Bất ngờ với 10 lỗi cơ bản ai cũng mắc phải khi nấu ăn
Bạn quyết định nấu một món ăn thật tinh tế, bạn làm đúng theo hướng dẫn với tỷ lệ gia giảm chuẩn xác, thế nhưng thành quả lại khác xa tưởng tượng của bạn, vấn đề nằm ở đâu? Hãy cùng xem những lỗi phổ biến trong nấu ăn có thể làm hỏng thành quả của bạn.
1. Chảo quá đầy
Khi chiên thịt, nếu muốn thịt có các mặt vàng giòn ngon miệng đẹp mắt, bạn phải để cho thịt có không gian “để thở” và chuyển màu. Nếu bạn bỏ quá nhiều thịt vào chảo, có những miếng thịt không áp được mặt xuống chảo, chúng sẽ ra nước và hậu quả là chảo thịt của bạn sẽ không có màu đẹp và ngon nữa.
2. Chiên thịt bằng chảo chống dính
Một lý do khác khiến miếng thịt không có màu vàng đẹp mắt là vì sử dụng chảo chống dính. Chảo chống dính, thường có độ nóng không cao như chảo bình thường, vì vậy bạn chỉ nên sử dụng loại chảo này để rán trứng hay pancake. Đối với thịt chiên, hãy thử sử dụng chảo gang hoặc chảo có gờ nổi.
3. Không cho muối khi luộc mì ống
Nguyên tắc cơ bản để nấu mì ống hoàn hảo là cho một chút muối vào nước luộc mì. Thiếu muối sẽ dẫn đến mì ống trở nên nhạt nhẽo không có vị, và dù có nước sốt cũng khiến mì bị giảm vị ngon. Nếu bạn không chắc chắn về tỷ lệ, sử dụng 15g muối cho 300g mì ống.
4. Chiên bằng dầu ô liu
Ở nhiệt độ cao, dầu ô liu mất tất cả các giá trị dinh dưỡng, đồng thời bắt đầu cháy, và có thể hoàn toàn làm hỏng hương vị của thức ăn. Vì vậy, tốt hơn là nên sử dụng dầu ô liu để làm món trộn với xà lách và dầu hướng dương tinh chế để chiên.
5. Không làm nóng chảo trước khi nấu
Các đầu bếp hàng đầu thường nói, "Nếu bạn nghĩ rằng cái chảo của bạn đã đủ nóng rồi, hãy đợi thêm hai phút nữa rồi hẵng nấu". Bạn chắc chắn sẽ cần một chảo dầu đủ nóng để xào rau, để chiên giòn khoai tây hay thịt.
6. Cho tỏi vào ngay từ đầu
Hầu hết các công thức nấu ăn đều chú thích rằng tỏi nên được cho vào món ăn ở những giây cuối cùng, hoặc thậm chí phải lấy ra khỏi chảo sau 2-3 phút nấu ăn. Bởi tỏi có chứa rất ít nước, đồng thời nó cháy rất nhanh. Khi bị nấu quá chín, tỏi sẽ có vị rất kỳ dị và làm hỏng món ăn của bạn.
7. Rã đông thịt bằng chảo nóng
Trước khi nấu thịt, hãy đảm bảo rằng bạn để nó được rã đông ở nhiệt độ phòng trong một vài giờ. Thịt rã đông trong nhiệt độ phòng sẽ được rã đều hơn, trong khi thịt được rã đông trên chảo nóng có thể trông khá ổn, nhưng thực tế vẫn còn lạnh ở bên trong.
8. Cất tất cả thực phẩm vào tủ lạnh
Việc cất tất cả các thực phẩm bạn có vào tủ lạnh không hề tốt hoàn toàn. Cà chua, hành, tỏi, khoai tây, bí xanh, cà tím, một số loại trái cây nhiệt đới khác như kiwi và xoài ngon hơn khi giữ ấm. Khi được bảo quản trong tủ lạnh, các sản phẩm này sẽ mất đi độ tươi và nhanh hỏng hơn.
9. Lật thức ăn quá thường xuyên
Không cần phải đảo mặt thức ăn quá thường xuyên trong khi nấu, điều đó có thể khiến thịt khô hoặc cá bị nát. Hãy giữ nguyên thức ăn trong chảo tới khi chúng đã đủ độ chín rồi mới lật.
10. Luộc trứng quá kỹ
Có những khi trứng luộc có lòng trắng vị như cao su, còn lòng đỏ lại là màu xám xịt. Vấn đề không phải là do trứng kém chất lượng, mà vì những quả trứng đó đã bị luộc quá kỹ. Để có được màu sắc và kết cấu phù hợp, hãy tắt bếp ngay sau khi nước sôi, và để chúng tiếp tục nằm trong nước nóng khoảng 10 phút.