên Bản Mù chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, ở cái bản mù sương này, người dân chẳng lạ gì cái cảnh, hàng đêm dân buôn gỗ ùn ùn tập kết ở đây. Cái mà người dân không hiểu đó là mặc dù biết Bản Mù là nơi trung chuyển gỗ lậu từ bãi gỗ Tàng Ghêng về để vận chuyển về huyện nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng chuyên trách kiểm lâm.

Vậy cánh “lâm tặc” này là ai?. Xin lý giải rất đơn giản thế này, ai cũng nghĩ “lâm tặc” phải là những tay cộm cán hay những tay anh chị có tầm cỡ mới dám làm những việc vi phạm pháp luật như phá rừng, vận chuyển gỗ, thế nên ai cứ thấy ai nhắc đến “lâm tặc” là tâm lý sợ hãi đến lạ lùng. Cánh “lâm tặc” chúng tôi gặp ở “cung đường Pơ mu” này chỉ đơn thuần là những trai bản thất nghiệp không hơn không kém.

Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc - 3

Dòng xe chuyên "thồ" gỗ lậu

Không bặm trợn, cũng chẳng có hình hài xăm mực trên người như những lời đồn thổi, cánh “lâm tặc” này chỉ đơn thuần là những trai bản tuổi đời từ 16 đến ngoài 20 tuổi. Để kiếm tiền sinh sống và nuôi gia đình, cánh trai bản này mới đi làm gỗ, cái nghề cực chẳng đã này đã khiến họ dường như không còn đường lui. Nói như Vừng (17 tuổi tại xã Bản Mù): “Không làm gỗ em chẳng biết làm gì, mỗi chuyến gỗ chở cho chủ được 1 triệu đồng, có gỗ thì ngày em cũng chạy được 4 chuyến...”.

Trong câu chuyện giữa tôi và Vừng, anh ta có hỏi: “Anh có biết chỗ nào có việc làm không cho em đi làm với, rừng hết gỗ thì em chẳng biết nuôi vợ con bằng gì nữa... Ngày trước gỗ còn nhiều, em chở được nhiều, nhưng giờ cũng khó vì dân buôn từ các huyện khác đổ về đây nên khó làm ăn lắm. Thời gian trước một người tầm tuổi em bị chết dưới Tàng Ghênh do chở gỗ nặng nên trượt đèo, thế nên em cũng sợ lắm...”.

Chẳng thấy bóng dáng... kiểm lâm?

Một cách phân tích khá đơn giản và lô gich như thế này, giới “lâm tặc” tại Trạm Tấu có 3 thành phần, thứ nhất là những người dân bản do không có công ăn việc làm nên đi làm gỗ kiếm tiền. Thứ 2 là những lái buôn thực thụ từ các huyện khác đổ về bãi gỗ để trực tiếp mua bán, thành phần thứ 2 này thì hội tụ đầy đủ các yếu tố của dân xã hội. Thành phần thứ 3 chính là những chủ gỗ có “quan hệ” rộng rãi, chúng tung tiền để mua gỗ và đóng thành phẩm bán với giá gấp chục thậm chí gấp trăm lần số tiền chúng mua ban đầu.

Một điều khó hiểu khi chúng tôi tìm hiểu về “cung đường Pơ mu” tại Trạm Tấu này đó là, mặc dù chuyện gỗ lậu vẫn hàng đêm chảy về xuôi qua chính huyện nhưng chẳng hiểu vì sao, các đơn vị chức năng đặc biệt là kiểm lâm huyện vẫn không hề hay biết. Cho đến khi PV trực tiếp đi rừng, thâm nhập vào nơi tập kết gỗ, trực tiếp “săn chuyện” với “lâm tặc” và về làm việc với kiểm lâm huyện thì mọi chuyện dường như mới vỡ lẽ...

Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc - 4

Gỗ được tập kết tại dường bê tông xã Bản Mù

Cán bộ kiểm lâm huyện Trạm tấu mà đại diện là ông Vũ Trọng Huân, Hạt phó thì ông này cho biết: “Hiện tại đơn vị có nhiều đồng chí đang chờ nghỉ hưu và bản thân tôi cũng mới được được chuyển từ huyện khác lên Trạm Tấu. Tại địa bàn có xảy ra tình trạng vận chuyển gỗ, đơn vị cũng cắm 3 đồng chí kiểm lâm chốt tại xã Bản Mù...”. Thế nhưng khi PV đi thực tế tại Bản Mù thì chẳng thấy bóng dáng một đồng chí kiểm lâm nào?.

Tôi cũng trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Văn Xa, chủ tịch huyện Trạm Tấu về tình hình gỗ lậu tại địa phương và cũng cảm nhận được tại huyện này có sự “lệch pha” trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Ông Xa thừa nhận: “Ngay cả bản thân tôi cũng bị các đối tượng theo dõi, ngày nào cũng có vài đối tượng lảng vảng ngay tại cổng nhà để theo dõi. Thế nên mới có chuyện, chỉ thấy Chủ tịch huyện đi bắt gỗ lậu còn các ngành chức năng chuyên trách chẳng thấy đâu...”. Khi được hỏi thế Kiểm lâm, Công an huyện đâu không thấy tham gia thì ông Xa chỉ mỉm cười đầy ẩn ý...?

Bí mật về ông trùm "lấy máu rừng" ở cung đường gỗ lậu Tây Bắc - 5

Hạt phó Vũ Trọng Huân: "Tôi mới được chuyển công tác lên Hạt kiểm lâm Trạm Tấu"

Gỗ lậu vẫn đêm ngày rậm rịch vận chuyển, những chiếc xe Win tàu như nhưng con trâu điên gầm rú giữa bản làng xóa đi màn đêm tĩnh mịch. Kiểm lâm huyện Trạm Tấu thì thống kê chỉ sơ sơ vài vụ lẻ tẻ bắt gỗ lậu, thu giữ xe. Còn nhiệm vụ từ đầu năm đến giờ chỉ thấy báo cáo về công tác phòng cháy rừng. Khi được hỏi, PV từ Hà Nội lặn lội lên Trạm Tấu còn nắm được ngày giờ gỗ lậu đi qua huyện tại sao Kiểm lâm huyện lại không hay biết?. Cán bộ Hạt kiểm lâm chỉ lắc đầu im lặng rồi hút thuốc lào xoành xoạch...

Ấy thế nên mới có chuyện chính “lâm tặc” đã tiết lộ với PV báo Người đưa tin thế này: “Ngày trước kiểm lâm cũng bắt nhưng giờ thì không thấy gì đâu. Ông chủ P. “vịt”, C. “con” lo liệu hết rồi, chỉ cần mấy ông ấy bốc máy điện thoại gọi là gỗ lại ùn ùn ra huyện...”. Tiết lộ bất ngờ này khiến PV không khỏi ngỡ ngàng, chuyện “luật lá” giữa chủ gỗ với những người “trong bóng tối” được “lâm tặc” kể chi tiết như thế nào, và những ông trùm gỗ lậu này có thanh thế ra sao mà "tác oai, tác quái" như vậy? mời độc giả tiếp tục theo dõi trên báo Người đưa tin...

(Còn nữa...)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Dương – Nguyễn Bắc (Người đưa tin)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN