"Cõng" 50% thuế phí mỗi lít xăng: Không có chuyện tính nhầm thuế phí!

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước nhiều thông tin liên quan đến cơ chế thuế phí trong mặt hàng xăng dầu hiện nay ở Việt Nam, so sánh với các nước trên thế giới đang có sự khập khiễng lớn, lãnh đạo Bộ Tài chính đã lên tiếng giải trình.

Theo tính toán của báo chí vừa qua, hiện nay mỗt lít xăng ở Việt Nam đang phải gánh các loại thuế phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.  

Với cách tính thuế mới, thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng là 1.275 đồng, thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng, chi phí định mức là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, quỹ bình ổn giá là 300 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.380 đồng và thuế VAT là 1.520 đồng. 

Như vậy, tổng các loại thuế phí một lít xăng phải gánh lên đến 8.825 đồng, chiếm trên 50% giá xăng hiện nay. Cụ thể, với mỗi lít xăng Ron 92 bán lẻ được niêm yết ở mức 16.400 đồng hiện nay, thuế phí đã chiếm tới 53,8% giá xăng.

Tuy nhiên, nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi khẳng định những thông tin cho rằng xăng dầu ở Việt Nam đang chịu cảnh thuế chồng thuế và người dân chịu tới hơn 50% thuế phí trên giá bán lẻ xăng dầu là không chính xác.

"Cõng" 50% thuế phí mỗi lít xăng: Không có chuyện tính nhầm thuế phí! - 1

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi

Cụ thể, ông Thi cho biết theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, các sắc thuế thu vào xăng có thuế nhập khẩu (đối với xăng nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, mỗi một sắc thuế thu đối với xăng, dầu có mục tiêu rõ ràng, đúng bản chất của từng sắc thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế nên ý kiến cho rằng thuế chồng lên thuế là chưa hợp lý.

Về tỷ trọng thuế, phí trên giá xăng dầu, ông Thi cho biết, tính ra hiện nay tỷ trọng thuế trong giá xăng R92 là 51,4%, trong giá dầu diezen là 35%, trong giá dầu hỏa là 25,5%, trong giá dầu ma dút là 31,3%. Nếu tính riêng thuế thì tỷ trọng thuế trong giá bán cơ sở là xăng R92 là 41,5%, trong giá dầu diezen là 22,5%, trong giá dầu hỏa là 11,4%, trong giá dầu ma dút là 18,6%. 

Qua tham khảo, tỷ trọng số thu các sắc thuế, phí trong giá xăng, dầu ở nhiều nước khá cao: ở Hàn quốc là 70,3%; ở Campuchia cộng chung số thuế của chính quyền trung ương và địa phương thì tỷ trọng khoảng 40%; tại Lào cộng chung số thuế phải nộp khoảng 56 %... Như vậy, nếu so sánh với một số nước trong khu vực châu Á cho thấy tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu của Việt Nam là thấp.

Về giá bán lẻ xăng dầu, theo công bố của một tạp chí uy tín trên thế giới, hiện giá bán lẻ mỗi lít xăng của Việt Nam là 0,74 USD/lít, Trung Quốc là 0,94 USD/lít, Lào 1,09 USD/lít, Singapore là 1,34 USD/lít, Thái Lan 0,91 USD/lít, Philippines là 0,89 USD/lít, Hồng Kông 1,86 USD/lít... Điều này cho thấy thuế GTGT của Việt Nam đang áp dụng hiện nay là ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Về cách tính thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, ông Thi cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế số 106/2016/QH13, từ ngày 1.7.2016, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra (các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác đã được áp dụng từ ngày 1.1.2016). Quy định này tạo ra sự bình đẳng về giá tính thuế TTĐB giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Nhiều nước áp dụng giá tính thuế TTĐB là giá bán buôn (giá do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu bán ra) hoặc giá bán lẻ tới người tiêu dùng cuối cùng như: Phần Lan, Áo, Chile, Úc, Mexico, Hàn Quốc… nhằm hạn chế việc khai giá thấp tại khâu nhập khẩu trong khi bán ra trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vốn hàng nhập khẩu để chuyển giá.

Do có sự thay đổi trong cách tính giá tính thuế TTĐB nên có sự thay đổi về thuế TTĐB trong mức giá cơ sở, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp thương nhân đầu mối cũng sẽ có sự thay đổi. Tại kỳ điều hành ngày 5.10.2016, ông Thi cho biết giá cơ sở được tính đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và thuế TTĐB trong công thức tính giá cơ sở được tính đúng theo quy định của Luật thuế TTĐB số 106/2016/QH13.

Tái khẳng định vấn đề, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí khẳng định, thông tin cho rằng Bộ Tài chính tính nhầm thuế xăng dầu là không chính xác. Bộ Tài chính đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN