Tìm thấy lưỡi câu cổ nhất thế giới, 23.000 năm tuổi

Cuộc khai quật kéo dài 7 năm đã giúp các nhà khoa học Nhật Bản hiểu rõ hơn về sự thích ứng của con người tại hòn đảo khan hiếm tài nguyên Okinawa từ hàng chục nghìn năm trước.

Tìm thấy lưỡi câu cổ nhất thế giới, 23.000 năm tuổi - 1

Những lưỡi câu 23.000 năm tuổi vừa được tìm thấy ở đảo Okinawa, Nhật Bản (Ảnh:National Academy of Sciences)

Lưỡi câu lâu đời nhất trên thế giới, khoảng 23.000 năm tuổi, vừa được tìm thấy trong một hang động trên đảo Okinawa ngoài khơi bờ biển của Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu nói rằng lưỡi câu, được làm từ vỏ ốc biển và được tìm thấy trong hang Sakitari, cho thấy công nghệ đánh bắt cá phát triển sớm hơn và được áp dụng rộng rãi hơn so với những suy đoán trước đây.

Con người được cho là đã di chuyển ra đảo Okinawa và các đảo lân cận từ khoảng 50.000 năm trước, nhưng phần lớn lịch sử loài người thích ứng với cuộc sống nơi đây và sự tiến hóa của công nghệ đánh bắt vẫn là một điều bí ẩn.

Tìm thấy lưỡi câu cổ nhất thế giới, 23.000 năm tuổi - 2

Những phát hiện ở đảo Okinawa cho thấy công nghệ đánh bắt cá phát triển sớm hơn và được áp dụng rộng rãi hơn so với những suy đoán trước đây

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã khai quật 3 khu vực ở hang Sakitari, một cấu trúc đá vôi bên bờ biển phía nam của Okinawa, từ năm 2009 và vừa công bố phát hiện của họ trên tạp chí PNAS.

Trước đây, người ta tin rằng tài nguyên trên hòn đảo này quá khan hiếm để có thể hỗ trợ cuộc sống trong một thời gian dài. Nhưng cuộc khai quật hang động tìm thấy bằng chứng của lươn, ếch, cá, chim và các động vật có vú nhỏ, trong các lớp đá khác nhau, gợi ý rằng chúng từng là thức ăn của con người.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện của cuộc khai quật cho thấy liên tục có người sống trên hòn đảo này từ 35.000 năm trước. Bên cạnh lưỡi câu và hài cốt động vật, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy hài cốt của con người.

Các nhà khoa học cũng nói rằng việc phát hiện ra phần còn lại của một con cua cũng rất quan trọng. Nó là bằng chứng cho thấy thói quen ăn uống theo mùa của con người từng sống ở đây. Nhờ kích thước của con cua, các nhà nghiên cứu phát hiện ra chúng bị bắt vào mùa thu khi chúng to hơn và đang di cư xuống hạ lưu để sinh sản, đồng thời cũng là thời điểm chúng ngon nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - The Guardian ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN