Ý nghĩa mâm ngũ quả theo từng vùng miền

Sự kiện: Món ngon ngày Tết

Theo phong tục, Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nhà nào cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ để cúng tổ tiên và thể hiện những ước nguyện của gia chủ.

Ý nghĩa chung của mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa bao trùm là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính với tổ tiên. Ngoài ra tùy ở những gốc độ khác nhau, mâm ngũ quả còn có các ý nghĩa khác nhau.

Mâm ngũ quả là mâm gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.

Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang, ninh.

5 màu sắc cũng thể hiện ý nghĩa nguồn của cải 5 phương đưa về kính lên tổ tiên. Chẳng hạn, nải chuối màu xanh tượng trưng Đông phương, bưởi màu vàng tượng trưng Trung phương, quả lê màu trắng tượng trưng Tây phương, quả hồng màu đỏ tượng trưng Nam phương, quả màu sẫm bất kỳ tượng trưng Bắc phương.

5 màu sắc này cũng tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Mặc dù gọi là ngũ quả nhưng thật ra người ta không quy định chính xác là những loại trái cây cụ thể gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.

Sau đây là ý nghĩa mâm ngũ qua theo từng miền:

Miền Bắc

Ở miền Bắc, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Theo thuyết Ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí.

Ý nghĩa mâm ngũ quả theo từng vùng miền - 1

Ở miền Bắc, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Ảnh minh họa.

Miền Bắc thường bày 5 loại quả có 5 màu khác nhau như: chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.

Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Miền Nam

Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả, kể cả quả ớt mang vị cay xè đều có thể bày lên bàn thờ, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt; thì người miền Nam lại kiêng kỵ bày một số trái cây. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”…

Ở miền Nam bạn sẽ thường thấy các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm,… đọc lai lái giống như “cầu vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ sung”.

Ý nghĩa mâm ngũ quả theo từng vùng miền - 2

Ở miền Nam bạn sẽ thường thấy các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm,… đọc lai lái giống như “cầu vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ sung”. Ảnh minh họa.

Do ngày càng đa dạng của loại trái cây cũng như điều kiện kinh tế phát triển nên người ta không còn quá cứng nhắc phải đúng 5 quả trên mâm có thể bát, cửu, thập quả đều được nhưng phải được bố trí đẹp mắt.

Việc bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong ngày Tết cũng là một nét văn hóađặc sắc của người dân Việt Nam. Chính vì vậy dù sinh sống ở phương trời nào, người dân Việt vẫn không quên tục lệ này trong dịp Tết Nguyên đán nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc cho bản thân và cho con cháu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Vy (Đời sống & Pháp luật).
Món ngon ngày Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN