"Việt Nam đang bớt thuế nhà giàu, tận thu nhà nghèo”

"Thuế ở nước ta sẵn sàng miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài cả nghìn tỷ trong khi lại tận thu những doanh nghiệp trong nước. Như thế làm nhiều doanh nghiệp khổ sở".

“Bớt thuế nhà giàu, tận thu nhà nghèo”

Đó là quan điểm của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam trong buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam tới 2025: Cơ hội và thách thức” chiều 10/10 tại Hà Nội.

Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế có mặt tại buổi hội thảo này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tư duy thuế ở Việt Nam hiện nay vẫn là tận thu đối với các doanh nghiệp tới mức không nuôi dưỡng nguồn thu trong khi rất sẵn sàng cho thuế cho những doanh nghiệp giàu có, cho những nhà giàu.

Nữ chuyên gia kinh tế lấy ví dụ, các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nhiều khi được miễn thuế rất lớn. Nhiều doanh nghiệp này được miễn thuế cả nghìn tỷ đồng trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại bị tận thu.

“Như thế làm nhiều doanh nghiệp phải khổ sở”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, dù luật pháp hay chính sách không thể hiện nhưng trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử là điều rất rõ. Tuy vai trò của doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận nhưng thực chất các doanh nghiệp nhà nước với tư cách là trong khu vực kinh tế chủ đạo vẫn được mọi thứ ưu tiên.

Điều này cũng tương tự với doanh nghiệp FDI, bà Lan cho biết. Các doanh nghiệp này được ưu ái quá nhiều và trở thành một sự chen lấn đối với khu vực tư nhân trong nước.

“Vấn đều không phải chỉ là cố gắng ngồi vẽ ra luật cho tốt, chính sách cho hay mà phải thực hiện như thế nào”, bà Lan nói.

"Việt Nam đang bớt thuế nhà giàu, tận thu nhà nghèo” - 1

Việt Nam sẵn sàng miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài cả nghìn tỷ trong khi lại tận thu thuế doanh nghiệp trong nước.(Ảnh minh họa)

Phân biệt đối xử

Nói về tình hình nộp thuế của các doanh nghiêp, ông Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, doanh nghiệp tư nhân đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo nhưng chưa doanh nghiệp tư nhân nào được hưởng mức này. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, nhiều trường hợp cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng ưu đãi vượt trần.

Ông Nguyễn Huy Hoàng lấy ví dụ về trường hợp trên là công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV). Công ty này được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trong khi đó Tập đoàn Viettel cũng đề xuất được hưởng ưu đãi thuế 10% cho thu nhập từ sản xuất điện thoại nhưng bị từ chối.

Tương tự, báo cáo của ông Nguyễn Huy Hoàng cũng đề cập tới trương hợp của công ty TNHH Nokia Việt Nam đang được hưởng ưu đãi kịch trần cho DN công nghệ cao: thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm đầu, miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu tiên và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Sau 1 năm Công ty Nokia Việt Nam hoạt động, Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ thẩm định các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao theo Luật, nếu không đạt thì cho phép công ty này gia hạn thêm 3 năm để hoàn thành việc đáp ứng các tiêu chí.

Xét về ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI được miễn thuế nhập khẩu hầu hết máy móc thiết bị tạo tài sản cố định trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn gián tiếp phải đóng do chủ yếu mua máy móc, thiết bị tại thị trường nội địa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN