Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ

Sự kiện: Tin bão

Cả nhà đang ngồi "canh lũ", nước lên nhanh. Bất ngờ nghe tiếng "rắc, rắc". Nhìn xuống nền nhà bị nước lũ xói lở một hố sâu hoắm. Đất đá cứ lở theo, ngôi nhà bất ngờ sập khự xuống. Mọi người la hét rồi bơi ra ngoài kêu cứu.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8 vừa qua, tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là nơi "rốn lũ" của Quảng Nam và chịu nhiều thiệt hại nhất.

Trở lại Đại Hưng ngày 21/9, những vết tích ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 vẫn còn mới. Rong rêu, rơm rạ… vẫn còn "nằm trên cành cây" cao, đường sá hư hỏng nặng, bùn đất chất đầy… điều này minh chứng cho nước lũ ập về nơi đây là rất lớn.

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 1

Do nằm đầu nguồn sông Côn, nước lũ chảy xiết, mạnh nên hàng chục hộ dân thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng hứng chịu thiệt hại lớn mỗi khi có lũ về. Ảnh Đức Hoàng

“Mới nghe qua cứ tưởng bão số 8 không vào thì thiệt hại sẽ ít hơn, nhưng dân chúng tôi chịu một cơn lũ lớn mà ít ai ngờ tới. Nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến xã phải sơ tán hàng ngàn dân. May mà kịp thời nên không xảy ra thiệt hại về người, nhưng nhà cửa, các công trình công cộng thì hư hỏng nặng…”, ông Phạm Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết.

Theo đó, thống kê sơ bộ, toàn xã Đại Hưng thiệt hại do lũ có gần 2.000 hộ bị ngập chìm trong nước lũ, trong đó có 20% ngập sâu hơn 2m. Thiệt hại nặng nhất có khoảng 30 nhà dân ở thôn Đại Mỹ. Nơi đây là đầu nguồn sông Côn nên nước chảy xiết, mạnh và xoáy. Vì thế cứ mỗi mùa bão lũ về, người dân nơi đây sống trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 2

Nhà của ông Nguyễn Khoa bị xói lở, hư hỏng sau lũ. Ảnh Đức Hoàng

Dẫn chúng tôi xem nền nhà bị lũ xói sâu hoắm, vợ chồng ông Nguyễn Khoa (60 tuổi) và bà Trần Thị Lời (60 tuổi, thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) buồn bã cho biết. “Lũ năm nay lớn gần bằng năm 2009 (hàng nghìn ngôi nhà chìm sâu trong nước lũ - PV), nước lên nhanh, chảy mạnh khiến hoa màu, ruộng vườn của chúng tôi bị quét sạch. Nhà tôi bị xói lở dưới móng, cột nhà đổ sập mái, nhiều vật nuôi cũng ‘bay’ theo lũ. Bây giờ dân chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn hơn nữa rồi…”, ông Khoa cho biết.

Cùng hoàn cảnh, vợ chồng ông Nguyễn Thế Anh (54 tuổi) và bà Trần Thị Hoa (57 tuổi, trú thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng) vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Chiều ngày 18/9, mưa như trút nước, đến tối cùng ngày nước lũ bất ngờ lên nhanh, chảy xiết. Cả nhà ông bà Hoa lo lắng dọn dẹp đồ đoàn, lúa khoai…đưa lên cao để ‘chạy lũ’.

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 3

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 4

Nhà ông Nguyễn Thế Anh bị lũ tràn vào và xói lở thành một ‘cái ao’ to giữa nhà. Ảnh Đức Hoàng

“Khoảng 23 giờ đêm, cả gia đình tôi đang ngồi tránh lũ trên gác, bất ngờ nghe tiếng rắc rắc. Nhìn xuống thấy nước lũ xoáy sâu dưới nền nhà một hố sâu hoắm. Sau đó hố này lan rộng ra hai gian nhà. Bỗng nhiên các cột nhà rung chuyển rồi đổ sập xuống. Quá hoảng loạn, cả nhà nhảy xuống nước bơi ra ngoài kêu cứu…”, bà Hoa chưa hết bàng hoàng kể lại.

Sau đó, gia đình bà Hoa được hàng xóm và chính quyền địa phương đưa đến nơi an toàn. Khi nước rút, quay về nhà, bà Hoa ngao ngán nhìn một ‘cái ao’ trong nhà, đồ đoàn bị ướt và trôi hết. Khó khăn chồng chất khó khăn.

“Gia đình hàng ngày kiếm sống đã vất vả, nay lũ về thiệt hại nặng nề, những tháng ngày tới chúng tôi không biết sống làm sao đây…”, bà Hoa nghẹn ngào cho biết.

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 5

Đường về xã Đại Hưng hai bên rong rêu, rơm rạ…còn mắc cao trên cây, minh chứng cho lũ nơi đây quá lớn. Ảnh Đức Hoàng

Theo trưởng thôn Đại Mỹ, ông Phạm Văn Thương, cho biết thôn có 235 hộ với gần 1.000 nhân khẩu nhưng có tới 99% hộ bị ngập chìm trong lũ. Được biết, những hộ dân này đã được nằm trong dự án di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, khu tái định cư mới đang còn dang dở, mới triển khai được đường, điện và nước chưa có nên người dân nơi đây chưa thể chuyển về sinh sống. Hàng năm, vào mùa bão lũ, nơi đây thường chịu thiệt hại nặng nề của huyện Đại Lộc.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết đợt mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 8, thống kê chưa đầy đủ thì trên địa bàn thiệt hại hơn 50 tỷ đồng, trong đó Đại Hưng là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất, chủ yếu về hoa màu, nhà cửa và các công trình công cộng. Tuy nhiên, nhờ chủ động phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dự trữ lương thực, nước uống nên trong lúc xảy ra mưa lũ đời sống của bà con vẫn ổn định, không lâm vào cảnh đói, khát.

Nửa đêm nhà bỗng dưng đổ sập vì lũ - 6

Người dân xã Đại Hưng vận chuyển gia súc về nhà sau lũ. Ảnh Đức Hoàng

“Hiện chưa có thống kê cụ thể thiệt hại của người dân xã Đại Hưng, nhưng qua khảo sát ban đầu, nơi đây thiệt hại rất lớn. Chính quyền mong các ngành chức năng, cá nhân, tổ chức trên toàn quốc chung tay ủng hộ, khắc phục thiệt hại sau lũ cho bà con Đại Hưng nói riêng và Đại Lộc nói chung”, ông Tính cho biết.

Được biết, trước mắt, UBND huyện Đại Lộc đã chuẩn bị lương thực dự trữ, sẵn sàng cứu đói cho bà con các xã ‘rốn lũ’ đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các xã nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hoàng (Gia đình & Xã hội)
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN