Đại biểu Quốc hội mổ xẻ công chức “chảnh” với dân

“Đôi khi do sức khỏe không được tốt hoặc gia đình có chuyện đau buồn, bực bội, không thoải mái nên thái độ của họ trở nên hung hăng, thiếu thân thiện với dân” - Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã lên tiếng, nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề “công chức Việt Nam ít cười”.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng công chức Việt Nam ít cười, ông có thấy vậy không?

Đúng là như vậy, nhưng tôi nghĩ chỉ có vài trường hợp cá biệt “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Không phải ai cũng có thái độ như thế với dân. Hơn nữa, tùy từng vị trí công việc mà công chức có cách ứng xử khác nhau. Như tôi ước lượng, chỉ có khoảng 10% công chức “ít cười”, thiếu thân thiện khi tiếp dân.

Theo ông vì sao một bộ phận công chức Việt “chảnh” với dân?

Nhiều khi dân phản ánh sai, công chức không biết chia sẻ, giải thích cho dân hiểu khiến họ nổi sùng rồi cho rằng cán bộ hống hách. Hoặc nhiều khi cán bộ thiếu trách nhiệm với công việc làm dân phật ý. Những cán bộ này thường thì năng lực còn yếu kém, khi dân hỏi họ không trả lời được nên nổi cáu với dân.

Đôi khi do sức khỏe không được tốt hoặc gia đình có chuyện đau buồn, bực bội, không thoải mái nên thái độ của họ trở nên hung hăng, thiếu thân thiện với dân.

Cũng có trường hợp người dân khi tới phản ánh sự việc nổi sùng cả với cán bộ, công chức, có thái độ thiếu kiềm chế gây ức chế cho họ.

Một lý do khác là nguời đứng đầu các cơ quan nhà nước nhiều khi thiếu quan tâm tới việc thực thi các quy định về tiết chế đối với cán bộ, công chức. Luật đã quy định rõ khi làm việc với người dân, cán bộ, công chức phải đảm bảo đủ các yếu tố gì, nhưng nhiều khi các cơ quan, tổ chức lại quên mất quy chế đó. Vì thế, cán bộ, công chức nhiều khi cứ hành động theo bản năng dẫn tới sai sót.

Ngoài ra, môi trường và điều kiện làm việc cũng ảnh hưởng tới thái độ của công chức với người dân. Cán bộ, công chức được làm việc trong môi trường vui vẻ, thoải mái bao giờ cũng có cách hành xử thân thiện, hòa nhã hơn. Ngược lại, nếu môi trường làm việc luôn gây bức xúc, gay cấn sẽ tạo ra các mối quan hệ thiếu thân thiện.

Tất nhiên, không thể không kể đến nguyên nhân nữa là do cá tính của từng người. Trong số các cán bộ, công chức, nhiều người bản tính vốn vui vẻ, hòa nhã, nhưng cũng có những người khả năng, kĩ năng giao tiếp kém, thậm chí có hạn chế trong năng lực nên khi tiếp dân họ dễ nổi cáu.

Đại biểu Quốc hội mổ xẻ công chức “chảnh” với dân - 1

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong một phiên họp (Ảnh: HDND.quangbinh.gov.vn)

Có khi nào lương thấp nên trách nhiệm thấp?

Điều đó hoàn toàn không phải. Tôi cho rằng phần lớn cán bộ, công chức đều xuất phát từ nhân dân mà ra. Nhiệm vụ của họ là phục vụ nhân dân. Không có chuyện vì lương bổng thấp nên họ thiếu thân thiện với dân.

Công chức ít cười, hách dịch là để tạo uy?

Một số cán bộ có thái độ ứng xử chưa phù hợp khi tiếp dân nên từ đó người ta có kết luận như trên. Thái độ của công chức ra sao còn tùy thuộc vào các vị trí họ công tác. Không phải công chức nào cũng ở vị trí tiếp dân.

Theo quan điểm của tôi, cán bộ, công chức không phải lúc nào cũng phải cười với dân. Quan trọng là chất lượng công tác của họ thế nào và với người dân họ có tận tâm hay không?

Ý ông là những cán bộ cấp cao không cần phải cười với dân?

Tất nhiên khi gặp dân, dù là cán bộ cấp cao hay công chức thì cũng phải có thái độ thân thiện, biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để hiểu dân, từ đó thân dân hơn.

Tuy nhiên, họ cũng phải phân biệt rạch ròi việc gì cần phải giải thích cho dân hiểu, việc gì phải trả lời dứt khoát cho dân bởi không phải việc gì dân phản ánh cũng đúng.

Theo ông có nên mở lớp đào tạo công chức “cười”, thân thiện với dân?

Đó là việc cần thiết, nhưng nên đưa vào trong chương trình giảng dạy kĩ năng quản lý nhà nước hoặc chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức khi mới vào cơ quan nhà nước.

Hiện nay nhà nước đang có chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước ở các lĩnh vực, theo tôi, nên bổ sung bồi dưỡng các kĩ năng giao tiếp cho họ luôn.

Thậm chí tôi nghĩ phổ cập chương trình này là điều cần thiết vì nó không tốn nhiều thời gian, nội dung giảng dạy không có gì phức tạp lại rất thiết thực cho cuộc sống hàng ngày và quan trọng là không gây tốn kém. Về lâu dài, tôi nghĩ nên đưa việc giảng dạy các kĩ năng đó vào các trường học.

Theo luật công chức có được nổi nóng với dân không thưa ông?

Tất nhiên là không.

Nếu họ nổi nóng với dân, họ sẽ bị xử lý ra sao thưa ông?

Hiện công chức vi phạm với hành vi trên chưa bị xử lý gì cả dù luật có quy định rõ ràng tùy mức độ sự việc.

Ông có đề xuất gì nhằm cải thiện thái độ của một bộ phận công chức ít cười khi tiếp dân?

Trước hết là phải ghép vào trong các chương trình đào tạo bộ môn kĩ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức.

Về luật, hiện tại tôi thấy luật công chức đã quy định khá đầy đủ, rõ ràng rồi. Vấn đề chỉ ở chỗ thực thi sao cho nghiêm. Lãnh đạo các cơ quan phải thường xuyên nhắc nhở, giám sát nhân viên của mình trong việc này. Nếu cần, hãy đưa điều đó vào tiêu chí đánh giá thi đua để cán bộ, công chức không xem thường.

Ngoài ra, cần duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý và các phương tiện khác để người dân dễ dàng phản ánh những sai phạm của công chức.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN