33 tuổi, thu 800 triệu đồng/năm từ đúc đồng

Theo lời giới thiệu của ông Hà Quang Khải – Chủ tịch Hội ND xã Yên Xá (Ý Yên, Nam Định), chúng tôi tìm về xưởng đúc đồng của gia đình anh Trần Văn Toàn (33 tuổi), ở thôn Tống Xá, xã Yên Xá khi xưởng đúc đang đỏ lửa.

Tiếng máy mài, tiếng đánh thẩm âm khuấy động cả một vùng. Trong xưởng nhộn nhịp người nhào đất, người đắp khuôn, người vẽ hoa văn...

33 tuổi, thu 800 triệu đồng/năm từ đúc đồng - 1

Anh Trần Văn Toàn giới thiệu các sản phẩm đúc đồng của gia đình mình.  

Sinh năm 1982, anh Toàn là một trong những nghệ nhân đúc đồng trẻ tuổi nhất xã Yên Xá. Trong căn nhà với hàng trăm sản phẩm bày đủ các loại lư hương, trống, lục bình... do chính bàn tay mình làm ra, anh Toàn chậm rãi kể: "Nhà tôi đã có 4 đời làm nghề đúc đồng. Từ khi còn bé tí xíu, tôi đã quen với những tiếng động từ hoạt động chạm trổ, âm vang trầm bổng của những tiếng trống đồng”.

Được cha truyền dạy cặn kẽ hết các “ngón nghề”, bí quyết đúc đồng, nhưng khi thật sự bước chân vào làm nghề, anh Toàn gặp không ít khó khăn. Đúc đồng là nghề vô cùng vất vả, không phải ai cũng theo được. Nghề đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng một tâm hồn tinh tế mới có thể cho ra đời những bức tượng đồng có thần thái.

Nhờ miệt mài học hỏi, năng động, nhanh nhạy trong kinh doanh nên xưởng đúc đồng của anh Toàn ngày càng ăn nên làm ra. Hiện xưởng đúc đồng mỗi năm đem về cho anh doanh thu từ 2,5 – 3 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu về 700 – 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với lương bình quân 4 triệu/tháng. Sản phẩm do xưởng của anh Toàn tạo ra được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước…

Chia sẻ về nghề đúc đồng, anh Toàn tâm sự: Muốn trở thành một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 quy trình gồm- kỹ thuật làm mẫu; tạo khuôn; pha chế đồng, nấu và rót đồng; sửa nguội; chạm khắc và đánh bóng. Khó nhất là ra mẫu và đúc thành phẩm. Bởi nếu đúc ra không giống khuôn mẫu thì phải bỏ, vừa tốn thời gian, công sức và cả kinh phí. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo được hồn cho mỗi sản phẩm, nhất là những sản phẩm tạc đúc tượng người. Do đó, người đúc đồng bên cạnh đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, sức khỏe tốt còn phải biết “thổi hồn” vào tác phẩm đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN