Ngộ độc khí than: Cảnh báo liên tục vẫn có người tử vong

Tình trạng ngộ độc khí than, khí CO năm nào cũng xảy ra, năm nào cũng có người tử vong mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về vấn đề này.

Ngộ độc khí than: Cảnh báo liên tục vẫn có người tử vong - 1

Một nạn nhân ngộ độc khí than tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: D.T

Mới đây nhất, chiều 23/2/2017, đã có 3 người trong 1 gia đình tại Q.7, TP.HCM bị ngộ độc khí than. Hai nạn nhân tử vong là ông Phan Hoàng L và vợ là bà Phạm Thị L. Con gái Phan Ngọc N (sinh năm 2.000) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Được biết, trong nhà bà L. có trữ nhiều than đá để phục vụ việc buôn bán của gia đình. Có thể, do nấu than trong nhà đóng kín cửa nên dẫn tới sự việc thương tâm trên.

Tháng 1/2017, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng cấp cứu 3 người trong một gia đình bị ngạt khí than gồm anh Lê Văn L. (22 tuổi), vợ là chị Nguyễn Thị T. (21 tuổi) và con gái mới một tháng tuổi (cùng trú thôn Hà An, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn). Trước đó, cả 3 người ngủ trong một phòng đóng kín và sưởi ấm bằng than do trời lạnh.

Hai vợ chồng thấy mệt, buồn nôn, nhức đầu, chân tay co rút. Rất may người hàng xóm phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ sau khi khám, xét nghiệm đã kết luận hai vợ chồng bị ngộ độc khí CO do đốt than trong phòng kín.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, tình trạng sử dụng than củi, than tổ ong để sưởi ấm hoặc sưởi cho sản phụ hoặc nướng thức ăn trong diện tích nhỏ hẹp, tù túng dễ gây ngộ độc khí CO cho người trong nhà. Khi ngộ độc khí này, nạn nhân bị tổn thương hệ thống thần kinh và ngưng hô hấp rất nhanh.

Theo các chuyên gia y tế, năm nào cũng có trường hợp tử vong do ngộ độc khí than. Than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra khí CO cực độc.

Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích nên nạn nhân thường không biết mình bị ngộ độc, cứ thế ngất lịm đi. Nạn nhân hít phải khí CO thường sẽ bị tổn thương não và tim, nhẹ thì mắc các bệnh hô hấp, để lại di chứng thần kinh-tâm thần, nặng hơn có thể tử vong.

Bên cạnh đó, dùng than để sưởi có thể làm tăng nguy cơ gây hỏa hoạn và bỏng.

Nếu bắt buộc phải sử dụng than để sưởi, người dân nên chú ý:

- Không dùng trong phòng kín

- Nên để hé cửa sổ để có lối thoát khí

- Không dùng khi nhà có người già, trẻ em

- Không để gần những vật dễ bắt lửa

- Chỉ nên sử dụng tối đa 1 tiếng và dùng các loại than sinh nhiệt an toàn.

Khi người thân phát hiện ra nạn nhân bi nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau:

- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

- Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi.

- Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN