Dịch vụ y tế, học phí đẩy CPI tháng 3 tăng mạnh

Theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng.

Dịch vụ y tế, học phí đẩy CPI tháng 3 tăng mạnh - 1

CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng.

Số liệu về CPI cả nước tháng 3 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố sáng ngày 24/3. Theo đó Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước; tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm hàng hóa tác động mạnh tới CPI phải kể tới nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, tăng cao nhất với mức tăng 24,34%.

Ngoài y tế và giáo dục, 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại đều có xu hướng giảm giá. Giảm nhiều nhất là nhóm giao thông với 3,64% do giá xăng dầu trong nước giảm 7,71% so với tháng trước; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,23%...

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết, theo quy luật tiêu dùng CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng.

Cụ thể, từ 1/3 giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 1,27%. Bên cạnh đó một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.

Theo Tổng cục Thống kê, từ nay đến hết năm 2016, giá dịch vụ y tế còn một đợt điều chỉnh vào tháng 7 năm 2016, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh vào tháng 9 năm 2016, theo đó chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5% tuy nhiên, chỉ số CPI so bình quân sẽ được kiểm soát ở mức 5%. 

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón..) khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN