Người dưới 18 tuổi sẽ được coi là trẻ em?

Theo dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được trình lên Quốc hội, người dưới 18 tuổi sẽ được coi là trẻ em.

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền trình bày về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII, việc mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 Dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi, vì nhiều lý do.

Lý do đầu tiên được Bộ lao động, Thương binh và Xã hội cho biết là người dưới mười tám tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.

Tờ trình cũng cho rằng việc nâng tuổi trẻ em từ dưới mười sáu tuổi lên dưới mười tám tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Người dưới 18 tuổi sẽ được coi là trẻ em? - 1

Theo dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), người dưới 18 tuổi được coi là trẻ em

Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”.

Như vậy pháp luật Việt Nam không quy định tuổi thành niên sớm hơn mười tám tuổi. Việc nâng tuổi trẻ em là phù hợp giữa luật này với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; không ảnh hưởng đến khái niệm “người lao động chưa thành niên” trong Bộ luật Lao động, quy định tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; không ảnh hưởng đến quy định của Bộ luật Hình sự về tuổi người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự, quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính về tuổi bị xử lý vi phạm hành chính; không chồng chéo với quy định liên quan đến nhóm thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi vì đã được quy định tại Điều 31 Luật thanh niên.

Bên cạnh đó, việc không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013; vừa bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam và ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người mà không phân biệt quốc tịch đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Một lý do nữa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra là việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi khi điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những thay đổi tiến bộ so với thời điểm thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P. Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN