Thầy giáo 18 năm “bám” đảo

Vì tình yêu biển đảo quê hương, lòng say mê nghề mà thầy giáo Trần Tiến Dũng đã xung phong ra huyện đảo Lý Sơn công tác. 18 năm trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhiều thế hệ đồng nghiệp luân phiên ra đảo công tác rồi trở về, bao thế hệ học trò nghèo đã được chắp cánh và trưởng thành… nhưng mong ước, nhiệt huyết được “bám” đảo gieo chữ của thầy Dũng vẫn không hề suy đổi.

Tuổi trẻ cống hiến

Quê gốc ở Nghĩa Hành- Quảng Ngãi, nhưng thầy giáo Trần Tiến Dũng lại sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên- nơi người cha tập kết gặp và xây dựng gia đình với người mẹ gốc Hà Nội.

Sau năm 1975, khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, thầy Dũng trở về Quảng Ngãi công tác. Những năm đầu đứng lớp, thầy Dũng được phân công giảng dạy tại trường Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Sau một thời gian giảng dạy trên đất liền, hưởng ứng chính sách luân phiên giáo viên giữa các vùng thuận lợi và khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi cùng sự kêu gọi giáo viên xung phong đến với những vùng khó, vùng biên giới, hải đảo thầy Dũng đã tình nguyện viết đơn xin ra đảo Lý Sơn công tác .

Thầy giáo 18 năm “bám” đảo - 1

Thầy Trần Tiến Dũng đã 18 năm gắn bó với sự nghiệp trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Văn Lê

“Tôi ra đảo Lý Sơn năm 1995. Hòn đảo với diện tích chưa đầy 10km và cách đất liền 30 km lúc ấy còn hoang sơ và nghèo lắm. Số giáo viên tình nguyện ra đảo công tác không nhiều nên còn thiếu một lượng lớn giáo viên cho giáo dục ngoài đảo. Trong khi đó, từ khi  nhỏ tôi đã rất yêu biển, đảo quê hương, yêu nghề dạy học, có sức trẻ... thế nên tôi đã tình nguyện ra đảo công tác mà không hề ngần ngại. Trong suy nghĩ để dẫn tới quyết định ra đảo công tác của mình, tôi chỉ cảm thấy háo hức và mong muốn được cống hiến công sức cho một miền đất đẹp nhưng còn hoang sơ và đầy rẫy khó khăn, còn những thách thức phải đối diện tôi dường như không nghĩ tới...”.

Với nhiều đồng nghiệp của thầy Dũng khi ấy, đã đánh giá về quyết định ra đảo công tác là “dũng cảm” nhưng trong thâm tâm mỗi người đều lo lắng ái ngại. Rồi ba mẹ, anh chị em, người thân cũng nói với thầy Dũng rằng “Đi lên miền núi dù xa xôi, hiểm trở thế nào thì đường xá giao thông vẫn còn thuận lợi, an toàn hơn con đường từ đảo vào đất liền”; Rồi “xin ra thì dễ xin vào thì khó...”. Nhiều lời can ngăn được đưa ra, nhưng lòng đã quyết tâm nên thầy Dũng vẫn chọn con đường ra đảo. Chỉ có một điều ngoài dự định trước khi bước chân ra đảo mà thầy Dũng không thể nghĩ tới ấy là sẽ gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người ở đảo Lý Sơn đến tận ngày hôm nay.

Thầy Dũng được phân công về dạy tại Trường THPT Lý Sơn (trường liên cấp 2-3). Tháng 11/2011 Trường THPT Lý Sơn chia tách, thầy Dũng được phân công  dạy tại Trường THCS An Vĩnh cho đến hôm nay.

Đất lạ “hóa” quê hương

Những ngày đầu bước chân lên đảo là những ký ức không thể phai mờ trong nghiệp giáo của thầy Dũng. Có trường lớp, nhưng bàn ghế, đồ dùng trang thiết bị dạy học gần như chẳng có gì. Chỗ ở cho những giáo viên ngoài đất liền vào công tác cũng khó khăn, 2-3 giáo viên ở chung trong một căn phòng chật hẹp, điện chỉ có từ 5h chiều đến 10h tối. Thế nên từ việc dạy học đến cuộc sống đều phải giảm thiểu.

Thầy giáo 18 năm “bám” đảo - 2

Nhiều thế hệ học trò Lý Sơn được thầy Dũng giảng dạy - Ảnh: Văn Lê

Mặt khác, thầy Dũng cũng nhận thấy học sinh trên đảo về cơ bản tương đối ngoan và hiền lành song các em có độ chênh lệch lớn về mặt nhận thức, kiến thức, các kĩ năng sống so với học sinh trên đất liền. Cũng vì nhận thức chậm và học không giỏi nên nhiều em không ham học, sẵn sàng bỏ học nếu gặp trở ngại khó khăn nho nhỏ nào đó. Điều này buộc người giáo viên phải dày công hơn với việc soạn giáo án ở nhà và giảng dạy trên lớp.

Không những thế thầy giáo phải thật sự gần gũi, nhẫn nại với học sinh. Không ít học sinh bỏ học, thầy giáo lại phải tới tận nhà 5 lần 7 lượt động viên gia đình giúp học sinh quay trở lại với trường lớp. Với phương châm vừa dạy vừa dỗ, thầy Dũng không chỉ gieo vào nhiều thế hệ học sinh trên đảo Lý Sơn những kiến thức cơ bản mà còn giúp các em nhận thấy tầm quan trọng của học tập trong tương lai, thổi vào các em sự đam mê và ý thức tự học. Thầy Dũng cũng thường xuyên lấy tấm gương học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt, những học sinh đã trưởng thành để lôi kéo động viên học sinh quan tâm chú trọng tới việc học tập. Đây cũng là cách làm hiệu quả, tránh được tình trạng bỏ học, trốn học khi bản thân học sinh không ý thức hết được tầm quan trọng của việc học tập.

Thầy Dũng nói vui rằng, khi lên đảo công tác, thầy đã phải nhiều lần tự “giảm sốc” cho chính mình bởi mọi thứ quá nhiều chênh lệch và khó khăn so với đất liền. Và liều thuốc “giảm sốc” hữu hiệu nhất cho bản thân thầy chính là tình đồng nghiệp, tình cảm thầy trò trên đảo vô cùng gần gũi thắm thiết. Phụ huynh học sinh cũng dành cho thầy cô giáo từ đất liền vào đảo công tác những tình cảm chân thành đặc biệt, tạo mọi điều kiện tốt nhất và có thể giúp đỡ giáo viên khi cần. Và ở nơi đảo xa này, mọi việc làm cho giáo dục đều cảm thấy có ý nghĩa bởi cuộc sống của người dân và học sinh trên đảo Lý Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với đất liền. Cũng chính vì vậy không chỉ riêng thầy Dũng, mà các đồng nghiệp khác càng muốn được cống hiến nhiều hơn nữa tâm sức của mình cho các thế hệ học trò trên đảo.

Hỏi thầy Dũng vì sao lại gắn bó với đảo Lý Sơn lâu đến vậy (18 năm) mà không xin trở về đất liền? Thầy Dũng nói rằng, đơn giản vì đó là “tình yêu” đối với biển đảo quê mình. Chẳng biết từ khi nào, những tình cảm gắn bó gần gũi, những ánh mắt thân thương của học trò và người dân trên đảo Lý Sơn đã trở nên quá quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống, suy nghĩ, ý thức của thầy Dũng. Cũng chính vì vậy mà nhu cầu trở vào đất liền sau nhiều năm gắn bó với đảo đã không còn.

“Giữa tôi và hòn đảo Lý Sơn này dường như có duyện phận không. Nên mỗi khi đi xa và đi lâu khỏi Lý Sơn tôi rất nhớ và muốn trở về. Lý Sơn từ lâu đã trở thành quê hương thứ hai trong tôi”. – Thầy Dũng chia sẻ, sở dĩ quá yên tâm công tác và sinh sống trên đảo nên mọi khó khăn thầy đều có thể vượt qua. 18 năm nay, thầy chỉ trở về đất liền mỗi năm từ 4-5 lần để thăm gia đình, cha mẹ, đi họp hành rồi lại trở về... “Tôi chỉ xa Lý Sơn khi đã hết thời gian cống hiến cho nghề giáo. Còn theo nghề giáo 7 năm nữa tức là còn được gắn bó với Lý Sơn 7 năm. Khi gắn bó với một vùng đất quá lâu như vậy, cứ nghĩ tới ngày chia xa đã thấy ngậm ngùi”.

Nếu được lựa chọn lại, anh có lựa chọn đảo Lý Sơn để lập nghiệp và gắn bó cuộc sống không? Không phải suy nghĩ nhiều, thầy Dũng đáp: “Chọn lại vẫn vậy thôi. Biển đảo quê hương đất nước mình đẹp lắm. Còn đóng góp được công sức ngày nào cho quê hương, đất nước, cho ngành giáo dục thì còn cố gắng ngày đó...”.

Rừng núi xa xôi hay biên giới, hải đảo... trên mọi miền Tổ quốc đang ghi nhận những cống hiến và hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp giáo dục của các thầy cô giáo. Tình yêu quê hương đất nước, yêu nghề đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách để bám trường bám lớp, mang con chữ, kiến thức tới cho người dân ở những nơi xa xôi khó khăn nhất. Ở đâu có người thầy, ở đó có ánh sáng văn hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sông La (Giáo dục & Thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN