Ông đồ trẻ mang danh “Lão Trọc”

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Cứ tưởng cái tên “Lão Trọc” ấy là một ông đồ già có cái đầu… trọc lóc nhưng không phải.

Lão Trọc tên thật là Nguyễn Hữu Pháp (SN 1991, quê ở Đắk Lắk), vừa tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình - ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Lão có mái tóc khá dài, râu… dê để chỏm trông không lẫn vào đâu được.

Ông đồ trẻ mang danh “Lão Trọc” - 1

Lão Trọc tên thật là Nguyễn Hữu Pháp

Quất roi vào mông vẫn không bỏ vẽ 

Thực ra khi là sinh viên năm 2, vì muốn thay đổi phong cách nên lão đã cạo đầu trọc lóc, râu để chỏm, mặt lại già trước tuổi nên cái tên Lão Trọc gắn với lão từ đó. 

Ngay từ hồi tiểu học, Lão Trọc đã mê mẩn với việc vẽ vời. Năm học lớp 11, lão được một người thầy chỉ dạy cách viết và vẽ bằng cọ, và nhanh chóng thành thạo các quy tắc cơ bản của bộ môn thư pháp. Bức tranh vẽ phong cảnh nông thôn kèm theo hai câu thơ do chính lão sáng tác có chiều cao 2m, ngang 80cm là tác phẩm đầu tay. Hữu Pháp bắt đầu nuôi giấc mộng trở thành ông đồ viết thư pháp thực thụ, nhưng bị gia đình phản đối dữ lắm, vì nghề đó khó nuôi thân, không có tương lai.

 “Hồi đó, thấy mình cứ suốt ngày kỳ cọ viết bậy khắp tường nhà, mẹ la dữ lắm. Dù bị cấm nhưng mình vẫn trốn để học viết. Mình có thể viết bất cứ đâu, rảnh là mình cứ tập, từ ngoài sân đến cả trên tường, trên sách vở đều loang lổ. Mẹ bắt được đánh vào mông nhưng mê quá, không thể nào bỏ được”, lão nói. Thi vào ngành Kiến trúc công trình, lão càng có nhiều điều kiện học viết thư pháp. Tay nghề vì thế ngày càng “dẻo” hơn và cái tên “Lão Trọc” thư pháp ngày càng được nhiều bạn trẻ Đà Nẵng biết đến.

Thời sinh viên, Hữu Pháp từng là Chủ nhiệm CLB “Diễn họa tay” của trường ĐH Kiến trúc, đồng thời là một thành viên tích cực của CLB Nhân ái TP Đà Nẵng. Ngày 1/6/2012, CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng do Lão Trọc làm chủ nhiệm được thành lập, hiện CLB có 60 thành viên trong đó có 15 thành viên viết thư pháp chuyên nghiệp.

Cho chữ làm từ thiện

Khác với hình ảnh “phá cách” của các ông đồ tân thời áo phông, quần jean, cho chữ theo kiểu “thị trường”, Lão Trọc lại khá trung thành với bộ áo dài, cuốn khăn đóng. Với lão, đã biết bao lần cho chữ nhưng mỗi lần khoác lên mình bộ áo quần thầy đồ, lão như khoác lên một trọng trách mới, không tránh khỏi sự hồi hộp.

Ông đồ trẻ mang danh “Lão Trọc” - 2

Lão Trọc trong một lần cho chữ

“Với một người cho chữ, điều quan trọng nhất là phải giữ được phong thái của một ông đồ. Khi người xin chữ gọi mình là thầy thì mình cũng phải toát lên được phong thái xứng với cái chức danh ấy- Lão Trọc cho biết.

Đà Nẵng hiện tại có khoảng 15 ông đồ trẻ viết thư pháp chuyên nghiệp nhưng Nguyễn Hữu Pháp là người tiên phong và có lẽ cũng là người đặc biệt nhất, bởi chỉ cho chữ mà không bán chữ. Việc viết thư pháp của Hữu Pháp duy chỉ hai mục đích: Thỏa đam mê và làm từ thiện. Với Lão Trọc, viết thư pháp là cách để rèn giũa tâm hồn, thể hiện sự chiêm nghiệm cuộc sống vào trong từng nét chữ. Người cho chữ phải cho bằng cái tâm, cái đức và phải biết người mình cho chữ là ai. Tâm càng trong thì nét bút càng thanh và mềm mại. 

Học thư pháp được 10 năm, làm ông đồ cho chữ chuyên nghiệp đã hơn 3 năm nhưng các bức pháp của Hữu Pháp rất ít mang nặng tính kinh doanh. Hàng trăm bức thư pháp do anh viết được đem đi đấu giá nhiều nơi nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong ba năm trở lại đây, Hữu Pháp theo chân các CLB tình nguyện đến với những vùng quê nghèo như Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An để cho chữ cho người dân.

Nhiều lúc, Lão Trọc không giấu nổi nỗi buồn khi giá trị thanh tao của bộ môn thư pháp bị biến tấu đi nhiều khi có những bạn trẻ coi việc thư pháp là một nghề để kinh doanh, nghề “ăn xổi” để kiếm tiền.

“Viết thư pháp là phải có hồn cốt. Đáng tiếc là thời đại ngày nay, có khá nhiều bạn trẻ biết viết được thư pháp nhưng số người hiểu được mình đang viết cái gì lại rất ít. Các bạn đặt nặng vấn đề kinh doanh nên hiển nhiên chữ thư pháp không còn mang dấu ấn cá nhân và nhân cách của người cho chữ, mà giống như một cỗ máy photo, viết bức nào cũng giống bức nào.

Cũng vì lẽ đó, người xin chữ bây giờ họ xin các bức thư pháp về để trang trí thay vì để thưởng thức, đê hiểu giá trị của chữ nghĩa. Để có một bức thư pháp trọn vẹn cả phần hình thức và nội dung, các ông đồ phải cho chữ bằng 99% cái tâm của mình”- Nguyễn Hữu Pháp nói.

Sắp bước sang tuổi 24 nhưng sự chiêm nghiệm của lão về cuộc đời, về tham, sân, si có vẻ gấp nhiều lần số tuổi. Cho chữ đã lâu nhưng chưa bao giờ lão có thể định nghĩa được thư pháp là gì. Lão đến với thư pháp một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng như để đi tìm lẽ sống, hoàn thiện nhân cách trong từng nét chữ. Vì thế, trong hàng chục “ông đồ cho chữ”, cái tên Lão Trọc và chữ lão viết ra luôn rất riêng. 

Gắn bó với Đà Nẵng hơn 5 năm nhưng năm nay là năm đầu tiên Nguyễn Hữu Pháp ở lại thành phố này đón Tết. Anh bảo: “Tết là mùa của ông đồ, năm nay mình ở lại để mang lộc đến với mọi nhà. Đó là cái phúc lớn của một thầy đồ cho chữ như mình”. 

Để sống được với cái nghề “khó nuôi thân”, Nguyễn Hữu Pháp phải lấy nghiệp “dạy chữ” nuôi kiếp “cho chữ”. Hiện tại anh đang mở lớp dạy diễn họa tay cho các bạn trẻ có đam mê viết chữ. Số tiền kiếm được từ việc mở lớp sẽ dùng cho việc mua bút, mực, giấy và chi phí đi lại trong những lần đi xa về các địa phương làm từ thiện. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Phan (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN