Thi riêng sau kỳ thi “3 chung”

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố lịch thi ĐH, CĐ năm 2014 và các thay đổi về chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhất là thi riêng thì vẫn chưa có phương án cuối cùng.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014 tổ chức ngày 28-12, nhiều vấn đề quan trọng về tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chốt lại.

“3 chung” theo 3 đợt

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết từ năm 2014, các trường tự chủ tuyển sinh theo lộ trình 3 năm nữa kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và ngày thi, sử dụng chung kết quả thi) sẽ chấm dứt.

Trong năm 2014, lịch thi “3 chung” vẫn gồm 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 4 đến 5-7 (thi ĐH khối A, A1 và V). Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý sẽ thi tiếp năng khiếu vẽ đến hết ngày 11-7. Đợt 2 từ ngày 9 đến 10-7 (thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu). Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi môn ngữ văn theo đề thi khối C; khối M thi môn ngữ văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi môn sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi môn ngữ văn, lịch sử theo đề thi khối C). Đợt 3 thí sinh dự thi CĐ trong 2 ngày 15 và 16-7 ở tất cả các khối thi. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa sẽ thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21-7.

Thi riêng vào năm sau

Liên quan đến việc tuyển sinh riêng của các trường, ông Bùi Văn Ga cho biết các trường sẽ chỉ tổ chức thi tuyển sinh riêng tối đa 2 lần/năm với thời gian do Bộ GD-ĐT quy định. Để được tuyển sinh riêng, các trường phải cam kết bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch...

Thi riêng sau kỳ thi “3 chung” - 1

Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có phương án về thời gian thi riêng và sẽ tiếp tục nghiên cứu sau khi có nhiều ý kiến thống nhất chung, có thể sau 3 đợt thi chung của bộ thì đợt thi riêng sẽ vào tháng 1 hoặc 2 của năm tiếp theo để các trường chủ động trong tuyển sinh. Lịch tuyển sinh riêng có thể đưa vào bảng hướng dẫn tuyển sinh trong năm tới để có thể linh hoạt và thuận tiện hơn.

Trước phản hồi của phần lớn các trường ĐH về việc tiếp tục kỳ thi “3 chung” trong năm 2014, ông Bùi Văn Ga chia sẻ rằng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu 2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng và các ĐH trọng điểm phải đi đầu trong công tác tuyển sinh riêng. Về việc 17 trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng gửi đề án tuyển sinh riêng, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh các trường này gửi đề án  trước khi có dự thảo đề án của Bộ GD-ĐT nên phải điều chỉnh lại, với những trường đủ điều kiện thì Bộ

GD-ĐT sẽ công bố để có thể tuyển sinh riêng ngay trong năm 2014.

Mở rộng đối tượng ưu tiên

Bộ GD-ĐT cũng cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ bổ sung thêm các điều kiện về đối tượng ưu tiên. Cụ thể, đối tượng 1 trước đây chỉ yêu cầu có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì bổ sung thêm điều kiện “ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Ngoài ra, bổ sung các điều kiện thuộc đối tượng ưu tiên như thương binh  - bệnh binh, con liệt sĩ, người khuyết tật…

Về chính sách ưu tiên theo khu vực, Bộ GD-ĐT điều chỉnh đối tượng thuộc khu vực 1. Cụ thể, các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; các xã giáp biên giới, các xã hải đảo...

Bộ GD-ĐT cũng chính thức bổ sung thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức và đã tốt nghiệp THPT, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đoạt giải. Những thí sinh đoạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết liệt nhưng cẩn trọng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đổi mới giáo dục phải quyết liệt nhưng cần hết sức cẩn trọng, trí tuệ, khoa học. Hệ thống giáo dục ĐH trong nước đang như nhiều loại “ổ điện, phích cắm” khác nhau, từ hình thức thô sơ nhất là dây điện không có phích cắm như ngày xưa đến những loại hiện đại nhất. Các trường ĐH không theo chuẩn quốc tế chung thì làm sao hội nhập quốc tế. Theo đó, phải chuẩn hóa với một tinh thần quyết liệt, nhanh nhất có thể. Điểm đột phá của giáo dục không chỉ là thi cử mà còn phải là đổi mới quản lý giáo dục, trước hết là từ Bộ GD-ĐT. Phải làm sao để sản phẩm giáo dục ĐH tạo ra được đội ngũ lao động có năng lực cả về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng sống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Anh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN