Học nữ công theo sở thích

Một số trường có dạy các môn nghề để học sinh được cấp chứng chỉ nghề phổ thông do sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM tổ chức thi. Tuỳ theo kết quả, các em sẽ được cộng điểm thêm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, những ngành nghề do các trường dạy có khi không nằm trong sở thích của trẻ. Do vậy, nhiều phụ huynh nhân dịp hè sắp xếp cho con học thêm các môn nữ công các em ham thích.

Chị Duyên, làm việc ở bệnh viện Thống Nhất, nhận thấy con gái mình ham thích thêu thùa may vá từ lúc nhỏ nhưng cứ lần hồi vì thấy chương trình học của cháu trong năm đã quá vất vả. Hè này, chị sắp xếp lịch học thêm giãn ra một chút để đứa con gái 13 tuổi của mình có thời gian tham gia một lớp thêu tay hoặc may vá nào đó. Chị có đến các nhà văn hoá phụ nữ TP.HCM và các trường dạy nghề để tìm hiểu nhưng vẫn rất phân vân vì thấy hầu hết học viên ở đây là người lớn. Chị sợ cháu mau chán vì không có bạn cùng trang lứa học cùng dù theo chị, “các nơi này dạy rất chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, thực sự các em khoảng 15 – 16 tuổi hoàn toàn có thể theo học các lớp này nếu yêu thích và có năng khiếu. Với độ tuổi này, dù với quy mô nhỏ hơn, các câu lạc bộ, các cơ sở thêu may hay các buổi offline của các diễn đàn sẽ là nơi hướng dẫn tận tình, gần gũi cho các cháu những đường kim mũi chỉ ban đầu. Học phí các lớp may căn bản khoảng 500.000 đồng/khoá.

Vừa chia sẻ thú vui khéo tay làm những thứ tỉ mẩn vừa kết hợp kinh doanh, nhiều shop bán hàng lưu niệm, hàng handmade hay các câu lạc bộ tổ chức các buổi học rất phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên để tạo ra những món đồ xinh xinh như kẹp tóc, búp bê giấy, thiệp handmade, các sản phẩm đan móc, xếp giấy nghệ thuật và cả việc tái chế đồ cùng cũ thành những thứ hữu ích và đẹp khác. Học phí dao động trên dưới 100.000 đồng/buổi, thường đã bao gồm nguyên liệu. Với mô hình vừa bán vừa dạy, một số shop hoa cũng nhận dạy cắm hoa cho người yêu thích. Padma de Fleur là một trong những nơi như thế. Đặc biệt, ở Lena Faustina shop, các cháu có thể được học miễn phí đan móc, may ghép mảnh (quilt), thêu ribbon do một giáo viên người Nhật hướng dẫn.

Học nữ công theo sở thích - 1

Một lớp học may tại nhà văn hoá Phụ nữ. Ảnh: Thu Vân

Ở các công việc đòi hỏi sự khéo léo, có vẻ như người Nhật có chút ưu thế và rất biết cách khai thác. Overland Club là nơi bạn có thể cho con mình trải nghiệm quy trình tạo tác một sản phẩm gốm sứ do một nghệ nhân người Nhật hướng dẫn. Shirou Sensei lại là một nơi hướng dẫn nặn đất sét.

Cũng được xếp vào lĩnh vực nữ công gia chánh, “chuyên đề” nấu nướng, làm bánh cũng hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của phụ huynh lẫn các em gái mới lớn. Không nhất thiết phải trở thành một người làm bánh chuyên nghiệp, chỉ cần các em có thể tự tay làm vài món bánh yêu thích để cả nhà cùng thưởng thức. Nắm bắt được tâm lý này, trung tâm Nhất Hương mở khoá học chuyên đề làm bánh cho trẻ. Với 110.000 đồng/1 buổi, các cháu có thể học làm được hai món bánh, nguyên liệu và dụng cụ do trung tâm lo. Ở Tạp dề Kitchen Boutique, phụ huynh có thể hẹn ngày để con mình và các bạn tự tay làm một cái bánh sinh nhật trong ngày vui của cháu. Không mở lớp như các trường chuyên nghiệp, ở đây nhận dạy làm bánh cho từng nhóm một có cùng sở thích và thời gian phù hợp.

Các trường dạy nghề, trường du lịch, các trung tâm hướng nghiệp hầu hết là dạy nấu ăn chuyên nghiệp có vẻ không phù hợp lắm với các em học sinh muốn học thêm trong dịp hè. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu khó sắp xếp thời gian và chỉ cần biết nấu dăm món ăn hay vài loại bánh, các em và phụ huynh hoàn toàn có thể tìm hiểu công thức và hướng dẫn nấu ăn trong sách hay trên mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Hòa (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN