Bị ’kẻ thứ ba’ và chồng bày kế đưa vào tù

"Nhưng gần 1 năm sau, chị Hà lại được chính tình địch của mình làm đơn kháng cáo, minh oan cho chị ..."

Chẳng ai dám tin người phụ nữ nổi tiếng là dâu hiền, vợ thảo Lương Thanh Hà (SN 1977, ở Hưng Yên) lại bị đi tù vì tội Cố ý gây thương tích. Vợ đi tù, chồng Hà rảnh tay gá nghĩa với người đàn bà khác. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, chị Hà lại được chính tình địch của mình làm đơn kháng cáo, minh oan cho chị vì chính “kẻ thứ ba” đã không chịu nổi người chồng thâm độc, tàn nhẫn, vô lương tâm…

Quan niệm cổ hủ

Chị Hoàng Thị Liên, nhân viên tư vấn, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ bệnh viện Đa Khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội, cho biết đã gặp phải nhiều nạn nhân trải qua cả bể trầm luân mà không ngòi bút nào có thể diễn tả hết nỗi đau khổ, uất hận mà họ từng nếm trải. Tuy nhiên, cũng có một vài số phận may mắn tìm được “ánh sáng” cuối con đường khổ đau.

Một trong những người phụ nữ may mắn đó là chị Lương Thanh Hà (SN 1977, ở Hoài Đức – Hà Nội). Chị mới thoát khỏi nỗi oan tù đầy vì tội “Cố ý gây thương tích” do chồng và nhân tình hợp tác dàn dựng.

Sau bao nỗi oan khuất, chính kẻ thứ ba phá nát hạnh phúc gia đình chị lại đang đề nghị được kết nghĩa chị em và trợ giúp kinh tế cho chị. Như “con chim trúng đạn sợ cành cây cong”, chị Hà không biết có nên tin những gì người phụ nữ ấy nói hay không?

Chị Hà cũng biết chị không thể từng trải như Hà Xuân, người đàn bà từng một lần bỏ chồng ra đi với 2 bàn tay trắng cùng 1 đứa con nhỏ. Sau đó, chẳng bao lâu chị ta đã tự tay lập nên 1 cơ sở buôn bán, thu mua sắt phế liệu to nhất nhì của xã.

Chị chỉ đơn giản là 1 phụ nữ vùng biển đem lòng yêu thương anh lính trẻ pháo binh đóng quân trên miền đất biển quê hương chị. Những đêm dài nghe anh thì thầm lời yêu thương hòa với tiếng sóng biển đã khiến cô gái làng chài xiêu lòng, sẵn sàng bỏ tất cả để về làm dâu vùng đồng chiêm nước trũng.

Về làm vợ anh, chị phải học tất cả từ việc làm đồng tới trách nhiệm của một người dâu trưởng. Đã vậy, 3 năm ông trời ban liền cho vợ chồng chị 2 cô con gái, khiến kinh tế đôi vợ chồng trẻ càng trở nên hạn hẹp. Dù vậy, trong ngôi nhà nhỏ của anh chị chưa bao giờ ngớt tiếng cười đùa trẻ thơ, tổ ấm luôn ngập tràn hạnh phúc.

Cho tới một ngày, vào hôm có đám giỗ, chồng chị Hà bị mọi người lôi ra giễu cợt, khích bác, bắt anh phải xuống mâm dưới ngồi vì không có con trai. Cay cú, chồng chị Hà về nhà quay ra bực tức đánh chửi vợ tội “không biết đẻ con trai”.

Cũng từ sau hôm đó, chồng chị Hà thành 1 người khác hẳn, Suốt ngày anh vùi mình trong men cay của rượu, ham mê cờ bạc, luôn tìm cách gây sự, đánh đập vợ con. Hai đứa con gái của anh chị cũng thường bị bố nhiếc móc là “đồ vịt giời bỏ đi”…

Khát khao có 1 đứa con trai được san sẻ với những người trong gia đình và Huệ, em chồng Hà là một trong những người nhiệt tình giúp đỡ anh trai mình nhất. Để mong có được 1 đứa cháu trai, Huệ đã không ngại ngần làm mối cho anh trai với người đàn bà tên Xuân, vừa là chủ hàng vừa là chủ nợ của Huệ.

Xuân đã bỏ chồng và có 1 con trai. Và nhờ “công lao” đó, Huệ sẽ được Xuân xóa cho khoản nợ trước đây. Để đạt được mục đích, Huệ đã xui anh trai mình đánh đuổi, ép buộc Hà phải tự đi khỏi nhà.

Âm mưu của Huệ cuối cùng cũng thành sự thật. Sau lần bị chồng đánh tới mức phải nhập viện vì lý do “mày không đẻ được con trai thì cút khỏi nhà tao…”, chị Hà đã bỏ đi. Một tuần nằm viện đơn độc không người quan tâm chăm sóc, chị Hà mới đau đớn quyết định đưa theo đứa con gái thứ hai về nhà mẹ đẻ tạm lánh.

Những tưởng đó sẽ là khoảng thời gian giúp chồng chị nghĩ lại. Nào ngờ, suốt 3 tháng trời đằng đẵng sống ở nhà ngoại chị không nhận được bất kỳ thông tin nào từ nhà chồng. Sốt ruột quay về nhà chồng thăm đứa con đầu, chị bàng hoàng phát hiện vị trí của mình đã bị người đàn bà khác thế chỗ. Tất cả đồ đạc cá nhân của chị đều bị gói gọn, cất vào kho đựng lúa.

Ảnh cưới của chị đã bị dỡ xuống, thay bằng bức tranh 1 thằng cu kháu khỉnh. Chữ Hỷ được dán ở khắp nơi. Nhưng không gì choáng váng bằng việc chính mắt chị chứng kiến cảnh chồng mình ôm người đàn bà khác ngủ trên giường, chiếc giường tân hôn, nơi chị đã từng trao cho anh tất cả thể xác và tâm hồn.

Bao uất ức dồn nén bấy lâu được cơ hội bùng phát. Chị không muốn và cũng không thể giữ được bình tĩnh trước cảnh trái tai gai mắt đó. Theo phản xạ tự nhiên, chị lao vào đánh chửi người phụ nữ cả gan thế chỗ trong lúc chị vắng nhà. Song nỗi uất hận chưa được giải tỏa chị Hà đã bị người chồng vũ phu túm tóc, lôi ra giữa sân đuổi “cút…”.

Lần đầu tiên trong đời chị biết phản kháng, phản kháng mãnh liệt nhằm đuổi kẻ thứ ba ra khỏi tổ ấm của mình. Trong cơn điên loạn, vớ được thứ gì chị dùng thứ đó làm vũ khí đánh đôi nhân tình.

Bị đánh bất ngờ, đôi nhân tình chỉ còn biết tìm cách đỡ đòn trước cơn điên loạn của chị. Chị không nhớ lúc đó mình đã dùng những vật gì để ném, để đánh. Nhưng chị nhớ rất rõ, khi người đàn bà ấy bất tỉnh đã có máu chảy.

Trong lúc chồng chị đang luống cuống chăm sóc vết thương của “người mới”, chị đã nhanh chân chạy khỏi ngôi nhà đáng sợ đó, ra bến xe, bắt chuyến xe khách gần nhất trở về nhà mẹ đẻ trong nỗi đau đớn, tủi hận.

Chưa đầy 2 ngày sau chị bị công an Huyện mời xuống làm việc. Sau đó chị bị tạm giữ, đưa trở lại quê chồng. Chị được biết đôi nhân tình đã đưa đơn kiện chị tội “Cố ý gây thương tích”. Trong cơn nóng giận chị đã làm Xuân chấn thương sọ não, rách tay… tỷ lệ thương tật là 11% vĩnh viễn.

Tại phiên xét xử chị, người chồng nói chị là người đàn bà ghen tuông mù quáng, là người phụ nữ không đứng đắn, không đáng tin cậy, ngang nhiên lăng mạ, đánh người vô tội, là người không biết phép tắc khi tự ý bế con bỏ về nhà ngoại rồi lại quay về nhà gây chuyện. Dựa vào lời khai của đôi nhân tình và tỷ lệ giám định thương tích, chị đã bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù giam.

Sau hơn 1 năm chị chấp hành án, phép mầu đã xảy ra. Người đàn bà từng dựng kế hoạch đưa chị vào vòng lao lý đã tự làm đơn kháng cáo xin tòa án xét xử lại.

Tại tòa, Xuân đã thú nhận việc mình dựng chuyện, đưa lời khai giả, vu cáo Hà vô cớ đánh đập, gây thương tích. Cả bản giám định thương tích cũng do một tay Xuân và Thế, chồng chị Hà “đạo diễn”.

Nhờ vậy chị Hà được minh oan, trả tự do tại tòa. Thay vào đó, Xuân và Thế mỗi người đều phải chấp nhận một bản án nghiêm khắc vì đã vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ danh dự người khác, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.

Đến lúc đó, chồng chị Hà mới cúi đầu nhận lỗi, mong chị tha thứ, chấp nhận chia tay với Xuân. Chị không dám tin đó là hiện thực cho tới khi nghe lời tâm sự của Xuân.

Qui luật Nhân – Quả

Hóa ra hạnh phúc là thứ không thể đi vay mượn. Nghĩ đủ mưu kế chiếm đoạt tổ ấm người khác nhưng chưa một ngày Xuân cảm nhận được hạnh phúc. Xuân luôn phải sống trong lo lắng, bồn chồn, ăn năn hối hận sau khi lập kế đẩy một người khác vào vòng lao lý.

Ủng hộ “chồng hờ” đánh đập, ruồng rẫy Hà những mong chiếm đoạt gia đình người khác, nhưng rồi chính Xuân lại rơi vào vòng xoáy bạo lực gia đình. Ngày Xuân sinh nở, cứ tưởng sẽ được mỉm cười mãn nguyện bên chồng con, nào ngờ, vừa biết Xuân đẻ con gái, Thế chẳng nói câu nào, lẳng lặng bỏ về.

Ngày ra viện cũng chỉ có 2 mẹ con Xuân bồng bế nhau về trong nỗi tủi hổ. Đã vậy Xuân còn bị những người xung quanh lên án, coi khinh tội cướp chồng người khác. Họ nói Xuân “gieo nhân nào, gặt quả ấy”.

Tới cô em chồng cũng không vừa, luôn coi Xuân là “kho tiền” thường xuyên vay mà không trả. Đôi lần đòi, Huệ lại cong cớn: “Chưa có, chưa trả. Số tiền đó cùng lắm trừ vào tiền công tôi mai mối cho chị…”.

Thái độ của Huệ làm Xuân uất nghẹn. Huệ bắt Xuân trả công cho 1 cuộc hôn nhân đầy bất hạnh với người chồng suốt ngày say khướt, thường xuyên vô cớ đánh đập vợ, chửi con, nướng tiền vào chiếu bạc.

Đắng cay nhất vẫn là mỗi lần về tới nhà, nhìn thấy đứa con gái đi chưa vững là anh ta lại mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, chán lại lôi Xuân ra đánh như thể cô là người gây ra tội. Đôi lúc, cô tự hỏi đó có phải là quả báo cho việc tranh vợ cướp chồng hay chính là hình phạt dành cho kẻ bội tình?

Chính vì vậy, sau khi trả mọi thứ về đúng vị trí của nó, Xuân đã mong Hà cho cô cơ hội chuộc lỗi. Cho Xuân được làm chị em sát cánh giúp đỡ Hà những lúc khó khăn. Nghe những lời chân tình ấy, chị Hà đã rất cảm động, nhưng chị còn chưa quên được những ngày mình phải ăn cơm tù đầy cay đắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Hoa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN