8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam

Sự kiện: Kỉ lục Việt Nam

Hành trình tìm kiếm Kỷ lục Phật giáo sơ kết giai đoạn 1 và công bố 8 kỷ lục mới

Nhằm chào mừng Đại Lễ Phật Đản, Phật Lịch 2557 (Dương lịch năm 2013), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sơ kết giai đoạn 1 Hành trình tìm kiếm Kỷ lục Phật giáo, và công bố 8 kỷ lục Phật giáo năm 2013.

1. Trường Phật giáo đào tạo nhiều Tăng Ni sinh nhất


Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Tp. Hồ Chí Minh đào tạo Tăng Ni sinh viên với mong muốn nâng cao trí tuệ để hoàn thành tốt con đường tu học, hoằng pháp lợi sinh. Đến nay (năm 2011), Học viện đã đào tạo được 7 khoá Cử nhân Phật học, 1 khóa học đào tạo từ xa và 1 khóa học đang tiếp tục học tới năm 2016.Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã trở thành trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu.

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 1

Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Tp. Hồ Chí Minh

2. Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá saphire lớn nhất
 
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hội Đá Quí Hà Nội đã tiến cúng đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), một pho tượng Phật bằng đá Ngọc Corindon có chứa 80-90% Saphire (có độ cứng là 9, chỉ sau Kim Cương).

Đây là pho tượng Đức Phật Thích Ca lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này (2011). Tượng cao 3,45m nặng 31 tấn (phần thân tượng nặng 13 tấn, phần bệ tượng nặng 18 tấn), tạo tác Đức Phật Thích Ca đang ngồi kiết già theo tư thế thuở xưa Ngài nhập định 49 ngày dưới cây bồ đề.

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 2

Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá saphire lớn nhất

Và hình cây bồ đề là những bức phù điêu đá tạc hình lá bồ đề, để tỏa nhiều năng lượng hơn. Gương mặt tượng mang hình nét thuần hậu mềm mại của người Việt. Toàn bộ tượng ánh lên màu đen bóng long lanh của ngọc, bề mặt mịn không một tì vết.

Điều đáng nói và quí ở pho tượng Phật này là tượng được tạc từ đá ngọc Việt Nam có chứa 80-90% Saphire (ở xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), được các nghệ nhân Việt Nam thổi hồn dân tộc Việt Nam vào tượng Phật, nên tượng mang bản sắc Văn hoá nghệ thuật, Mỹ thuật Việt Nam.

3. Tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam


Kỳ Lam Ngọc Phật là pho tượng Phật được làm từ một loại đá quý có chứa nhiều chất liệu Corindon (Saphire) màu xanh dương đậm, có độ cứng 8,5 – 9 độ, chỉ thua độ cứng kim cương. Khối đá này đã được Trung tâm viện Ngọc học và trang sức Doji tại Hà Nội kết luận: “Pho tượng Phật được làm bằng loại đá có chứa nhiều chất liệu đá quý Corindon (Saphir) có độ bền và màu sắc đẹp”.

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 3

Pho tượng Kỳ Lam Ngọc Phật

Viên đá này (ở xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), có chiều dài 4,2m, nặng trên 46 tấn, khi hoàn thiện, trọng lượng pho tượng Phật còn lại khoảng 35 tấn. Đây là pho tượng Phật nhập Niết bàn bằng đá Saphire nặng và lớn nhất Việt Nam. Pho tượng được an vị trong khuôn viên chùa Hội An, ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương vào ngày mùng 9 tháng giêng năm Qúy Tỵ (nhằm ngày 18.02.2013).

Đây là một tài sản vô cùng quý giá cho vùng đất Bình Dương và Phật giáo Bình Dương. Kỳ Lam Ngọc Phật có nghĩa là pho tượng Phật này sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc, thịnh vượng và nhiều điều tốt lành cho tỉnh Bình Dương, đất nước Việt Nam hiện tại và tương lai.

4. Ngôi Chùa sản xuất phim Phật giáo nhiều nhất

Chùa Hoằng Pháp do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng chồi. Kế tục sự nghiệp tại chùa Hoằng Pháp là TT. Thích Chân Tính, đệ tử của Hòa thượng. Đây cũng là ngôi chùa sản xuất nhiều bộ phim về Phật giáo nhất, bởi những người đứng đầu chùa cho rằng, điện ảnh là một trong những phương tiện rất cần thiết cho việc hoằng pháp trong thời đại ngày nay.

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 4

Chùa Hoằng Pháp, nơi sản xuất nhiều phim về Phật giáo nhất

Hiện tại, chùa đã phát hành 17 bộ phim, trong đó có 4 bộ phim Ký sự (Về thăm đất Phật; Ký sự vương quốc chùa Tháp…), 7 bộ phim truyện (Hổ ly sơn thất thế; Chợt tỉnh cơn mê; Con gái vua Trần Nhân Tông…), 6 bộ phim hoạt hình (Địa tạng vương Bồ tát; Chuyện về nhân quả; Nhất hưu hòa thượng)… xoay quanh chủ đề về Phật giáo.

Sự ra đời của các bộ phim về Phật giáo do chùa sản xuất và phát hành không chỉ đáp ứng về mặt tinh thần cho cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước (nhiều phim có phụ đề tiếng Anh) mà còn khẳng định rằng Phật giáo đã, đang và sẽ chuyển mình cùng nhịp sống của thời đại.

5.  Kênh truyền hình sản xuất và phát sóng nhiều chương trình nhất về chủ đề Phật giáo

Kênh truyền hình An Viên (AVG) là kênh truyền hình có nội dung tư tưởng của đạo Phật. Đây là kênh truyền hình được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép.

Ngay từ khi ra đời, kênh An Viên đặt mục tiêu trở thành một kênh truyền hình tổng hợp trong đó xây dựng nhiều chương trình mang tính giáo dục cao, dựa trên nền tảng tư tưởng, giáo lý nhà Phật. Cụ thể là phổ cập các giá trị, chuẩn mực đạo đức để người xem có được những giây phút sống chậm, lắng đọng trong tâm tư để cùng hiểu và thương, cùng hướng tới những điều tốt lành, những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Đến nay, dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các cơ quan ban ngành của Chính phủ, kênh truyền hình An Viên đã xây dựng được được gần 20 chương trình như:  Dưới bóng Bồ Đề, Chùa Việt Nam, Đâu là đúng, Ngày An Viên, Sống yêu thương, Thiền, Xưa và Nay, Hiểu và Thương, Phim truyện Phật giáo, Vườn yên tĩnh, Phim tài liệu Phật giáo,…

6. Người biên tập và biên soạn kinh sách Phật giáo nhiều nhất


Thượng tọa Thích Nhật Từ sinh năm 1969 tại Tp. Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ từ năm 1992 và gắn bó với ngôi chùa này cho đến nay. Với mong ước những cuốn sách về  Phật giáo sẽ đem lại nhiều điều bổ ích và an lạc cho mọi người, từ năm 2006 đến nay, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã viết 28 cuốn sách, đồng chủ biên 8 cuốn, biên dịch và biên soạn hơn  100 các đầu sách cùng các tác giả khác…

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 5

Những quyển sách quý của Thượng tọa Thích Nhật Từ

Đến nay,  Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ biên bao gồm các nghi thức tụng niệm thuần Việt và trên 200 đầu sách nghiên cứu và ứng dụng về Phật học.

7. Người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất (Bà Nguyễn Hướng Dương)

Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc "Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù", sau tai nạn bất ngờ mất đôi chân năm 25 tuổi, đã giành thời gian và công sức để đọc sách nói dành cho người mù. Số lượng đầu sách bà đọc chủ đề Phật giáo hiện tại là 200 quyển. 

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 6

Bà Nguyễn Hướng Dương

Hiện tại Thư viện sách nói dành cho người mù của bà đã đưa được sách nói lên mạng Internet sachnoionline.com để phục vụ rộng rãi hơn cho người mù. Đến nay, trang web này đã có hơn 6 triệu lượt người truy cập và nhận được sự tán thành, ủng hộ của nhiều người, kể cả người sáng mắt. Số lượt truy cập vẫn tăng lên hàng ngày, hàng giờ.

8. Bộ sưu tập tem về đề tài Phật giáo nhiều nhất

Đây là bộ sưu tập tem của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc (Tp. HCM), được sưu tập công phu trong 10 năm. Bao gồm 24 khung tem theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng cộng có 384 trang khổ 23x29mm.

Bộ sưu tập được thuyết minh chi tiết theo chủ đề. Tổng cộng có gần 2400 vật phẩm bưu chính thuộc 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có nhiều tem hiếm, tem dị bản (error), bì thư thực gửi quý hiếm, bản in thử (Proof), bản in đặc biệt (epreuve de luxe), block tem đặc biệt…

8 kỷ lục mới về Phật giáo Việt Nam - 7

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc bên bộ sưu tập tem khổng lồ của mình

Hình ảnh trên mỗi con tem được thiết kế và in ấn rõ ràng với màu sắc hài hòa, trên mỗi mẫu tem đều có những dòng chú thích thuyết minh để mọi người đều nắm rõ ý nghĩa của hình ảnh xuất hiện trên tem.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.T ([Tên nguồn])
Kỉ lục Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN