TQ sẽ dựa vào Su-35 để khống chế trên biển?

Nếu không có Su-35, không quân Trung Quốc sẽ không biết phải đối phó ra sao với F-35 của Nhật hay Su-30MKI của Ấn Độ bằng số máy bay hiện có.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên đối với chiến đấu cơ mới J-11D, bản nâng cấp của máy bay J-11B, vốn được coi là “hàng nhái” của tiêm kích Sukhoi Su-27 do Nga sản xuất, cộng với việc tích hợp thêm hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) của máy bay J-16.

Theo chuyên gia vũ khí Jeffrey Lin, radar AESA trang bị trên chiến đấu cơ J-16 cho phép máy bay này có thể đánh chặn phi cơ của đối phương ở tầm xa hơn so với những mẫu máy bay cũ, và giúp nó có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu trên biển.

TQ sẽ dựa vào Su-35 để khống chế trên biển? - 1
Chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc trang bị radar AESA

Với việc trang bị thêm hệ thống radar AESA này, chiến đấu cơ J-11D của Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia phân tích đặt gần như ngang hàng với Su-35 của Nga. Thế nhưng, trong thực tế, Trung Quốc lại vẫn rất khát khao mua bằng được chiến đấu cơ Su-35 do Sukhoi sản xuất.

Hồi tháng trước, một bài viết đăng trên Mạng Quân sự Sina ở Bắc Kinh cho hay việc Trung Quốc phải tìm cách mua Su-35 “là cần thiết” vì nếu không có những chiếc chiến đấu cơ này, không quân Trung Quốc với số máy bay hiện có sẽ “không biết làm sao để đối phó với F-35 của Nhật hay Su-30MKI và T-50 của Ấn Độ”.

Cũng theo bài viết này, ngay cả khi Trung Quốc sản xuất được J-11D, nước này vẫn cần phải có Su-35 bởi “số lượng J-11D sẽ là không đủ, đó là chưa tính đến việc J-11D có đủ khả năng để đối đầu với các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm hay không”.

Trong khi đó, theo tạp chí Công nghệ Không quân, Su-35 được xếp vào loại máy bay thế hệ 4++, có “khả năng cơ động cao với góc tấn công rộng, được trang bị các hệ thống vũ khí uy lực lớn tạo nên khả năng không chiến vượt trội”.

TQ sẽ dựa vào Su-35 để khống chế trên biển? - 2
Chiến đấu cơ Su-35 do Nga sản xuất

Theo ông Zachary Keck, trưởng ban biên tập tờ The Diplomat (có trụ sở ở Nhật Bản), với tốc độ cao và khả năng hoạt động tầm xa, Su-35 sẽ giúp Trung Quốc vươn xa hơn xuống Biển Đông và thực hiện các tuyên bố chủ quyền ngang ngược, phi pháp của mình.

Ông Peter Wood, chuyên gia phân tích của tờ The Diplomat thì cho rằng hiện nay các chiến đấu cơ của Không quân Trung Quốc chỉ có thể thực hiện các chuyến bay tuần tra hạn chế xuống Biển Đông, và những chuyến bay này thường không dài vì một yếu tố rất quan trọng, đó là nhiên liệu hạn chế.

Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ dựa vào Su-35 để làm “át chủ bài” thực hiện các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình trên vùng biển chiến lược này. Theo ông Wood, có Su-35 với khả năng hoạt động lâu hơn, xa hơn trong tay, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều lớp phòng thủ trong trường hợp căng thẳng leo thang, đồng thời có thể sử dụng nó như một biện pháp “dằn mặt” các nước khác.

TQ sẽ dựa vào Su-35 để khống chế trên biển? - 3
Su-35 được coi là xếp vào diện chiến đấu cơ thế hệ 4++

Chuyên gia Wood viết: “Một điểm vượt trội của Su-35 so với J-11B là khả năng mang theo nhiều thùng nhiên liệu, trong khi các chiến đấu cơ của Trung Quốc chưa có khả năng tiếp dầu trên không. Đây là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược tăng thời gian và khoảng cách hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc”.

Theo đó, J-11B chỉ có thể mang theo 9 tấn nhiên liệu trong khi bay tuần tra, trong khi Su-35 có thể mang theo tới 11,5 tấn cộng với tốc độ rất cao tới 2.390km/h của nó rất phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát ở khoảng cách xa trên Biển Đông.

Ông Keck cho rằng các cuộc kiểm tra vũ khí và vận hành cho thấy chiến đấu cơ Su-35 của Nga hiện nay không chỉ bắt kịp mà thậm chí còn vượt trội hơn so với F-15, F-16, F/A-18 và F-35 của Mỹ.

Ông Yuri Slyusar, Chủ tịch Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga tiết lộ rằng Trung Quốc sẽ đặt mua 24 chiến đấu cơ Su-35 của họ vào cuối năm nay, bất chấp việc nước này vừa mới tuyên bố chế tạo thành công J-11D.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN