Cà ry ướp hương cho món
Vì có mùi thơm đặc biệt nên lá cà ry được sử dụng nhiều trong chế biến món ăn.
Là gia vị chính tạo nên hương vị đặc biệt cho nhiều món ăn, cà ry không chỉ mang đến mùi vị đậm đà, hấp dẫn mà còn là vị thuốc hiệu quả. Sự kết hợp đa dạng các thành phần nguyên liệu đã giúp cho cà ry ngày càng được nhiều chị em nội trợ ưa chuộng.
Cây cà ry, còn gọi là nguyệt quế Koeing, có tên khoa học là Murraya Koeningii, tên tiếng anh là curry, họ Ruteceac. Xuất phát từ Ấn Độ, ngày nay cây cà ry được trồng ở nhiều nước châu Á như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam… Vì chứa mùi thơm rất đặc biệt nên lá và trái cà ry được các bà nội trợ sử dụng nhiều trong việc chế biến món ăn.
Vì có giá trị dinh dưỡng cao nên từ lâu, trong nền y học cổ truyền, người dân Ấn Độ đã biết lấy lá cà ry để làm gia vị ướp món ăn hoặc dùng kèm lá cà ry tươi với các loại rau ghém khác.
Gia vị tốt cho sức khỏe
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn cây cà ry với cây điều nhuộm được dùng để làm màu tự nhiên trong thực phẩm. Song, quả điều nhuộm có màu đỏ giống như quả chôm chôm, trong khi quả cà ry có màu xanh khi còn non và đen khi đã chín. Lớp vỏ bên ngoài trơn, bóng như trái nho. Tại Ấn Độ và Sri Lanka, các bộ phận của cây cà ry được người dân tận dụng khá triệt để, đặc biệt là lá và quả cà ry. Tùy mục đích sử dụng mà lá cà ry được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Người ta có thể lấy lá cà ry tươi ép cho ra nước hoặc nghiền thành bột để chữa các chứng bệnh đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa. Hoặc dùng lá cà ry non để ăn sống sẽ giúp giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa chứng béo phì. Trong một số món ăn, lá cà ry được thả vào chảo dầu nóng để tạo mùi thơm trước. Nếu muốn dự trữ lá được lâu, người ta sẽ để lá đông lạnh hoặc mang đi sấy khô. Theo nghiên cứu, trong lá cà ry còn tươi sẽ chứa các thành phần như nước, chất béo, protein, carbobydrat và các nguyên tố vi lượng khác như photpho, sắt, canxi, vitamin C. Vì có giá trị dinh dưỡng cao nên từ lâu, trong nền y học cổ truyền, người dân Ấn Độ đã biết lấy lá cà ry để làm gia vị ướp món ăn hoặc dùng kèm lá cà ry tươi với các loại rau ghém khác.
Với người Ấn Độ, từ lâu cà ry là món ăn được xem là đặc trưng của dân tộc
Ngày nay, ngoài dạng tươi được chiết xuất từ lá thì cà ry còn được nghiền thành bột, giúp cho người nội trợ tiện lợi hơn trong việc nấu nướng. Bột cà ry là hỗn hợp được kết hợp từ nhiều loại gia vị và thảo mộc như tiêu, bột nghệ, ớt, mù tạc, thì là… Tùy vào từng món ăn và từng nơi mà các thành phần kết hợp trong cà ry có sự thay đổi. Ngoài các loại gia vị căn bản thì một số nơi còn cho thêm đinh hương vị mới lại cho bột cà ry. Hỗn hợp gia vị này sau khi trộn đều sẽ tạo ra thứ bột mịn, có màu vàng, đỏ và vị cay, nồng đặc trưng. Từ hỗn hợp bột này, người nấu sẽ dùng để tẩm ướp các loại thịt bò, heo, gia cầm, làm tăng mùi thơm và giúp cho món ăn thêm đậm đà, thơm ngon. Không chỉ đơn thuần là gia vị tăng hương vị cho món ăn, các thành phần trong bột cà ry được đánh giá cao vì tốt cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, thành phần nghệ vàng trong bột cà ry ngoài việc tạo màu cho món ăn còn chứa hợp chất curcumin giúp cơ thể đề kháng lại tế bào gây bệnh ung thư rất hiệu nghiệm. Ớt tăng cường hàm lượng vitamin A, C, trong khi đó, quế có tác dụng giảm đường máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch… Các nghiên cứu đều cho thấy các thành phần trong bột cà ry có thể giúp phòng ngừa ung thư ruột kết và bệnh alzheimer rất hiệu nghiệm.
Cà ry trong ẩm thực
Giữa thế kỷ 19, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, cà ry đã được người dân Ấn Độ mang tới Anh. Đến thế kỷ 20, cà ry được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Người ta xem cà ry là một loại gia vị đặc biệt, góp phần làm cho món ăn thêm hấp dẫn hơn. Cũng từ đây, cà ry bắt đầu xuất hiện nhiều trong các quán ăn, nhà hàng lớn bé ở mọi nơi và trở thành đề tài chính trong nhiều cuốn sách, tạp chí nghiên cứu. Nhờ sự quan tâm này mà cà ry càng được ưa chuộng và biết đến nhiều hơn. Sự phát tán mạnh mẽ của loại gia vị này đã góp phần làm cho nền ẩm thực ở một số nước Âu, Á mang những nét đặc sắc và nổi bật hơn. Nhiều món ăn nổi tiếng được biết đến nhờ có sử dụng gia vị chính từ bột cà ry.
Cà ry có thể dùng cho các món mặn lẫn món chay
Với người Ấn Độ, từ lâu cà ry là món ăn được xem là đặc trưng của dân tộc. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người đân nơi đây. Nếu có dịp đến Ấn Độ, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều món cà ry với nhiều hương vị khác nhau với đa dạng nguyên liệu như cà ry rau củ, cà ry gà, cà ry dê, cà ry cá… Đặc biệt nhất là cà ry Phaal, đây là món cà ry được bình chọn là cay nhất thế giới vì sử dụng đến 10 loại ớt cực cay như Hababerp, Scotch Bonnet, Bhut Joikia… Khi ăn cà ry Phaal, bạn sẽ thấy bỏng rát kinh khủng, người toát mồ hôi, rơi lệ, tê rát lưỡi. Vì nét văn hóa ăn bằng tay nên cà ry Ấn được chế biến ở dạng hơi khô so với các nước khác. Tại Thái Lan, bên cạnh hững món ăn đặc sắc như tom yum, gỏi đu đu thì cà ry cũng được đánh giá cao. Tùy vào mỗi khu vực mà người Thái chế biến cà ry dưới nhiều dạng khác nhau. Nhưng nổi bật và được biết đến nhiều nhất vẫn là cà ry đỏ, cà ry xanh, cà ry Penang, cà ry Massaman. Ở Việt Nam, người ta dùng gia vị này để nấu cà ry, nêm vào các món cơm chiên, xào lăn, hoặc tăng vị thơm cho bánh xèo.
Cà ry có thể dùng cho các món mặn lẫn món chay và tùy vào từng món cũng như sự sáng tạo của mình mà đầu bếp sẽ kết hợp thêm nhiều nguyên liệu và gia vị đi kèm như nước cốt dừa, hành, tỏi, gừng… để tăng vị cho món ăn. Bột cà ry càng để lâu thì càng giảm đi tác dụng cũng như mất đi mùi vị. Vì thế, chúng ta chỉ nên lưu trữ bột trong khoảng 2 tháng. Nếu thích, chị em nội trợ cũng có thể chọn các loại gia vị ở dạng thô và tự mình pha trộn một hỗn hợp bột cà ry theo công thức riêng, phù hợp với khẩu vị của mọi người.
Lá cà ry trị bệnh Khi bị nôn mửa, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, ép lá cà ry tươi thành nước trộn với một ít nước tắc, đường để uống sẽ giúp bệnh thuyên giảm. Người bị tiểu đường có thể dùng một ít lá cà ry (vừa phải), còn tươi, rửa sạch, ăn thường xuyên vào mỗi sáng. Dùng liên tục trong 3 tháng có thể giúp kiểm soát và ổn định lượng đường trong máu. Lấy lá cà ry trộn với dầu giấm, làm salad, ăn kèm rau ghém, làm nước xốt hay nấu kèm với dầu dừa, tạo thành hỗn hợp nước dưỡng tóc. Bôi hỗn hợp này lên chân tóc thường xuyên sẽ giúp cho mái tóc dày, bóng mượt và chắc khỏe hơn. Bôi dung dịch lá cà ry nấu lên các vết bầm tím, vết côn trùng cắn, mẩn ngứa… đều mang lại tác dụng tốt. |