Trở lại vùng biển "chết": Ngư dân thành phụ hồ

Biển khó, nhiều ngư dân miền Trung đành rời quê hương vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên kiếm sống, một số khác ở nhà đi phụ hồ.

Đi dọc những vùng biển xã Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đâu đâu cũng nghe người dân than phiền về chuyện tôm, cá ở ven bờ ít quá; sau mỗi chuyến ra khơi, thuyền về nhẹ tênh.

Loay hoay tìm nghề mới

Tại vùng biển xã Quảng Ngạn, dù ngư dân vẫn đều đặn ra khơi mỗi ngày nhưng giờ thương lái không ra tới bãi biển chờ thuyền vào thu mua. Thay vào đó, các ngư dân phải tự mang ra chợ bán. Bán từ sáng tới trưa mới hết, giá bán thì chẳng được là bao.

Chiếc thuyền của gia đình chị Nguyễn Thị Mai Trang (ngụ tổ dân phố Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đã sửa chữa xong cách đây gần 1 tháng nhưng nay vẫn còn úp bên hiên nhà. Để thuyền khỏi bị hỏng, chiều nào chị Trang cũng ra biển gánh nước vào tưới. “Chồng tôi giờ không đi biển nữa mà chuyển sang phụ thợ hồ, ngày kiếm được khoảng 150.000 đồng nuôi gia đình. Cá biển giờ ít quá, đi không có gì thì phải kiếm việc khác mà làm thôi” - chị Trang nói.

Trở lại vùng biển "chết": Ngư dân thành phụ hồ - 1

Ngư dân ven biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chuẩn bị cho chuyến ra khơi mớiẢnh: MINH TUẤN

Vì biển “hèn” (biển ít cá - PV) nên 2 người anh chồng của chị Trang là ông Phan Cảng và Phan Cam (đều ngụ tổ dân phố Hải Bình) phải bỏ quê mà đi. Ông Cảng vào tận tỉnh Kiên Giang tiếp tục đi bạn cho những chiếc tàu đánh cá xa bờ, còn ông Cam làm nghề phụ hồ ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Hỏi chuyện chuyển nghề, những ngư dân ở miệt biển miền Trung đều lắc đầu kêu khó. Họ bảo bao đời nay gắn bó với nghiệp biển, giờ làm việc khác chẳng thể nào quen. “Phụ hồ chỉ tốn sức, chứ nghề khác chắc chồng tôi không làm được vì ông đâu quen, trình độ lại thấp mà chẳng biết đi xe máy nữa” - chị Trang nói.

Còn anh Trần Trương Minh (ngụ thị trấn Thuận An) cho rằng vùng đất này chỉ toàn cát trắng, đất hẹp, người đông nên chẳng biết chuyển sang nghề gì. Hơn nữa, trình độ của ngư dân đa số rất thấp, họ sẽ rất khó khăn trong tiếp cận kỹ thuật mới.

Biển chính là nơi nuôi dưỡng nguồn sống cho người dân các xã ven biển Quảng Bình. Đối với ngư dân Võ Quốc Thuần (ngụ thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy), bám biển chính là công việc nuôi sống gia đình ông từ bấy lâu nay. Tuy nhiên, sau sự cố Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa) xả thải làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, ông không ra khơi đánh cá mà đào ao nuôi cá nước ngọt. Cũng từ đấy, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh bấp bênh.

“Nuôi cá nước ngọt phải đầu tư khá cao mà vốn liếng lại ít, chưa kể khi nuôi cá tôi lại ít kinh nghiệm nên cứ trầy trật mãi” - ông Thuần than thở.

Không chỉ riêng gia đình ông Thuần, hàng trăm hộ ngư dân xã Ngư Thủy Bắc đang loay hoay chuyển nghề. Có người vì không thể chịu cảnh thất nghiệp nên đã bỏ vào các thành phố lớn ở phía Nam để kiếm kế sinh nhai, số còn lại phải mưu sinh bằng các nghề phụ như chăn nuôi, chủ yếu nuôi các loại cá nước ngọt và trồng rau, nuôi gà...

Bao giờ biển sạch trở lại?

Nỗi buồn đang ngự trị trong nhiều xóm chài ở các tỉnh miền Trung. Những buổi chiều muộn nhìn ra biển, trong ánh mắt khắc khoải của các ngư dân như tự hỏi: “Bao giờ biển sạch trở lại?”.

Trở lại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ xì-căng-đan Formosa, không ít ngư dân ở đây cho hay dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ không muốn bỏ biển. Với họ, biển luôn là nhà, là nguồn sống bất tận cho dù có những lúc “biển chết”, không còn cá tôm. Ngư dân Đậu Xuân Lanh (ngụ xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) tâm sự: “Mấy chục năm nay sống bám biển, giờ lên bờ, xa biển, không biết làm gì mà sống. Giờ chỉ mong biển sớm sạch trở lại để ngày ngày còn ra khơi”.

Để bám biển, điều ngư dân cần nhất hiện nay chính là những con tàu lớn vươn ra khơi. Ngư dân Võ Xuân Kỳ (ngụ xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) vừa cùng một ngư dân khác sửa lại chiếc thuyền nhỏ trên bãi biển thôn Hải Phong vừa chia sẻ: Gia đình ông đông con, trong đó có 2 đứa đi học cao đẳng. Từ ngày biển bị ô nhiễm, gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, phải vay mượn khắp nơi cho các con tiếp tục ăn học.

“Đời sống của ngư dân chúng tôi hiện rất khó khăn, rất mong được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu lớn để có thể ra các ngư trường xa đánh bắt hải sản” - ông Kỳ đề nghị.

Theo ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, để người dân sớm ổn định cuộc sống, rất cần sự hỗ trợ như cấp gạo, tổ chức thu mua hải sản, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để người dân đóng tàu, mua ngư cụ.

Trong khi đó, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay tỉnh đang đánh giá nhu cầu sinh kế của người dân một cách cẩn thận, không vội vàng để tránh áp đặt, chủ quan. “Chúng tôi phải dựa vào nguyện vọng của ngư dân và điều kiện từng địa phương. Hiện ngành nông nghiệp đang xây dựng đề án khôi phục và phát triển sinh kế cho ngư dân” - ông Hùng nói.

Ông Trần Quang Cả - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - cho biết toàn xã có đến 85% là ngư dân lao động bằng nghề đi biển, 5% làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Thống kê thiệt hại ban đầu do Formosa gây ra ở địa bàn lên tới 40 tỉ đồng.

Vì không thể ra khơi đánh cá nên nhiều ngư dân phải chuyển đổi nghề sang chăn nuôi và trồng trọt. Đất ở đây toàn đất cát, việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn nhưng đó là cách duy nhất để thích nghi tại thời điểm này. Đa số họ gắn liền với biển, nay chuyển qua làm nông dân phải mất một thời gian nữa mới quen với nghề.

Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, trên cơ sở đề án và chủ trương chuyển đổi nghề cho ngư dân của các bộ, ngành, tỉnh cũng phải xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho bà con.

“Nhiều chính sách lâu dài giúp đỡ ngư dân được đề xuất như: đào tạo và tìm kiếm việc làm, ưu tiên xuất khẩu lao động, xem xét việc tiếp cận vốn vay để cải hoán tàu cá đánh bắt trung bờ và xa bờ cho ngư dân... Nhưng ngư dân lâu nay vốn gắn liền với biển nên việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt với lao động lớn tuổi” - ông Du nói .

Tại tỉnh Hà Tĩnh, vụ Formosa xả thải đã ảnh hưởng 13.000 lao động đánh bắt, 4.050 lao động nuôi trồng thủy sản, trên 1.100 lao động trực tiếp, hơn 1.500 lao động gián tiếp phục vụ khách du lịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo QUANG NHẬT - MINH TUẤN - ĐỨC NGỌC (Người lao động)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN