Kinh nghiệm thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM: Hiểu rõ thực lực, sẵn sàng cho lượt 2

Sự kiện: Giáo dục

Sau 150 phút “trầy trật” trong phòng thi, nhiều teen vì thiếu kinh nghiệm thực chiến nên xác định “đợt 1 coi như bỏ”. Vậy chúng mình có thể rút ra những kinh nghiệm gì để trở thành chiến thần cho đợt thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ 2?

“Lủng” ở đâu, “vá” ngay chỗ đó

Người ta thường nói: “Ngã ở đâu, đứng ngay chỗ đó”, nhưng với các teen tham dự Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG TP.HCM, đó phải là “lủng ở đâu, vá ngay chỗ đó”. Bởi vốn dĩ, bài thi ĐGNL không chỉ quan tâm đến kiến thức lớp 12 của học sinh, mà còn đòi hỏi thí sinh có kiến thức nền cả ba năm THPT vững chắc và cả kiến thức đời sống dồi dào.

Chính sự dàn trải “học hoài không hết đó”, teen chỉ có thể liên tục chinh chiến để biết bản thân đang “lủng” mảng kiến thức nào để “vá” kịp thời. Và kỳ thực chiến đợt 1 này khiến nhiều teen thực sự hiểu rõ mức độ “lủng” nhiều hay ít của bản thân, để từ đó thay đổi chiến lược nhằm đạt điểm cao hơn ở đợt 2.

Bạn Nhật Tân (Lớp 12, trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) tiết lộ: “Với mình, phần giải quyết vấn đề của môn Sinh là “ét o ét” nhất vì phần ngữ liệu với phần câu hỏi trắc nghiệm hầu như không liên quan gì với nhau. Để trả lời được phần này cần vận dụng khá nhiều kiến thức nền tảng trong chương trình và kiến thức đời sống. Vì vậy, mình dự định sẽ xem thêm các chương trình về lĩnh vực Sinh học trên điện thoại, ti vi để tăng độ dàn trải của kiến thức”.

Nhật Tân. Ảnh: NVCC

Nhật Tân. Ảnh: NVCC

Không chỉ gặp rắc rối ở tổ hợp Tự nhiên, nhiều teen còn “sẩy chân” ở tổ hợp Xã hội. “Tuy là dân chuyên Xã hội nhưng mình đã không khỏi chới với khi làm bài. Phần Địa lí đề hỏi liên quan đến các loại gió, phần Lịch sử hỏi về việc Pháp gửi tối hậu thư năm 1945 với yêu cầu gì, khu vực Mỹ La tinh trước thế kỷ XIX bị xâm lược bởi nước nào. Tuy nhiên, do các phần kiến thức này đều được học ở học kỳ I nên khá tiếc vì mình đã không trả lời chính xác được. Vì vậy ở đợt 2, mình sẽ không chủ quan mà học lại tất tần tật kiến thức, để dù đề có thế nào thì mình đều “xử đẹp” được hết!”, bạn Thủy Trúc (lớp 12, trường THPT Nguyễn Du) thể hiện sự quyết tâm của mình.

Thủy Trúc. Ảnh: NVCC

Thủy Trúc. Ảnh: NVCC

Không ít teen cũng dự kiến đề thi ĐGNL đợt 2 sẽ có xu hướng “khoai” hơn đợt 1. Vì khi thi đợt 2 đồng nghĩa rằng các bạn học sinh đã học đủ chương trình trên lớp, kiến thức mở rộng hơn và vì vậy mà độ khó cũng sẽ “nâng cấp” hơn. Đồng nghĩa rằng có nhiều chiến thuật mới để sẵn sàng “chinh chiến” cho ĐGNL đợt 2 là điều không thể thiếu.

Như bạn Minh Hiếu (lớp 12, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) dự đoán: “Mình nghĩ đề thi đợt 2 sẽ xoáy vào mảng Hóa hữu cơ lớp 12 (vì đợt 1 đã ra Hóa hữu cơ lớp 11 nhiều); Toán logic sẽ đổi sang các dạng khác như xếp hàng, vòng tròn; Lý lớp 11 sẽ xuất hiện nhiều (vì đợt 1 đã ra Lý lớp 12). Nhưng đề cũng có thể “đáo” lại nội dung đã hỏi”.

Minh Hiếu. Ảnh: NVCC

Minh Hiếu. Ảnh: NVCC

Cẩm nang sẵn sàng “thực chiến” cho đợt 2

Bên cạnh lỗ hổng về kiến thức, vấn đề phân bổ thời gian là một trong những vấn đề “nhức nhức cái đầu” với các sĩ tử. Nhiều bạn phải “ba phần bất lực, bảy phần như ba” khi đánh lụi hầu hết câu hỏi trong đề vì cạn thời gian. Bạn Nhật Tân chia sẻ: “Mình chỉ kịp dùng 90 phút cho phần ngôn ngữ và Toán - logic - phân tích số liệu, không đủ thời gian cho các môn còn lại. Cuối giờ còn tầm 30 phút thì còn tận 30 đến 40 câu giải quyết vấn đề nên mình lụi khá nhiều”.

Tương tự, bạn Trâm Anh (lớp 12 chuyên Văn, trường Trung Học Thực Hành - Đại học Sư Phạm, TP.HCM) cũng bộc bạch: “Thời gian 150 phút mình nghĩ dài nhưng thực chất với số lượng câu hỏi là 120 câu thì khi làm bài nên phân bổ thời gian cho hợp lý. Nếu mà nhào vô làm câu khó trước thì mình sẽ dễ bị hoảng và mất nhiều thời gian cho nó. Không căn chỉnh thời gian kịp thì mình sẽ không kịp làm những câu mình biết, như vậy đến khi nộp bài thì sẽ rất tiếc vì mình đã không làm những câu có thể lấy điểm được”.

Trâm Anh. Ảnh: NVCC

Trâm Anh. Ảnh: NVCC

Từ đó, Nhật Tân cũng cho biết mình sẽ rút kinh nghiệm cần suy nghĩ nhanh hơn, cải thiện kỹ năng đọc phần ngữ liệu, biết lựa ra những ý chính để không tốn nhiều thời gian hiểu các dữ liệu trong bài.

Một bí kíp ít nữa nằm ở… giấy nháp. Trâm Anh bật mí: “Dù là giấy nháp thôi nhưng mình nên trình bày thật gọn gàng, có sắp xếp, trình bày kỹ lưỡng để dễ thấy hướng đi làm bài hơn, nhất là phần Logic khi mình cần kẻ bảng, phân tích, so sánh. Ngoài ra mình cũng sẽ không mất thời gian đi tìm lại đáp án trong giấy nháp để tô kết quả nữa”.

Nhật Tân cũng chọn tận dụng kỹ năng tóm tắt đề và vẽ sơ đồ tư duy vào giấy nháp để đỡ tốn thời gian đọc ngữ liệu và không bị “lạc trôi” vào đề bài. Trâm Anh nói thêm về bí kíp tô đáp án, nên ưu tiên làm và tô đáp án song song với nhau: “Tìm câu trả lời rồi thì nên đánh đáp án luôn, chứ nếu làm hết rồi mới tô đáp án thì mình sẽ bị tâm thế gấp gáp, mình dễ tô lộn một câu rồi nó sẽ dẫn đến hiệu ứng domino mà mình tô sai hết những câu sau mà không kịp kiểm tra lại luôn”.

Để sức khỏe không lung lay trước ngày “ra trận”:

- Đừng thức khuya, ngủ muộn trước ngày thi để tránh bị mất sức, thiếu minh mẫn vào sáng ngày thi.

- Không bỏ bữa sáng! Không bỏ bữa sáng! Không bỏ bữa sáng! Chuyện quan trọng phải nhắc ba lần.

- Tự tin, bình tĩnh và lạc quan khi bước phòng thi để không bị “yếu vía” hồi hộp mà không thi được.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 đang dồn sức cho các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do các cơ sở giáo dục khác tổ chức nhằm có thêm cơ hội trúng tuyển đại học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trân Châu - Hạt Mè ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN