Việt Nam phản ứng trước phát biểu của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

Chiều 3.8, trả lời các câu hỏi về bị can Trịnh Xuân Thanh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2.8 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức.

Việt Nam phản ứng trước phát biểu của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh - 1

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3.8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi về bị can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966; nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) của phóng viên trong nước và nước ngoài.

Phóng viên đặt câu hỏi đề nghị xác minh thông tin và cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 2.8, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết tùy viên an ninh của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bị yêu cầu rời khỏi Đức sau 48 giờ do bị cáo buộc liên quan đến việc bắt một cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tên Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức.

Bà Hằng cho biết lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2.8 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về Bộ Ngoại giao có ý kiến gì về việc này, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:  Thông báo ngày 31.7 của Bộ Công an đã được báo chí đăng tải. Theo đó, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện, đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trong và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.
Ngày 31.7, thông tin từ Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966; nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau 300 ngày bị truy nã quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

Trước đó, ngày 15.9.2016, Bộ Công an đã ra Quyết định số khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.

Cùng ngày Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế.

Ngày 15.3.2017, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội). Tại phiên xét xử, Tòa án cũng đã khởi tố vụ án Tham ô tài sản và xác định xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến vụ án này.

Tháng 4.2017, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; bằng mọi giá truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc vừa qua Việt Nam bắt giữ một số đối tượng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Những đối tượng bị bắt giữ, điều tra do có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam. Quá trình điều tra được thực hiện theo đúng trình tự tố tụng hình sự của Việt Nam.

Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN