Đề xuất cho người dân được bán suất tái định cư

“Trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư nhưng người dân không có nhu cầu ở thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai”.

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất như trên tại báo cáo với UBND TP về giải pháp cải tạo chung cư cũ.

Để đảm bảo đến năm 2020 TP tháo dỡ và hoàn thành đầu tư xây dựng mới ít nhất là 50% trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, Sở Xây dựng đã đề xuất ba cơ chế, giải pháp. Cụ thể là cơ chế phân công, ủy quyền cho quận, huyện thay vì Sở Xây dựng làm hết các công việc như trước đây.

Sở cũng đề xuất nếu trong ba tháng (với chung cư nguy hiểm) và 12 tháng (với chung cư hư hỏng nặng), người sở hữu nhà chung cư không thỏa thuận được việc giải phóng mặt bằng và không lựa chọn được chủ đầu tư thì quận, huyện được chỉ định chủ đầu tư, có phương thức tái định cư tại chỗ với chung cư do Nhà nước thực hiện.

Liên quan đến giải pháp này, Sở Xây dựng nhấn mạnh năm nguyên tắc. Thứ nhất, nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng vốn cho địa phương chi trả tiền tạm cư; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho địa phương, chủ đầu tư không thực hiện tái định cư.

Thứ hai là quyền lợi của người dân được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư. Thứ ba, tiêu chuẩn căn hộ mới được bố trí bằng diện tích căn hộ cũ, người dân không phải trả bất kỳ khoản tiền nào. Trường hợp căn hộ cũ có diện tích nhỏ hơn 25 m2 thì được bố trí tối thiểu bằng 25 m2.

Thứ tư, trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ. Cuối cùng, nếu người dân không muốn nhận nhà tái định cư thì được thanh toán tiền tương đương với giá trị căn hộ.

Giải pháp thứ ba để cải tạo, xây dựng chung cư cũ, Sở Xây dựng đề xuất có liên quan đến chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Theo đó, Sở kiến nghị UBND TP giao cho quận, huyện chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh cục bộ các chỉ tiêu quy hoạch tại các vị trí chung cư cũ. Đồng thời Sở QH-KT xây dựng tiêu chí cụ thể về việc điều chỉnh chỉ tiêu này và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

• Ngày 15-8, tại buổi lễ công bố trang phục mới của Thanh tra Sở Xây dựng (TTXD) TP.HCM, đơn vị này cho biết trong bảy tháng đầu năm 2016, có 84 trường hợp cán bộ TTXD sai phạm đang bị xem xét xử lý. Trong đó có trường hợp ông Nguyễn Đỗ Duy Hải (32 tuổi, nguyên TTXD phụ trách địa bàn huyện Nhà Bè) bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, việc xử lý các TTXD sai phạm là nhằm chấn chỉnh, nâng cao năng lực làm việc của đơn vị. Người bị kỷ luật, kiểm điểm không loại trừ ai, từ thanh tra viên đến lãnh đạo nếu vi phạm.

Được biết từ năm 2013 đến 2015, có 188 trường hợp cán bộ TTXD Sở Xây dựng TP.HCM vi phạm bị khiển trách, cảnh cáo, rút kinh nghiệm và buộc thôi việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Hoa - An Danh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN