Thả gái mại dâm: Quản lý thế nào?

Theo Luật xử lí vi phạm hành chính mới có hiệu lực từ 21/7/2012, không chỉ TP.HCM mà tất cả tỉnh thành trên cả nước sẽ tiến hành thả gái mại dâm đang bị quản lý tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng quy định mới mang tính nhân văn nhưng thời điểm này lại khiến các cơ quan chức năng quản lý bị rơi vào cảm giác “hẫng hụt” khi mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chị em bán dâm tại cộng đồng hiện vừa yếu lại vừa thiếu.

Ông đánh giá như thế nào về quy định người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính, mà không còn phải chịu quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh?

Đây là nội dung từng được tranh cãi rất nhiều, tuy nhiên Quốc hội cũng đã biểu quyết và đưa vào luật nên phải được thực thi. Về phần mình,tôi e ngại rằng khi quy định có hiệu lực, nếu cơ quan chức năng quản lý không kịp thời có các biện pháp hỗ trợ rất dễ dẫn tới hậu quả số gái mại dâm sẽ tăng lên.

Lâu nay nỗi ám ảnh phải vào các trung tâm giáo dục xét về khía cạnh khác cũng là lý do khiến chị em làm nghề này dè dặt hơn. Một khi đã không còn bị quản thúc, nếu “lỡ” có bị bắt chắc chắn chị em sẵn sàng chịu nộp phạt để tiếp tục “hành nghề.

Vậy khi quy định mới thực hiện, cơ quan quản lý sẽ tiếp cận và quản lý đối tượng bán dâm như thế nào?

Thả gái mại dâm: Quản lý thế nào? - 1

Ông Lê Đức Hiền
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội

Trước đây, khi chị em mại dâm được đưa vào các trung tâm giáo dục, họ sẽ được cán bộ kiểm tra về tình hình sức khỏe, tâm sinh lý. Qua đó sẽ được chữa trị nếu có vấn đề sức khỏe, đồng thời được dạy nghề sớm hòa nhập cộng đồng. Với Luật mới, quy định xử phạt mang tính nhân văn hơn, để họ có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý… hơn.

Tuy nhiên quay trở lại thực tiễn thì mạng lưới dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng thời điểm này mới chỉ dừng ở bước thí điểm, chưa được nhân rộng nên chắc không thể đáp ứng nhu cầu chị em.

Đáng nói, qua kiểm tra số chị em từng được đưa vào trung tâm giáo dục, hầu hết đều bị mắc các bệnh xã hội, nghiện ma túy, thậm chí số nhiễm HIV cũng không phải là ít. Đây chính là điểm đáng ngại nhất của những người làm quản lý chúng tôi khi quy định mới có hiệu lực. Thực tế dịch vụ hỗ trợ chị em bán dâm tại cộng đồng lâu nay cũng được thành lập nhưng còn ít, hiệu quả lại chưa được thiết thực.

Là cơ quan trực tiếp quản lý, Cục có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Trong Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn từ 2011-2015, Chính phủ cũng đã đặt ra yêu cầu xây dựng các mô hình trợ giúp gái mại dâm hòa nhập với cộng đồng tại các xã phường, huy động nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, trên cả nước chúng tôi mới xây dựng được hơn 50 mô hình tại hơn 50, xã phường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH xây dựng đề án hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng dân cư. Tới thời điểm này chúng tôi đang bắt tay vào xây dựng. Tuy nhiên từ lúc hoàn thành tới việc đưa vào triển khai thực tế cũng phải có thời gian dài…vì lệ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn, nhân lực…

Theo ông, hệ thống dịch vụ hỗ trợ đối tượng gái mại dâm cần phải hoạt động như thế nào để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình?

Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần phải trở nên sâu rộng, có sự phối hợp chặt chẽ, phải thay đổi cách hoạt động mang tính thiết thực,có mục đích rõ ràng về từng chuyên môn như: chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ dạy nghề…Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải nêu cao tinh thần chống kỳ thị để trở thành địa chỉ tin cậy của chị em. Chỉ như thế, họ mới mạnh dạn, tự nguyện tới các cơ sở này để được tư vấn trợ giúp bất cứ khi nào có vấn đề. Có thể sau khi được chữa trị các vấn đề về sức khỏe, họ vẫn chưa bỏ “nghề” cũ, song khi đó người ta cũng đã có kiến thức được tư vấn làm thế nào để giữ sức khỏe, quan hệ an toàn, không lây lan bệnh tật ra cộng đồng…

Ông Phạm Hoài Thanh, Trưởng Phòng Truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ Sáng Kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết: Trên thực tế có nhiều tổ chức, dự án đã và đang tham gia trong lĩnh vực phòng chống HIV cho nhóm đối tượng mại dâm như FHI, Life Gap, Worl Bank.

SCDI đã thực hiện thí điểm mô hình trong khuôn khổ dự án “Dự án Lấp đầy khoảng trống: Sức khoẻ và Quyền cho nhóm đối tượng đích” do chính phủ Hà Lan tài trợ trên 5 tỉnh thành trong cả nước là: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang với mục đích: giảm tính dễ bị tổn thương của người bán dâm; tập trung can thiệp nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ bán dâm ở một số địa phương của Việt Nam.

Dự án bắt đầu từ việc xây dựng và nâng cao năng lực cho các nhóm tự lực của phụ nữ bán dâm để từ đó hỗ trợ kỹ thuật giúp các nhóm thực hiện các hoạt động: tăng cường khả năng dự phòng, tiếp cận đến các dịch vụ dự phòng, điều trị và hỗ trợ chăm sóc các các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó HIV; Tăng cường sự tham gia của cảnh sát và cộng đồng trong việc giảm thiểu bạo hành đối với chị em mại dâm; Nâng cao nhận thức về chính sách và quyền cho phụ nữ mại dâm; Nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ xã hội... Ngoài ra, chị em được hỗ trợ thêm kiến thức kỹ năng tự cải thiện cuộc sống như: kỹ năng sống, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chuyển đổi sinh kế... Hiện tại đã có 7 nhóm đang hoạt động. Mỗi nhóm có 5-8 thành viên nòng cốt và khoảng 30 chị em tham gia sinh hoạt thường xuyên. Trên địa bàn 5 tỉnh đã tiếp cận và duy trì hỗ trợ được gần 1.500 phụ nữ mại dâm.

Mô hình này đã bước đầu nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và đánh giá cao của các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn. Nhiều thành viên đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ dự án cho biết họ đã cải thiện được chất lượng, ổn định cuộc sống. Dự án này đã hoạt động được 2 năm, một số đoàn công tác của các chi cục phòng chống tệ nạn đã đến thăm quan với mục đích tìm hiểu để mở rộng mô hình tại các tỉnh thành trong thời gian tới.

Thu Trịnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN