Cách nhận diện trà khô ngon bằng mắt thường được chính người trồng trà đất Thái Nguyên chia sẻ
Trên thị trường xuất hiện nhiều loại trà hàng nhái kém chất lượng, khi sử dụng dẽ gây nhiều hệ luỵ đến sức khoẻ. Tại thủ phủ trà Thái Nguyên, người dân bản địa đã mách nước để lựa chọn loại trà khô thơm ngon, đảm bảo an toàn chỉ bằng mắt thường.
Quan sát hình thức trà
Những loại trà khô thơm ngon đều được sản xuất từ những búp trà tươi non nhất, được hái thủ công bởi những người nông dân, qua bàn tay nâng niu của những nghệ nhân trà mà cho ra loại trà ngon thơm hảo hạng. Để chọn được những loại trà này, thông thường, nhiều người thường chọn cách đến trực tiếp các vùng thủ phủ nguyên liệu trà lớn như Thái Nguyên hay Phú Thọ để đảm bảo chọn được sản phẩm chất lượng.
Cách nhận diện trà khô thơm ngon
Anh Hà Quang Thái (Hưng Yên) – khách mua trà tại thủ phủ trồng chè Tân Cương, cho biết: "Mình làm nghề lái xe nên thường đi qua vùng trồng chè Tân Cương. Thường nhiều khách hàng hỏi mua mình sẽ dẫn họ trực tiếp lên đây để chọn mua được trà khô thơm ngon, chính gốc, không sợ hàng pha trộn trên thị trường. Ở đây khách hàng cũng được người trồng chè hướng dẫn cách pha, cách chọn trà thơm ngon, cách bảo quản lâu".
Nhưng nếu không thể đến được những vùng thủ phủ trồng chè lớn để chọn mua, có nhiều cách để mua được những loại trà khô thơm ngon, tuy nhiên cần biết cách nhận diện loại trà tốt. Theo lưu truyền của người trồng chè lâu năm ở Thái Nguyên, có 5 tiêu chí mà trà khô thơm ngon cần đáp ứng đủ: sắc, nước, hương, vị, thần thái. Yếu tố đầu tiên cần quan sát chính là màu sắc của trà.
Trà khô được chế biến tỉ mỉ
Chị Xoan Thắm, người trồng trà ở đồi Tân Cương cho biết: "Trà ngon thì cánh trà phải chắc, khô, đẹp. Lá trà khô hình như chiếc búp dẹt, bóng, phẳng phiu đẹp mắt. Khi đóng bánh cứng nặng và có màu đen như sắt. Sợi trà cong xoắn, cho nước hãm màu xanh lục".
Trà được thu hái và chế biến theo phương thức truyền thống, chọn lọc và làm khô, héo ở mức nhiệt độ vừa phải. Sau khi chế biến lá trà khô thẳng có màu trắng bạc. Những búp trà non được làm héo và giải ra để róc hết nước cho sạch và khô, sau đó, người làm trà sẽ sao sấy rất công phu và tỉ mỉ. Khi ủ trà, những búp trà nở to đầy sức sống, tùy cách chế biến hoặc nguồn nước sử dụng thì búp trà vẫ giữ được sắc xanh tự nhiên, hoặc ngả vàng nhạt và mùi hương nhẹ nhàng.
Nhận diện thông qua màu sắc bên ngoài
Tất cả những công đoạn này đều được xử lỷ tinh tế dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng nghề trà. Bằng những kinh nghiệm lâu đời, quy trình công phu tỉ mỉ ấy được lưu truyền, giữ gìn đến tận nay, đặt nền móng cho thủ phủ trà lớn nhất cả nước.
Đặc biệt, sau khi pha trà cần quan sát màu nước: Nước chè không có màu lạ, nước trong, thanh, màu đồng nhất, để nước lâu không bị biến màu thành màu xỉn, đục. "Điều này nói lên lượng axit amin, lượng chất chống oxy hóa của chè rất ổn. Chỉ có đồ trồng organic mới có những đặc tính như vậy", chị Xoan Thắm cho hay.
Hương thơm của trà
Trà khô thơm phải có hương thơm đặc trưng. Chị Xoan Thắm chia sẻ cách nhận diện trà khô ngon qua hương thơm của trà: "Lá trà sinh ra có mùi thơm nức mũi, xa gần đều ngửi thấy. Hương vị thơm ngon của trà Tân Cương hơn hẳn các thứ trà ở nhiều vùng khác do ở đây có sự thuận lợi về khí hậu, đất đai tốt cho việc trồng trà. Hương thơm dịu đặc trưng của trà búp, đọng hương lâu, vị trà ngọt tươi". Vào mùa thu trời bắt đầu chuyển mùa và sẽ ngày càng lạnh hơn, cũng chính là lúc búp trà sinh trưởng ít hơn nhưng sẽ làm tăng độ chất dinh dưỡng nhiều hơn và ngon ngọt hơn.
Khi pha trà ngon có mùi thơm nhẹ của cốm
Cũng theo người bản địa, hiện nay nhiều nơi sử dụng các chất tạo hương công nghiệp cho trà, vì vậy trà có mùi hương khó chịu. "Chè khô tự nhiên sẽ có mùi thơm hương cốm thoang thoảng tự nhiên... Chè dùng kích thích thường có mùi thơm kiểu công nghiệp, ngửi nhiều khó chịu, gây căng thẳng", chị Thắm cho biết.
Để làm nên thứ trà khô lưu giữ hương thơm lâu, người dân bản địa đều có những bí quyết riêng. Theo anh Thái Hoàng – chủ một vườn chè tươi chia sẻ: "Để làm nên cánh trà đen óng, soăn tít như móc câu phải hết sức tỉ mỉ cẩn thận. Khi đánh hương thời gian càng lâu hương trà càng thơm lại càng ngon. Chỉ cần bạn đứng cạnh thôi thì hương trà đã phẳng phất thơm dịu cũng khiến bạn cảm thấy ấm áp".
Trà ngon ủ lâu vẫn không phai hương
Vị của trà
Uống trà ngon quan trọng nhất là thưởng vị. Những loại trà khô ngon đều được chế biến từ những lá trà cổ thụ, công thức hong khô nhẹ trong gió vùng cao cho những cánh trà hoà quyện vào nhau, giữ lại những hương vị nguyên bản nhất.
Trà ngon thường có vị trà nhẹ, hậu ngọt kết hợp hương thơm hoa của núi rừng đưa cảm xúc người uống trà như được hoà cùng vào thiên nhiên. Trà có màu vàng đẹp mắt, tươi mới, hương của núi rừng phủ lên trên là một ít hương hoa vị trà nhiều tầng lớp, ngọt nhẹ nhàng mà sâu lắng, dư vị thảo mộc kéo dài. Nhiều loại trà hảo hạng sẽ được oxy hóa nhẹ với hương vị sảng khoái, giúp tinh thần của người thưởng thức tươi mới, thư giãn.
Trà thường có vị chát, hậu vị ngọt
Đặc biệt, trà ngon không thể thiếu đi vị chát đặc trưng, uống nhiều sẽ dễ "gây nghiện". Bã sau khi pha bung nở tự nhiên như lúc còn tươi, không bị nát vụn. "Chè có vị chát khi mới uống, cảm giác dính ở miệng, về sau vị chuyển dần thành vị ngọt, hay gọi là hậu vị, có được là nhờ axit amin có trong chè, vị ngọt từ nước miếng được tiết ra... Chè uống đến nước thứ 3, thứ năm vẫn cảm nhận được vị của chè, vẫn cảm thấy khá ngon và thú vị", anh Thái Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.
Một chén trà sạch, ngon với người bản địa chính là chén trà từ những búp tươi ngon nhất, mọi công đoạn đều làm tỉ mỉ, không sử dụng các tạp chất công nghiệp. "Mình cũng làm chè nhưng tiêu chí ngon thì phải là sạch, sự sảng khoái từ chén trà sáng mang lại là tỉnh táo khởi nguồn một ngày mới. Với tiêu chí tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ, không dùng phân hóa học, không bón lá kích thích thì màu sắc, mùi vị tự nhiên, của trà đều sẽ rất thơm ngon. Chè cành vốn nước xanh vị hơi nhạt. Trà san tuyết thì màu ngả vàng mật ong, vị chát đắng rõ rệt nhưng ngọt hậu sâu cả buổi không đổi vị", chị Xoan Thắm cho hay.
Uống trà không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Uống trà một mình, uống trà khi khách đến chơi nhà, uống trà với bạn chút tâm tình sớm hôm đã trở thành nét đẹp văn hoá của dân tộc.
Nguồn: [Link nguồn]
Không phải ngẫu nhiên mà Thái Nguyên được mệnh danh là thủ phủ trà ngon bậc nhất cả nước. Những búp trà tươi xanh được chăm bón kỹ lưỡng, sử dụng đúng kỹ thuật để...