Châu Âu “kiềm chân” doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Các công ty nhà nước Trung Quốc (SOE) tìm cách mua tài sản ở châu Âu sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn theo sau một phán quyết gần đây của Ủy ban châu Âu (EC).

Trong đánh giá về đề xuất liên doanh giữa Công ty Năng lượng EDF (Pháp) và Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN), EC cho rằng CGN vẫn còn phụ thuộc vào Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC). Vì thế, EC có quyền lên tiếng về việc có bật đèn xanh đối với thương vụ trên hay không.

Đây là lần đầu tiên EC công khai nói rằng chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát quá chặt chẽ SOE nên mọi SOE trong cùng một lĩnh vực nên được xem là một thực thể duy nhất.

Châu Âu “kiềm chân” doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc - 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hôm 13-6 Ảnh: REUTERS

Thông thường, EC sẽ xem xét một vụ sáp nhập nếu mỗi bên tham gia đạt doanh thu hơn 250 triệu euro ở châu Âu và doanh thu toàn cầu hơn 5 tỉ euro. Bản thân doanh thu của riêng CGN không vượt qua 250 triệu euro nhưng tổng doanh thu của các SOE trong lĩnh vực năng lượng Trung Quốc lại cao hơn con số này.

Theo Reuters, sau khi chi tiết của phán quyết trên được công bố tháng 4, các công ty luật đã khuyến cáo SOE Trung Quốc rằng họ có thể phải nộp đơn xin sự phê chuẩn của EC đối với các thỏa thuận sáp nhập bất kể doanh thu của họ ở châu Âu là bao nhiêu. Điều này tạo thêm một rào cản và có nguy cơ làm chậm lại quá trình thâu tóm công ty châu Âu của SOE Trung Quốc.

Bước đi trên diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc (trong đó phần lớn là SOE) mua trên 200 tỉ USD tài sản nước ngoài trong 18 tháng qua, dẫn đến nhiều lo ngại ở châu Âu và Mỹ, nhất là về vấn đề an ninh. Quan hệ kinh tế Trung Quốc - châu Âu cũng là tâm điểm chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ hôm 12-6. Trong cuộc họp báo chung với bà Merkel ngày 13-6, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định chính quyền Bắc Kinh không muốn có một cuộc chiến thương mại với châu Âu. “Điều này sẽ không có lợi cho ai hết” - Thủ tướng Lý nói.

Đáp lại, bà Merkel nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Ngoài ra, bà Merkel cho rằng Bắc Kinh cần cải thiện khuôn khổ pháp lý để cho phép doanh nghiệp Đức đầu tư dễ dàng hơn vào nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huệ Bình (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN