Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng

Chiến trường là nơi cực kỳ khốc liệt, nhưng cũng là sàn diễn khổng lồ cho những huyền thoại bắn tỉa tỏa sáng.

Sau Thế chiến II, hầu hết quân đội các nước đều nhận ra giá trị của lực lượng bắn tỉa trong các nhiệm vụ tác chiến cũng như thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự, lính bắn tỉa ngày càng được trang bị những loại vũ khí tối tân và ngày càng hiện đại, và chiến thuật bắn tỉa cũng ngày càng hoàn thiện hơn.

Lính bắn tỉa của quân đội Mỹ đã được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc chiến tranh ở Iraq và các cuộc chiến gần đây. Trong tác chiến hiện đại, những người lính có khả năng xạ kích tốt, ngụy trang và ẩn nấp khéo léo này đã trở thành một trong những thế lực đáng sợ nhất trên chiến trường.

Sau đây là những câu chuyện thú vị về những người lính bắn tỉa đã trở nên nổi tiếng trong lực lượng quân đội các nước trên thế giới, và những thành tích của họ đã trở thành những “chuẩn mực” trong lực lượng bắn tỉa khắp toàn cầu.

1. Thomas Plunkett (mất năm 1851)

Thomas Plunkett là một người lính gốc Ireland phục vụ trong Trung đoàn Súng trường 95 của quân đội Anh. Điều biến ông thành một nhân vật nổi tiếng chính là phát súng mà ông đã hạ gục vị tướng Auguste-Marie-François Colbert của quân đội Pháp.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 1

Hình minh họa tư thế bắn của Thomas Plunkett

Trong trận chiến Cacabelos năm 1809, với khẩu súng trường Baker thô sơ của mình, Plunkett đã bắn gục vị tướng Pháp này từ khoảng cách 600 mét. Với sự thiếu chính xác “trứ danh” của súng trường vào đầu thế kỷ 19 thì phát súng này hoặc là một chiến công cực kỳ ấn tượng hoặc chỉ là một cú ăn may.

Để thực hiện phát bắn này, Plunkett đã phải chạy lên phía trước đội hình của đơn vị mình để ngắm bắn. Khi thấy các đồng đội của mình tỏ ý nghi ngờ, Plunkett đã quyết định phải chứng tỏ cho họ thấy đó không phải là phát súng ăn may bằng cách bắn thêm một phát nữa trước khi trở lại hàng ngũ.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 2

Một khẩu súng trường Baker

Vậy là ông nạp lại đạn và tiếp tục giương súng lên ngắm, và mục tiêu của ông lần này là một viên thiếu tá lính kèn đang chạy đến xem xét vết thương của vị tướng Pháp. Khi tiếng súng vang lên và viên lính kèn gục ngã, những người đồng đội trong trung đoàn 95 đã hết lời ca ngợi tài thiện xạ của Plunkett.

Cú bắn kinh điển của Plunkett đã khiến quân Pháp như rắn mất đầu và không thể phát động được đợt tấn công. Tài thiện xạ của ông vượt trội hơn rất nhiều so với những người lính Anh bình thường khác, vốn chỉ được trang bị những khẩu Brown Bess để bắn đối phương ở cự ly 50 mét.

Sau chiến tranh, Plunket bị cho giải ngũ sau khi bị thương ở đầu trong trận chiến Waterloo. Với số tiền trợ cấp chỉ 6 xu một ngày, ông phải xin tái ngũ vào một đơn vị ở tiền tuyến. Khi viên chỉ huy cũ của ông là tướng Thomas Sydney Beckwith đến kiểm tra đơn vị này, viên tướng này nhận ra Plunket và yêu cầu báo cáo xem điều gì đã xảy ra với ông.

Tối hôm đó ông được mời đến dùng bữa tối với các sĩ quan và sau đó được thăng quân hàm lên hạ sĩ cùng với mức phụ cấp 1 shilling một ngày nhờ tác động của Beckwith. Sau đó ông xin từ bỏ mức trợ cấp này để đổi lấy 4 năm khai phá một vùng đất ở Canada, tuy nhiên chỉ 1 năm sau ông phải trở về Anh vì vùng đất đó không phù hợp.

Plunket mất tại Colchester vào năm 1851, và một số đồng đội cũ trong thị trấn đã quyên tiền để tổ chức đám tang cho ông.

2. Thượng sĩ Grace, trung đoàn bộ binh Georgia số 4

Đó là ngày 9/5/1864, khi thượng sĩ Grace, một lính bắn tỉa thuộc quân đội phe miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thực hiện một phát bắn “không tưởng” vào thời đó và gây nên cái chết bi hài nhất cho mục tiêu của mình trong lịch sử.

Lúc này quân đội miền Nam và miền Bắc đang giao tranh tại Spotsylvania, và Grace nằm trong biên chế của trung đoàn súng trường Whitworth. Mục tiêu mà Grace nhắm bắn là tướng John Sedgwick đang đứng ở cự ly khoảng 914 mét, một cự ly cực kỳ xa vào thời kỳ đó.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 3

Tướng John Sedgwick

Lúc trận đánh nổ ra, những tay thiện xạ trong trung đoàn của Grace đã khiến cho lính của tướng Sedgwick phải nằm xuống để tránh đạn. Thế nhưng tướng Sedgwick kiên quyết không nằm xuống và quát lên với lính của mình: “Cái gì? Binh lính mà rúc xuống thế này để tránh đạn ư? Thế các ngươi sẽ làm gì nếu chúng bắn cả hàng? Ta thật xấu hổ với các ngươi. Chúng không thể bắn trúng một con voi từ khoảng cách xa như thế này.”

Thế nhưng lính của ông ta vẫn không chịu ló đầu ra. Vị tướng này nhắc lại: “Chúng không thể bắn trúng cả con voi ở khoảng cách xa như thế này”. Ngay lúc đó, Grace nổ súng và viên đạn trúng vào Sedgwick ngay ở phía dưới mắt trái.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 4

Một khẩu súng trường Whitworth

Tướng Sedgwick là người lính có quân hàm cao nhất của phe miền Bắc thiệt mạng trong cuộc nội chiến Mỹ. Khi nghe tin Sedgwick bị bắn chết, trung tướng Ulysses S. Grant của phe miền Bắc không thể tin vào tai mình và liên tục hỏi đi hỏi lại “Ông ấy đã thật sự chết chưa?” Cái chết của tướng Sedgwick cũng đã khiến phe miền Bắc không thể phát động tấn công, tạo thời cơ cho Đại tướng Robert E. Lee giành chiến thắng trong trận chiến này.

3. Rob Furlong

Rob Furlong là một hạ sĩ trong quân đội Canada, và anh trở nên nổi tiếng sau khi thực hiện thành công phát bắn tỉa tiêu diệt mục tiêu từ cự ly 2.430 mét, bằng chiều dài của khoảng 26 sân bóng đá gộp lại.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 5

Xạ thủ bắn tỉa Rob Furlong

Phát bắn “không tưởng” này được thực hiện vào năm 2002, khi Furlong tham gia vào chiến dịch Anaconda truy quét tàn quân Taliban và Al Qaeda ở Afghanistan. Đội bắn tỉa của Furlong tham gia chiến dịch này gồm có 2 hạ sĩ và 3 thượng sĩ, và họ hành quân đến thung lũng Shahi Kot, miền nam Afghanistan.

Khi trợ thủ của Furlong phát hiện ra 3 chiến binh Al-Qaeda mang theo vũ khí đang di chuyển trên một sườn núi ở rất xa, Furlong lên đạn chuẩn bị cho những phát bắn đi vào lịch sử của mình. Furlong được trang bị một khẩu súng bắn tỉa McMillan Brothers Tac-50 cỡ nòng .50 và đạn gia tốc cao A-MAX.

Sau khi trợ thủ tính toán khoảng cách và hướng gió, Furlong biết rằng đây sẽ là phát bắn “không tưởng” bởi các điều kiện về độ ẩm, khoảng cách, hướng gió, độ cao đều không ủng hộ anh. Anh nổ súng, và viên đạn đầu tiên đi chệch mục tiêu vài phân. Viên đạn thứ 2 trúng vào chiếc ba-lô mà hắn đang đeo trên vai.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 6

Cú bắn của Furlong được thực hiện ở cự ly 2.430 mét

Ngay khi viên đạn thứ hai trúng vào ba-lô của mục tiêu, Furlong đã sẵn sàng để nổ phát súng thứ ba, thế nhưng gã phiến quân đã biết được là mình đang bị nhắm bắn. Thời gian bay của viên đạn từ lúc ra khỏi nòng súng đến lúc bay tới mục tiêu là khoảng 3 giây, đủ thời gian cho hắn tìm chỗ ẩn nấp. Thế nhưng đúng lúc hắn nhận ra tử thần đang đến và loay hoay tìm chỗ ẩn nấp thì viên đạn thứ 3 đã bay tới và găm thẳng vào ngực hắn.

Sau khi xuất ngũ, Rob Furlong trở thành Đội trưởng đội bắn tỉa thuộc Lực lượng cảnh sát thành phố Edmonton, Alberta. Năm 2009, Rob trở thành người đại diện cho Hãng sản xuất súng Mac Millan, và có mặt trong rất nhiều hoạt động quảng bá của hãng súng nổi tiếng thế giới này.

4. Craig Harrison (1975)

Craig Harrison là một hạ sĩ thuộc trung đoàn Blues & Royals của quân đội Anh và là người giữ kỷ lục về phát bắn tỉa xa nhất hạ được mục tiêu trên chiến trường ở khoảng cách 2.475 mét. Được thực hiện vào tháng 11/2009, thành tích này đã phá vỡ kỷ lục được lập trước đó của Rob Furlong hồi năm 2002 và đã được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 7

Hạ sĩ Craig Harrison, người đang giữ kỷ lục về cự ly bắn tỉa thành công

Kỳ tích của hạ sĩ Craig Harrison được thực hiện hồi tháng 11/2009, đơn vị của anh phát hiện 2 chiến binh Taliban trang bị súng máy ở Musa Qala thuộc tỉnh Helmand ở Afghanistan đang ở cách đó 2.475 mét.

Trước khi nhắm bắn vào mục tiêu, Harrison đã phải bắn thử 9 phát bằng khẩu súng bắn tỉa tầm xa L115A3 để người quan sát của anh có thể xác định được khoảng cách từ vị trí bắn đến mục tiêu.

Điều kiện thời tiết vào lúc đó vô cùng hoàn hảo, trời không gió, thời tiết dịu nhẹ, tầm nhìn rõ đã giúp Harrison có thể thực hiện thành công những phát bắn “không tưởng” này. Qua kính ngắm của khẩu súng bắn tỉa, Harrison xác định được 2 chiến binh Taliban, một tên mặc đồ đen và tên còn lại mặc đồ xanh lá cây đang cầm theo một khẩu súng máy PKM.

Sau khi được người quan sát cung cấp các thông tin cần thiết, Harrison căn chỉnh kính ngắm và xiết cò. Khoảng cách từ anh tới mục tiêu xa đến nỗi cácviên đạn 8,59mm đã phải bay mất 3 giây mới đến đích, mặc dù sơ tốc đầu nòng của loại đạn này lớn gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng - 8

Hình minh họa kính ngắm của Harrison. Chấm đỏ ống kính góc phải là mục tiêu anh ngắm bắn

Phát đạn đầu tiên trúng ngay vào bụng tên mang súng máy khiến hắn thiệt mạng tại chỗ. Tên thứ hai ôm súng định bỏ chạy nhưng viên đạn thứ hai đã kịp găm vào lưng hắn. Phát đạn thứ 3 của Harrison trúng luôn vào khẩu súng máy và phá hủy nó.

Đây thực sự là một kỳ tích bởi cự ly Harrison tiêu diệt thành công các tay súng Taliban là khoảng 2,47km, lớn hơn gần 1km so với tầm bắn hiệu quả 1.500 mét của khẩu L115A3. Theo các chuyên gia vũ khí, sau cự ly 1.500 mét, các phát đạn bắn tỉa này chỉ mang tính “quấy rối”. Để bù lại cho độ lệch và độ giảm sơ tốc của viên đạn trên một khoảng cách dài như vậy, Harrison đã phải giương mũi súng lên cao khoảng 1,8m và lệch 40cm về bên trái.

________________

Đón đọc bài Lính bắn tỉa: Những huyền thoại của chiến tranh vào 19h30 ngày 27/1/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN