Sinh viên lập nghiệp trên hè phố

Hiện nay, không ít sinh viên (SV) đã mạnh dạn lựa chọn vỉa hè là địa điểm để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. Nhưng "cuộc chiến vỉa hè” khi những cậu ấm, cô chiêu muốn tự lập không chỉ đơn thuần là đối mặt với bụi bẩn hay nắng gió, mà trên thực tế lại vô cùng khốc liệt, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua. Từ đó, khái niệm mới xuất hiện: sinh viên hè phố.

Kinh doanh để tự lập

"Dọc theo các tuyến đường như Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), hay vỉa hè của những khung đường như Chùa Bộc, Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) ngày càng xuất hiện nhiều "shop vỉa hè” bán các mặt hàng như quần áo, túi xách, các đồ vật nhỏ nhặt khác từ ví da, thắt lưng đến khẩu trang hay dây buộc tóc… hoặc cũng có những quán nước sinh viên mọc lên quanh các khu dân cư, quanh các trường đại học, cao đẳng.

Quán trà đá của chàng sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất Vũ Trọng Hải đã có mặt bên cạnh ĐH Thương mại được 3 năm nay. Anh cho biết: Đây là cửa hàng của một người quen sang nhượng lại với mức giá 500 nghìn đồng. Dù chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên vỉa hè, nhưng mỗi tháng mang lại cho anh từ 3 đến 4 triệu đồng, khoản thu này đủ để anh trang trải cho cuộc sống của mình mà không cần sự chu cấp từ bố mẹ. Vào mùa hè, thu nhập của quán dao động từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng mỗi tối; mùa đông từ 80 đến 120 nghìn đồng. Bên cạnh những gian hàng vỉa hè có tính cố định, còn có những gánh hàng hoa, quà đặc trưng của sinh viên thường chỉ được bày ra vào những ngày đặc biệt như 14/2, 8/3 hay 20/10… Thường chỉ xuất hiện với một chậu hoa hay những gói quà đơn giản bên lề đường, nhưng đây được coi là một trong những cách kiếm tiền nhanh của SV vào dịp lễ.

Sinh viên lập nghiệp trên hè phố - 1

Vũ Trọng Hải với quán trà đá cạnh Đại học Thương mại

Trái với suy nghĩ của nhiều người, khi mà một số lượng không ít chủ nhân của những gian hàng vỉa hè này lại thường là những SV có hoàn cảnh gia đình tương đối khá giả. Với sự năng động, việc đi làm thêm của họ không đơn thuần xuất phát từ việc gia đình không chu cấp đủ tiền học, tiền tiêu, mà xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân khác. Thanh (SV ĐH Sư phạm Hà Nội) là cô gái tiêu biểu trong số đó – một cô gái Hà Nội bươn chải trên vỉa hè đường Xuân Thủy với những chiếc nơ cài đầu chỉ có mục đích thỏa nguyện được niềm đam mê của mình. Chàng trai Lê Trọng Kiên (SV CĐ Kinh tế Kỹ thuật TƯ) thì vì lý do muốn hạn chế thời gian và việc sử dụng các khoản tiền vào việc chơi bời mà cùng nhóm bạn của mình tìm hiểu trên mạng, các diễn đàn rồi tập tành kinh doanh. Với Hải, ý thức về giá trị của sức lao động và những đồng tiền do chính tay mình kiếm ra là lý do khiến anh gắn bó với quán nước này. Chàng trai cho biết, trước đó anh cũng từng trải qua nhiều công việc part-time, từ việc bưng bê tại các quán cà phê, giao bánh pizza, đến việc làm bảo vệ hay thậm chí là bắn trần thạch cao. Anh nói: "Cũng đều là công việc part-time, nhưng nếu trước đây, mình đi làm thuê cho họ, sức lao động bị bóc lột thì bây giờ, mình không phải làm thuê cho bất cứ ai”.

Sống tự lập hơn và ít dựa dẫm vào những đồng tiền của bố mẹ, đó là mong muốn của không ít SV khi tự mình bươn chải nơi vỉa hè nhộn nhịp và xô bồ. Không chỉ là cách kiếm tiền, vỉa hè còn là trường đời dạy cho không ít "cậu ấm cô chiêu” những bài học kinh nghiệm đắt giá để vững bước vào đời.

Sinh viên lập nghiệp trên hè phố - 2

Vỉa hè Xuân Thủy là nơi đông đúc hoạt động mua bán

Chạy công an như "cơm bữa”

Suốt một khoảng thời gian dài, Hải luôn ở trong tình trạng chiến đấu với những cuộc tranh giành chỗ ngồi, có lần anh bị cả hội cầm đồ đến gây sự giành chỗ. Anh kể: "Hội cầm đồ ngay trong ngõ, mặc dù ngày ngày vẫn thấy mình đi ngang qua, nhưng trên suốt cả vỉa hè cạnh ĐH Thương mại, chỉ có mình là SV, nên muốn bắt nạt. Hồi đó chúng nó làm rất căng, dọa nạt, dọa đánh đập. Mọi sự hoạnh họe cũng xuất phát từ suy nghĩ đe nẹt những SV "dám bon chen” chốn vỉa hè. Nhường chỗ cho bọn du côn 2 ngày, Hải nói: "Bán trà đá không chỉ đơn giản là việc giành được chỗ và ngồi bán đơn thuần, với những người quá hiền lành thì ắt hẳn cũng khó có thể trụ lại được ở những chỗ bon chen như thế này”. Trong khi mình đã có thời gian bán ở đây lâu rồi nhưng vẫn phải nhờ đến người quen làm ở công an phường, bọn chúng mới thôi không hoạnh họe nữa.”

Công việc vỉa hè, bán mặt cho khói bụi với tiếng còi xe inh tai nhức óc suốt ngày, nhưng những câu chuyện tranh giành chỗ ngồi mà chàng SV ĐH Mỏ - Địa chất này kể khiến cho chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Anh cũng cho biết, quán trà đá của anh phải có đến cả trăm khách quen. Chính vì thế mà luôn phải duy trì sự có mặt đều đặn của mình tại đây, ngay cả khi trời mưa rét. "Nhiều lúc ngại dọn hàng ra lắm, nhưng nếu khách quen mà không thấy quán mình thì sẽ ngồi quán khác, cứ như thế thì nhất định sẽ mất khách”.

Nhóm bạn của Kiên có Bùi Đức Chính (CĐ Kinh tế Kỹ thuật TƯ) và Nguyễn Thị Kim Chi (SV CĐ Đại Việt) bán các loại túi giấy nằm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không nằm ngoài "cuộc chiến” này. "Thỉnh thoảng bọn mình còn bị các chú công an đuổi, một tháng cũng phải từ 4 đến 5 lần là ít. Cũng sợ lắm, nhưng mà bán hàng vỉa hè mà, chạy công an như một lẽ đương nhiên vậy”. Kim Chi cười nói. "có hôm cả nhóm hì hục vừa mới bày hàng ra thì ngay lập tức lại phải thu dọn lại, bởi vì công an phường đến…”

 Đặc trưng của những "siêu thị vỉa hè” (như cách mà Lê Trọng Kiên gọi vui về gian hàng của mình), hay những quán nước của SV là vô cùng gọn nhẹ, để tiện lợi trong việc bày hàng, thu dọn và chạy công an. Hải cho biết, mỗi tháng anh đóng từ 200 đến 300 nghìn tiền chỗ ngồi, mặc dù là thế nhưng đổi lại anh được "bảo kê” cho chỗ ngồi, hơn hẳn những gánh hành được bày ra nhưng luôn nơm nớp lo sự có mặt của công an. Thời gian gần đây, việc công an tuần tra, kiểm tra một cách sát sao vỉa hè, vì thế các gian hàng của SV dọc theo những tuyến đường như Chùa Bộc, Tây Sơn, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng… cũng trở nên thưa vắng hơn.

Cho đến nay, vỉa hè Hà Nội vẫn là địa điểm mưu sinh của không ít SV. Những câu chuyện vui buồn, và cả những cuộc giành – giữ chỗ ngồi vẫn diễn ra từng ngày. Và với mỗi câu chuyện như thế, đó chính là dấu ấn khiến cho cuộc đời SV trở nên thú vị hơn, cũng đồng thời là những mảnh ghép làm nên nét văn hóa rất đặc trưng của Hà Nội – văn hóa vỉa hè.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lưu Nhung (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN