Những bộ phim “vang bóng một thời” về nhà giáo

Đề tài thầy cô và trường học luôn là đề tài hấp dẫn và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim. Nhân ngày 20/11, chúng ta hãy cùng điểm lại một số bộ phim đã gắn với ký ức của biết bao người về hình ảnh những người thầy, người bạn thủa học trò.

Thầy giáo dạy văn

Thầy giáo dạy văn của đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện là câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về thầy Nguyên – một thầy giáo dạy văn luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh. Thầy Nguyên vốn là một giảng viên đại học giỏi có tiếng nhưng vào mùa luyện thi đại học, thầy được bà vợ “trưng dụng” để mở lớp luyện thi cho những cô cậu học trò thừa tiền thiếu chữ hay bán danh tiếng cho những lò muốn mượn danh của thầy.

Những bộ phim “vang bóng một thời” về nhà giáo - 1

Thầy giáo dạy văn là câu chuyện về cuộc đời của thầy Nguyên

Cuộc sống “cơm áo gạo tiền” đã buộc thầy phải chấp nhận những giờ giảng bài với vài ba đứa học trò chỉ biết ăn chơi, từng lời tâm huyết của thầy với chúng chỉ như gió thoảng. Nhưng đến một ngày, Nguyệt - một cô học trò đến xin học thi đã khơi dậy trong lòng thầy một quãng đời của tuổi trẻ đầy đam mê với nghiệp dạy văn. Nguyệt là con gái của Kim Tước – cô học trò ngày xưa và cũng là mối tình cũ của thầy Nguyên.

Thầy giáo dạy văn không có những tình tiết cao trào, cũng không nói về những ganh đua, tranh đấu trong nghề giáo nhưng lại đem đến những bài học đắt giá về ý nghĩa thực sự của một người thầy. Nghề giáo không chỉ đơn thuần là một nghề bán chữ kiếm tiền mà quan trọng nhất, người thầy là người truyền cho học trò những bài học quý giá về cuộc sống, những bài học làm người.

Thầy và trò

Bộ phim Thầy và trò của đạo diễn Đặng Phi xoay quanh câu chuyện cảm động về tình cảm thầy trò giữa thầy Thực và cô học trò tên Nguyệt. Thầy Thực là Tổ trưởng bộ môn văn của một trường cấp hai, thầy là một người luôn yêu thương học trò, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nhưng lại có phần hơi bảo thủ và cứng nhắc khi luôn phản đối triệt để việc dạy thêm, học thêm, kể cả việc học thêm tiếng Anh, vi tính vì cho rằng nó sẽ làm hỏng tiếng Việt của học trò.

Những bộ phim “vang bóng một thời” về nhà giáo - 2

Thầy và trò là câu chuyện cảm động về những người thầy luôn hết lòng vì học sinh

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi trong một lần thầy yêu cầu học sinh viết một bài văn về mẹ, Nguyệt đã nộp giấy trắng và cho rằng mẹ không có gì để mình phải nhớ. Điều này đã khiến thầy Thực ngày đêm trăn trở. Khi biết được mẹ Nguyệt đã bỏ đi từ khi em còn nhỏ, em lại phải sống với người mẹ kế không có mấy tình thương thì thầy đã hết lòng động viên, khuyên bảo để Nguyệt tha thứ cho mẹ. Tìm hiểu vê gia đình Nguyệt cũng chính là quá trình thầy Thực thay đổi những suy nghĩ bảo thủ của mình, mở rộng lòng mình hơn với hai đứa con trai cũng như những đồng nghiệp.

Thầy và trò không chỉ là câu chuyện về tình cảm thiêng liêng, cao cả của những thầy cô luôn dành tình thương vô bờ bến cho học trò mà còn là bài học về cuộc sống. Đó là, con người luôn có những mặt tốt xấu, đúng sai, không một ai hoàn hảo. Vì thế, chỉ cần biết mở lòng và đón nhận thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

Chuyện học đường

Phản ánh một cách chân thực và sâu sắc về thực trạng giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 21, Chuyện học đường của đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đánh mạnh vào những căn bệnh nan y mà đến tận bây giờ vẫn chưa có thuốc giải của nền giáo dục như bệnh thành tích, sự quá tải trong chương trình học hay hiện tượng ép buộc học sinh đi học thêm tràn lan.

Những bộ phim “vang bóng một thời” về nhà giáo - 3

Minh là một cậu học trò trung thực, thẳng thắn nhưng còn nông nổi 

Chuyện học đường là câu chuyện về Minh – một cậu học trò lớp 12 học giỏi, trung thực và khẳng khái. Trước những hiện tượng chạy điểm, chạy thành tích tràn lan trong lớp, Minh đã đứng lên nói thẳng, nói thật trước đoàn thanh tra của Sở.

Sự thẳng thắn quá mức này đã khiến cậu bị quy chụp là có tư tưởng chống đối nhà trường, thầy cô và khiến thầy Doanh – thầy chủ nhiệm rất tức giận. Nhân một lần Minh đánh nhau vì bị bạn hãm hại và xúc phạm, thầy Doanh đã khiến Minh bị kỷ luật đuổi học và không được dự thi tốt nghiệp.

Trái ngược với thầy Doanh là cô Thảo – hiệu phó nhà trường. Không thờ ơ trước hoàn cảnh khó khăn của Minh, cô Thảo quyết tìm đến cùng sự thật mặc cho sự đe dọa và sự bất hợp tác của các thầy cô khác. Chính sự hết mình vì công bằng, công lý của cô Thảo và các bạn cùng lớp đã minh oan được cho Minh, nhưng Minh vẫn không kịp dự thi tốt nghiệp vì cậu đã tình nguyện nhập ngũ trước đó.

Không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về những hệ lụy nguy hiểm của những tệ nạn còn tồn tại trong chính trường học, Chuyện học đường còn đem đến cho khán giả những phút giây đẹp và cảm động về tình thầy trò, tình bạn, tình yêu tuổi học trò.

Không có một cái kết tròn trịa như nhiều phim khác, Chuyện học đường đã nhìn thẳng vào một sự thật rằng có những mong muốn tốt đẹp chưa đủ mà cần có sự kiên trì để nuôi dưỡng những khả năng thực tế nếu như không muốn rơi vào tình trạng "đấu tranh thì tránh đâu".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN