Nổi trôi, đời... lục bình!

Ở xóm quê nghèo, khi bắc nồi cơm lên mới lo tìm thức ăn. Khi túng ngặt thì hái bông lục bình lên rửa sạch để ráo rồi xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng cũng đưa cơm, ngon lành.

Chiều, bước chân cao thấp bên bờ rạch miền Tây Nam bộ bao la sông nước, chàng trai nào đó buông lời hát: "Nước chảy liu riu/ Lục bình trôi líu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu anh thương...".

Âm vang của những từ láy vần “iu” như muốn cùng người diễn tả tâm trạng tương tư. Nhưng đối tượng hữu hình hiện ra chính là những bụi lục bình trôi nổi dọc theo triền kênh, rạch, ... ở xứ này.

Lục bình, một loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước. Lục bình trôi tới đâu, hoa nở tới đó. 

Nổi trôi, đời... lục bình! - 1

Nổi trôi đời lục bình

Hoa màu tim tím, thầm lặng, không cao sang, cũng không ưa quyền quý, nở bừng khi mặt trời lên và se buồn khi hoàng hôn buông xuống. Hoa này tàn, hoa khác nở, cứ thay nhau trổ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông không bao giờ ngớt. Trai gái nghèo, phải lòng nhau, tặng cho nhau cánh hoa lục bình thay cho lời tỏ tình, bởi màu tím tượng trưng cho sự thủy chung son sắt.

Ở xóm quê nghèo, khi bắc nồi cơm lên mới lo tìm thức ăn. Khi túng ngặt thì hái bông lục bình lên rửa sạch để ráo rồi xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng cũng đưa cơm, ngon lành. Sang hơn, khi kho mắm, cọng lục bình được tước lấy phần non để làm rau vừa ngon miệng, vừa đỡ ngán.

Nổi trôi, đời... lục bình! - 2

Canh chua bông lục bình

Công việc nhà nông nhiều khi gặp phải chuyện đứt tay, chân, … thì rễ lục bình dạo qua trong nước cho sạch, trở thành phương thuốc cầm máu. Theo kinh nghiệm dân gian, lá lục bình còn dùng chữa những chỗ bị sưng tấy, viêm khớp ngón tay, viêm hạch... 

Lá lục bình rửa sạch, thêm ít hột muối giã nát, đắp đều lên chỗ sưng rồi dùng vải quấn lại. Thường chỉ đắp một hai lần, mỗi lần trong một đêm là hết đau nhức.

Nổi trôi, đời... lục bình! - 3

Bông lục bình

Thời còn chống giặc ngoại xâm, chính những mảng lục bình phủ kín mặt sông là địa hình lí tưởng để bao nghĩa binh qua mắt giặc, sang bên kia bờ tiếp tục cuộc hành trình vệ quốc. Nhà thơ Viễn phương đã xúc động nhớ lại một thời khói lửa nhưng thật hào hùng, thật lãng mạn:

"Ngày xưa bám rễ lục bình/ Theo con sóng lượn rập rình qua sông".

Nhiều nhà nuôi heo, gà vớt lục bình lên làm thức ăn cho chúng. Vừa tiết kiệm được gạo cám, mà gia súc, gia cầm vừa mạnh khỏe, mau lớn. Rễ lục bình được các nghệ nhân dân gian dùng đắp gốc kiểng, làm mát cây, thuận lợi cho việc tạo dáng, tạo hình.

Nổi trôi, đời... lục bình! - 4

Phơi lục bình đươn (đan) giỏ

Những năm gần đây, cọng lục bình còn được các bàn tay khéo léo của người nông dân tận dụng đươn bện thành thảm, giỏ, túi, bán cho khách du lịch gần xa.

Có nơi, người ta tận dụng lục bình để trồng nấm rơm và cũng đạt hiệu quả không thua gì trồng nấm trên rơm thật.

Vùng đất sông rạch chằng chịt có biết bao loài cây hoang dại. Nhưng dưới sự sáng tạo, tận dụng từ thiên nhiên của dân gian, lục bình đã có nhiều tác dụng tích cực phục vụ hiệu quả cho chính đời sống người nông dân miền đất Cửu Long giang. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Út Tẻo
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN