Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng"

Rất nhiều người biểu tình Hong Kong lo ngại sẽ xảy ra đàn áp biểu tình quyết liệt trong ngày Quốc khánh 1/10.

Ngày 1/10, trong lúc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh, hàng chục ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong vẫn đổ ra các đường phố trung tâm để chuẩn bị cho cái mà họ gọi là “trận chiến cuối cùng” đòi quyền tự quyết cho Hong Kong.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 1

Hàng ngàn người đổ ra đường phố Hong Kong vào tối qua

Đây cũng là ngày cuối cùng trong “tối hậu thư” mà người biểu tình đưa ra để buộc chính quyền Hong Kong phải đáp ứng các yêu sách đòi dân chủ của họ, mà quan trọng nhất là việc rút lại quyết định gây tranh cãi của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong vào năm 2017 tới đây.

Cuộc biểu tình kéo dài sang ngày thứ năm của người dân Hong Kong đã làm tê liệt gần như toàn bộ một trong những trung tâm tài chính sôi động nhất châu Á, và số người tham gia biểu tình ngày một nhiều lên bất chấp nỗi lo ngại về việc cảnh sát sẽ mạnh tay đàn áp biểu tình trước lễ kỷ niệm Quốc khánh.

Tối qua, bất chấp mưa lớn và sấm chớp, hàng ngàn người biểu tình vẫn kiên cường bám trụ trên các tuyến đường, trong khi cảnh sát vẫn kiên nhẫn theo dõi mọi biến động của họ. Đến sáng sớm nay, trời quang mây tạnh, và người biểu tình bắt đầu đổ dồn về khu trung tâm Tsim Sha Tsui và quảng trường Bauhinia, nơi diễn ra lễ kéo cờ kỷ niệm ngày Quốc khánh.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 2

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 3

Người biểu tình bất chấp mưa gió bám trụ vị trí

Oscar Lai, người phát ngôn nhóm sinh viên biểu tình Scholarism tuyên bố: “Chúng tôi đến đây không phải để kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc. Với tình trạng biến động chính trị hiện nay ở Hong Kong, tôi cho rằng đây không phải là một ngày kỷ niệm mà là một ngày buồn”.

Tinh thần đoàn kết

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài các cửa hiệu lớn và dựng lên nhiều chướng ngại vật để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ dữ dội có thể nổ ra bất cứ lúc nào, khi “tối hậu thư” mà họ đưa ra cho chính quyền hết hạn

Ông Lau, một người hưu trí 56 tuổi cho biết ông đã từng xuống đường biểu tình vào thập niên 1980, và giờ đây ông lại muốn xuống đường để bày tỏ lòng đoàn kết với phong trào đấu tranh do sinh viên dẫn đầu.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 4

Đoàn người biểu tình phong tỏa con đường trước tòa thị chính

Ông nói: “Tôi muốn chứng kiến nhiều hơn. Ông bà, bố mẹ tôi tới Hong Kong vì tự do và pháp trị. Cuộc biểu tình này là để gìn giữ hệ thống pháp lý đã tồn tại suốt 160 năm cho thế hệ tiếp theo”.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất nổ ra ở Hong Kong kể từ khi Trung Quốc tiếp quản lãnh thổ này từ Anh vào năm 1997. Đây cũng được coi là một trong những thách thức chính trị lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt kể từ khi cuộc biểu tình Thiên An Môn diễn ra vào năm 1989.

Không giống như vụ Thiên An Môn, nếu lần này Trung Quốc quá mạnh tay đàn áp biểu tình, họ sẽ làm chấn động nền kinh tế và xã hội Hong Kong vốn có hệ thống tư pháp khác hẳn so với Trung Quốc. Còn nếu không đủ cương quyết, Bắc Kinh có thể sẽ phải chứng kiến hiệu ứng domino diễn ra ở ngay đại lục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo BBC, Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN