Cụ bà trăm tuổi, 37 năm sống cùng... cỗ quan tài

Sự kiện: Thời sự Hải Dương

37 năm nay, bước vào căn nhà nhỏ nghèo nàn của cụ Chấu, cái đầu tiên đập vào mắt khách là… cỗ quan tài.

Sống trọn cuộc đời cơ cực nhưng cụ bà gần trăm tuổi ở Hải Dương luôn ý thức được việc xấu nhất có thể không may xảy ra với mình khi không có người lo liệu. Dẫu ở cùng người em họ khuyết tật nhưng cụ luôn tâm niệm rằng, mình tự lo được cái gì thì lo, miễn không làm phiền người khác. 37 năm nay, bước vào căn nhà nhỏ nghèo nàn của cụ, cái đầu tiên đập vào mắt khách là… cỗ quan tài

Cụ bà trăm tuổi, 37 năm sống cùng... cỗ quan tài - 1

Cụ Chấu bên chiếc “hòm chết” của mình được làm cách đây 37 năm. Ảnh: T.G

Hai thân già và một cái áo quan

Về thôn 3, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, Hải Dương, chúng tôi được nghe câu chuyện lạ nhưng cảm động của cụ bà Hoàng Thị Chấu (97 tuổi), khi gần 40 năm nay, cụ luôn để chiếc áo quan mà cụ gọi là “hòm chết” ở trong nhà. Có lẽ, mỗi khi nhắc đến tên cụ và chiếc hòm chết ấy, nhiều người trong địa phương còn đồn đoán rằng: Do cụ không lấy chồng, có con nên khi sợ qua đời không có ai lo tang lễ nên chuẩn bị sẵn cho mình. Có người lại nói, cụ để bộ áo quan trong nhà là do sở thích cá nhân không giống ai.

Có mặt tại nhà cụ vào buổi chiều muộn, khi căn nhà nhỏ cấp bốn vắng tiếng nói cười và không có người ghé thăm. Ngồi một mình ở phía cuối giường, cụ Chấu hướng ánh mắt mờ đục về phía xa xăm như nhớ lại quãng đời cơ cực của mình ngày còn trẻ. Đôi lúc, cụ nhìn chiếc áo quan che đậy cẩn thận góc nhà như một thứ tài sản vô giá mà cả cuộc đời cụ có được. “Chiếc hòm chết này đã được tôi mua gỗ về làm cách đây 37 năm. Lúc đầu chỉ là những tấm gỗ phản, sau đó tôi nhờ thợ mộc bào nhẵn đóng thành áo quan và để ở trong nhà phòng khi tôi qua đời không có tiền mua”, cụ Chấu cho biết.

Theo lời kể của cụ, hồi còn trẻ, cụ làm nghề “hàng xáo” đi quanh vùng để đong thóc, sau đó bán lại cho các đại lý. Ngày ấy còn khó khăn chứ không thuận lợi như bây giờ, cho nên cụ mua được ít thóc nào cụ lại cho vào thúng đội lên đầu, hôm nào mua được nhiều thì gánh. Bán được đồng tiền lãi, cụ lại gom góp dành dụm cho tuổi già. “Thời điểm đó, việc mua gỗ rất khó khăn mà không phải ai cũng mua được. Trong khi tôi ở một mình, cứ nghĩ đến lúc qua đời con cháu không có mà áo tôi lại khóc. Năm 1980, tôi mua ba tấm gỗ xẻ của người miền ngược chuyển về trị giá gần 2 nghìn đồng để đóng quan tài cho mình”, cụ Chấu tâm sự.

Khi sức khoẻ yếu, tuổi cao, bệnh già ập đến khiến cụ mỏi mệt. Hai mắt tinh nhanh ngày nào giờ cũng mờ đục, đôi chân buôn bán ngược xuôi cũng không còn đi lại được nữa và cuộc sống hiện tại của cụ nhờ vào người em họ Nguyễn Thị Mẹo (68 tuổi) bị mù từ nhỏ, cùng sự cưu mang của họ hàng, cháu chắt. Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, cụ luôn nhìn chiếc “hòm chết” của mình và cười nói: "Đây là nơi tôi sẽ về với tổ tiên. Cái này tôi mua lúc đã 60 tuổi. Nếu không mua, không chuẩn bị sẵn cho mình thì lúc chết lại làm khổ bà con, chính quyền à? Năm 2.000 tôi mới gom đủ tiền để nhờ thợ mộc xẻ 3 tấm gỗ ra đóng thành khuôn cỗ áo quan như bây giờ".

Cơ cực tuổi xế chiều

Cụ bà trăm tuổi, 37 năm sống cùng... cỗ quan tài - 2

Tuy không phải hai chị em ruột nhưng cụ Chấu và bà Mẹo luôn thương yêu nhau. Ảnh: T.G

Trong căn nhà cấp bốn được tổ chức từ thiện xây dựng từ lâu, hai chị em cụ Chấu sống nương tựa vào nhau qua tháng ngày như ngọn đèn dầu lay lắt. Nhìn những hình ảnh đó, người dân nơi đây ai cũng thương cảm xót xa và đôi lúc giúp đỡ hai chị em cụ làm cuộc sống bớt khó khăn hơn. Bà Mẹo cho biết: “Tôi và cụ Chấu không phải là chị em ruột nhưng sống với nhau đã gần hết cuộc đời. Bao nhiêu khó khăn, vất vả hai chị em đều trải qua và sẻ chia. Khi còn khoẻ, đôi mắt sáng của bà ấy chính là tay giúp tôi công việc. Còn giờ bà ấy yếu thì chính đôi tay của tôi lo cơm nước.Tuy nhiên, có những lúc chúng tôi cũng giận hờn, xong lại vui vẻ bình thường”.

Theo lời kể của bà Mẹo, khi bà sinh ra cũng giống nhiều đứa trẻ khác nhưng càng lớn thị lực kém dần và sau đó không nhìn thấy lờ mờ. Mặc dù cuộc sống hồi trước khó khăn, nhưng gia đình bà chạy vạy tiền bạc khắp nơi chạy chữa. Tiền mất mà bệnh tình không khỏi khiến bố mẹ bà buồn chán đành để mặc cho số phận định đoạt. Cụ Chấu thì mải lo bươn trải kiếm sống khi ngoảnh lại tuổi đã cao nên đành ở vậy, còn bà Mẹo thì không dám đến với ai vì bị khuyết tật ở mắt. Cho nên, sau khi bố mẹ qua đời, hai chị em bà nương tựa vào nhau sinh sống.

Tuy sống cùng một mái nhà nhưng hai chị em cụ Chấu lại có hộ hẩu khác nhau và ăn riêng. Lý giải điều này, bà Mẹo cho biết, “không phải chúng tôi ăn riêng và có hộ khẩu riêng là ghét bỏ nhau, không đoàn kết. Bởi nết sinh hoạt khác nhau, công việc khác nhau từ trước đến nay và bố mẹ khác nhau cho nên đã hình thành cách sinh hoạt như vậy và giữ đến bây giờ”. Thậm chí bà Mẹo còn tâm sự: "Tôi và bà Chấu là hai chị em họ, sống với nhau từ hồi còn nhỏ. Bà Chấu không chỉ là chị, mà còn là người mẹ nuôi tôi từ tấm bé khi bố mẹ tôi qua đời".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụ Chấu hiện là hộ nghèo được hưởng chế độ người cô đơn không nưa tựa, còn bà Mẹo thuộc chế độ người khuyết tật hộ cận nghèo của địa phương. Tuy cuộc sống còn nhiều khốn khó, nhưng hai chị em cụ luôn có tấm lòng thơm thảo. Riêng bà Mẹo, trong việc xây dựng đình, chùa, các cuộc vận động của địa phương, bà đều quyên góp, kể cả số tiền bản thân dành dụm hay cháu chắt cho bà đều mang ủng hộ với mong muốn tích tâm, tích đức và để các cháu noi theo.

Nói về chiếc hòm chết của cụ Chấu, bà Nguyễn Thị Mẹo cho biết: “Việc cụ Chấu để chiếc áo quan trong nhà tôi thấy bình thường, có lẽ do nhìn lâu, sống lâu nên thành quen. Có nhiều người bảo bà ấy vứt đi vì mình vẫn đang sống. Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi người đều có suy nghĩ, việc làm khác nhau và quan trọng nhất chính là bà ấy đã chuẩn bị trước cho mình khi trở về với tiên tổ”.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho hay, chuyện cụ Chấu tự đóng áo quan cho mình và để trong nhà nhiều năm nay chính quyền địa phương có biết. Tuy nhiên, vẫn biết là không hay, bất tiện nhưng đây là việc cá nhân nên rất khó vận động cụ chuyển áo quan đi chỗ khác. Bởi lẽ, do các cụ ngày trước suy nghĩ khó kiếm được gỗ làm áo quan khi đất nước còn khó khăn, dẫu sao đó cũng là câu chuyện cảm động.

Những người sống chung với xác chết ở Sài Gòn

Công việc hằng ngày của họ là thường xuyên tiếp xúc với xác chết, “nghề” mà nghe qua không ít người rùng mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Tùy (Gia đình & Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN