Cái gốc nông thôn... mệt lắm!

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Đang ăn đừng cho tay vào miệng móc chân răng, gặm cục xương cho xong, chùi tay vào giấy rồi hãy cầm bát xới cơm cho chú.

Ngày giỗ bố, Dân đưa người yêu về nhà, rất lo. Mẹ anh con gái hàng phố, dẫu chẳng cọng giá cắn đôi nhưng mắm tép thịt luộc nhất định phải đủ hành hoa chuối xanh gừng khế. Trước cái nhìn xét nét của bà cụ, Nhạn dạ vâng đủ ý tứ, đi từ bàn nước xuống bếp xoay sở cùng em gái Dân cứ như không, lúc vào bàn không tranh ngồi đầu nồi cũng không khách sáo quá.

-    Thế nào mẹ?... Dân ngần ngừ sau khi đưa Nhạn về chỗ ở đậu.

-    Xinh xắn. Khỏe mạnh. Tướng ích tử vượng phu đấy. Kể con chọn cũng phải… nếu chỉ lấy mình cô ấy.

-    Mẹ bảo con phải lấy thêm vài cô nữa á… - Dân nói trong nỗi vui mừng.

-    Là cái gốc nông thôn. Mệt lắm.

Sau này, bao lần nữa, Dân “giải trình” cho mẹ gốc nông thôn càng cơ bản chứ sao. Nhà mình chả khổ vì lý lịch có chút sở hữu nhà đất đấy à, thời chiến dân thành thị chả về nú náu nông thôn thì ở đâu… Nhưng bà cụ chả nói thêm ngoài câu “Sống lâu mới biết!”.

Mẹ không phản đối. Đúng thế. Nhưng cái cách thưa gửi gia giáo lễ nghi khi ăn hỏi, nhời nhẽ trao cơi trầu dường như đã làm nhà gái phát khiếp, bố Nhạn có lúc lắp bắp gọi “bà” xưng “con”. Nhà trên miền đồi Phú Thọ, chả phải xa quá nhưng họ đi lại thưa vắng, mỗi đứa cháu ngoại ra đời đều chỉ mang gạo nếp, trứng gà xuống rồi về ngay vì “vội”. Gạo nếp ấy, mẹ Dân ninh với móng giò, sữa Nhạn tốt bời bời, Dân nhìn vợ hồng hào, da căng tỏa mùi ngầy ngầy, bên cạnh mẹ lụi cụi giặt đồ lót con dâu và tã cháu, thấy hạnh phúc vô tả. Mấy ai được vậy.

Rồi mẹ ốm liệt giường. Dân đi vắng luôn, Nhạn quần quật kiếm ăn, chăm mẹ chồng giường cứt chiếu đái chả nề hà. Năm năm giời cụ mới đi làm Dân phát khiếp, đến lượt mình chả bịn rịn lâu thế làm gì, phựt cái cho xong. Nghĩ thế và nể vợ lắm, như ngày trước đã biết ơn mẹ vô cùng.

Giờ thì con cái đã lớn. Nhà chả đại tướng đại gia gì nhưng ổn định, miếng ăn hằng ngày chả phải nỗi lo. Vào đoạn Dân đã phát tướng, trước bữa chiều ưa nhấm nháp ly rượu vang, hỏi vợ đang đi ra đi vào những câu biết ngay sẽ trả lời thế nào, thì có những chuyện xảy đến. Gọi là “kéo đến” thì ổn hơn, vì nó có từ từ, chả lớp lang to tát gì mà dâng mãi lên, không ngừng nghỉ một tị. Đều là từ đằng vợ. Làm Dân cứ nhớ, phải nhớ đến câu “gốc gác nông thôn” rất chi dùng dằng của mẹ.

Đầu tiên là từ con gái ông anh cả xuống ôn thi. Cao ráo, trắng trẻo, Phượng làm Dân khổ sở vì những gò đống cứ vun cao, lại hậm hực nghe nó bảo vợ: “Kem này mà cô cũng dùng á?”. Cả nhà thuê ô tô đi chơi, nó chả nói gì, đến lúc ra xe mới nhờ cô chú cho ra ga đón bà cô, họ rất xa bên mẹ ở Hải Phòng lên “rồi cho cô ấy đi nghỉ cùng”. Bà cô ấy mới mười tám nên Dân “chú cháu” ngon lành thì Phượng dứt khoát: “Cô bằng vai cô chú ấy, cứ gọi “anh chị” thôi”. Sau đó có thằng em họ “bắn ca nông” đến nhà, Dân bắt Phượng gọi “chú”. "Thế cô cháu hôm nọ có họ với chú đâu mà cháu bảo nó gọi chú bằng “anh”. Chú áp dụng đúng lệ làng cháu đấy”.

Phượng chịu cứng, nhưng xử ra lối nhà cô chú có nghĩa vụ đóng mọi khoản chi phí của mình, chả biết có ăn phải nhời nào từ ông bố ở quê. Phượng dốt lòi tĩ, chả chịu học, Dân biết chắc chả thể nào thi đỗ nổi nên hôm thi đại học nhờ người nhắc bài cho. Xã hội thêm con trí thức rởm nhưng anh tống được nó vào ký túc xá. Biết thế đã…

Cái gốc nông thôn... mệt lắm! - 1

Cũng chỉ vì vợ quá tốt bụng với con cháu mà Dân cảm thấy cuộc sống bí bức ghê gớm (Ảnh minh họa)

Hôm Phượng “biến”, nhà nhẹ nhõm hẳn. Sau cơn hổn hển, Dân thủ thỉ vào tai vợ: “Nó để quần lót trong nhà tắm cũng khổ mắt anh lắm”. Nhạn bảo: “Em biết. Mà thằng Kiên cũng lớn rồi. Em đã cãi nhau với anh cả về cái thói hỗng của nó. Mà nhà khó gì đâu. Ông ấy mua xe tay ga cho nó rồi”. Chuyện lắt nhắt về cô cháu gái đến đây là hết, vì suốt bốn năm đại học, Phượng chả léo hánh đến cô chú, ra trường chỉ nghe nói về chỗ kìa rồi chỗ kĩa kịa rồi, bắc bậc cao học rồi sắp thành bà tiến sĩ nữa không chừng. Được cái lấy chồng có mời, làm cô chú toi nửa triệu, mừng thôi chứ không dự.

Chị gái áp Nhạn quặt quẹo lâu vì chứng hậu sản, sau rằm tháng bảy thì “đi” hẳn, để lại lũ con rất tối tăm. Xót cháu mà chẳng thể trông vào ông anh rể nát rượu, Nhạn tuyên bố lúc đưa đám xong: “Dì sẽ có trách nhiệm với các cháu. Trước mắt con Nhài về nhà dì ở, thằng Tuyến thằng Tuyền chú Dân tìm cách cho đi xuất khẩu lao động”. Ông cả dằn bát loa: “Con bạc phước. Mồ cha không thờ đi thờ đống mối. Tao thờ ông bà mày không giúp con Phượng. Giờ nó trưởng phòng sắp Phó giám đốc rồi, có trắng mắt không!”. Nhạn độp ngay: “Nhà cửa với ruộng ông bà anh lĩnh cả, mỗi lần giỗ lại bắt góp, đòi nỗi gì. Mà chú Dân không nhờ người nhắc bài con anh có vào được đại học á”. Ông cả cứng họng, chú bác lơ đi như không nghe. Dân nhắc: “Thôi em…” rất chi nhẹ nhàng.

Việc lo cho mấy chị em mới mất mẹ tưởng nhọc mà hóa nhẹ tênh. Cũng là nhờ gia đình cô chú khá khẩm rồi. Tiền Dân đem về Nhạn mua đất làm nhà, tầng dưới dọn hàng tạp hóa, những bim bim sữa chua dẻo, ăn dỗ trẻ con được lắm. Chạy chọt ít lâu, đi những cửa biếu gói chè rất nặng kèm phong bì nhẹ tênh, Tuyến, Tuyền được suất lao động bên Hàn Quốc. Cũng chưa nhẹ người được, vì thằng anh có tính hung hăng háo thắng, chưa chắc sang nước người đã khép mình vào nếp được.

Phần Nhài thì đơn giản. Nói thế vì nó hợp ngay với sinh hoạt gia đình. Nhài to xương, chân tay quềnh quàng, thêm bố nghiện và thằng em lấc cấc nên đã ba mươi mà ở làng chả ma nào rước cho. Được cái là chăm chỉ, phụ cô bán “sốp” chậm nhưng chắc chắn. Buổi đầu về, Nhài giặt tay cả chậu quần áo, đem phơi, rồi thu lại một đống trong toa lét.

-    Cháu đem gấp bỏ tủ. Nhớ vuốt quần áo cho thẳng, tất lồng đôi nào vào đôi nấy đừng để lẫn.

Dân nhắc cháu, rồi kể lại với vợ, kèm câu: “Tự nhiên thành người hướng dẫn phong cách sống đô thị. Có những việc mình vẫn làm còn gọn hơn”. Nhạn bảo: “Thôi mà, cháu nó vụng thì mình bảo ban, rồi mới thành người chứ”. Anh chả thích thành “nhà giáo ưu tú”- Dân đáp: “Đến tuổi này chỉ thích làm người tự do không phụ thuộc cũng không phải dạy dỗ ai”.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo cứ phải kéo dài, vì cô học trò chả vứt đi đâu được. Nhưng có những việc Dân phải sang tai để vợ nhắc cháu, như đang ăn đừng cho tay vào miệng móc chân răng, gặm cục xương (sao mà nó thích gặm xương thế hả giời, răng khỏe, xin lỗi nhé, như răng chó sói) cho xong, chùi tay vào giấy rồi hãy cầm bát xới cơm cho chú.

Có những cơn cáu, cơn ngán ngẩm chợt đến rồi chợt đi, như khi món nào cũng bị mặn quá. “Nhà nghèo tốn muối, anh phải thương nó chứ”, Nhạn răn chồng, cũng chỉ một câu. Dân chịu ngay, cãi vợ một câu phải nghe thêm hai chục câu nữa, chả bõ.

Sự nghiệp hướng dẫn chỉ kéo dài vài tháng. Cậu Tuân ở cơ quan Dân gần năm chục mà chưa con, nghe mẹ già rất khát cháu, xúi con bỏ vợ. Chính Nhạn tìm hiểu, xếp đặt cho Tuân đâm sầm vào Nhài, rồi giáo đi giáo lại lấy cháu tôi đừng có hòng mà bỏ mà nghĩ đến con khác đấy nhé, mẹ xúi cấm có nghe nữa đấy. Làm cậu lái xe, vốn ngổ ngáo, hứa hẹn rối rít, đang “anh chị” với “em” xuống ngay vai “cháu”. Đám cưới diễn ra giản dị, Nhài về nhà chồng có kiềng vàng cho đỡ tủi thân, cô chú cho.

Tuyến trở về. Quá nhanh. Nhìn ông cháu vợ chồm hổm trong phòng khách, Dân ngao ngán. Cái mặt nó xấc láo quá. Tuyến chửi chủ Hàn Quốc ác, coi người lao động như con chó, mà bọn Đại sứ quán mình bên ấy không bảo vệ đằng mình. “Thế sao thằng Tuyền không phải về?”. “Nó chịu nhục được” – Tuyến chửi thề. “Chắc mày lại vô kỷ luật, giở máu anh hùng…”. Nhạn thấy chú cháu vào cơn khắc khẩu, gạt ngang để ăn cơm đã.

-    Thế là chị Nhài có nhà rồi nhỉ.

Câu nói của Tuyến làm máu thuyết phục trong Dân nổi lên. Đặt bát, cố ôn tồn: “Chị mày chả vào được đấy nếu thằng Tuân có con rồi. Mà giấy tờ có tên mình đâu mà bảo có nhà. Nhưng tính con Nhài nó thuận, chả như mày. Chú nói thật đấy. À, hồi chạy đi lao động Hàn Quốc có nhờ chú Biểu, chú ấy chả lấy gì. Tháng trước báo cho mày mẹ chú Biểu mất, mày bảo phúng hộ một trăm, chú cho cái gì thì cho chứ khoản này mày phải giả đấy”. “Chú nhớ dai nhỉ”, Tuyến rất thản nhiên làm Nhạn phải vào cuộc lần nữa.

Tuyến chưa làm lụng gì, ngày ngày ở nhà lần khân, thấy chú về vặn nhạc nhỏ lại, chửi ít đi. Nhưng cái mặt xấc láo không cất đi được. Mặt nặng mày nhẹ chuyển sang vợ chồng, khi Dân uống bia một mình, Nhạn bảo lấy cốc cho cháu uống với. Mà nó uống nhanh như chớp, vèo cái tớp hết già phần chai còn lại. Không nhịn được “chuyện nhỏ mọn”, Dân đem ra phàn nàn bị vợ dạy lại: “Em không ngờ anh tiếc cháu cốc bia”. Những buổi tiếp theo bia đắng không thể tả.

Mấy tối sau, vợ chồng đang nồng mặn, Nhạn thủ thỉ Tuyến ngủ dưới nhà mãi rất khổ, em tính để nó ở chung buồng với thằng Kiên. Không ngờ là cái đống đàn ông của ông chồng hiền lành dụi ngay xuống, cơn cục nổi lên: “Cô điên rồi. Làm gì có chuyện ấy!”. Hết điếu thuốc thì dịu xuống trong tiếng khóc dấm dứt của vợ:

-    Cô nghe đây này… Đây là những điều tôi đã nghĩ kỹ… Tôi ra ngoài đường thấy người ngoại tỉnh rất lộn xộn, đến cơ quan những chân chủ chốt không họ hàng thì cũng người làng sếp. Tôi chịu hết. Nín hết. Nhưng về nhà thì không thể! Con trai tôi sẽ nghe nhạc sến với những câu tục tằn của thằng Tuyến á? Đêm đêm ngửi rắm xịt với hơi mồm của nó á? Mà tôi ngờ cô tốt với mấy đứa cháu đến thế còn là vì tức ông trưởng chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn của ông bà. Tôi làm người tốt có chừng thôi. Một vừa hai phải thôi!

Những ngày sau đá thúng đụng nia, mây dông đùng đùng phóng chớp căng thẳng không thể tưởng. “Cuộc chiến” tạm kết thúc khi Dân cho Tuyến cái xe máy, anh sắp về hưu đi làm xe khách cũng được. Nhưng nó phải ra ngoài ở, không thì anh đi.


Từ ngày bắt xe khách đi làm, Dân hay la cà hẳn. Ngôi nhà yêu dấu không còn bình yên, người đàn bà mặn nồng đã thay đổi không thể tưởng. Chiều nay anh ghé bãi bia, một mình, chọn chỗ khuất nhâm nhi, củ lạc, ngoài kia, đường phố đang là chiến trường, những đấu sĩ hung hăng chèn lấn nhau từng nửa bánh xe.

Có bao nhiêu người từ thôn quê ra trong đó, ba hay năm triệu? Bao nhiêu góp cái tinh túy cho tỉnh thành, bao nhiêu thải ra cặn bã? Không có họ thì chết, mà có họ cũng chết. Nhưng chắc chắn là họ không yêu thành phố này bằng cái làng bé teo của họ. Thủ đô là mảnh ruộng lớn để khai thác cạn kiệt, chả có chuyện thâm canh chăm bón đâu. Hừ, vấn đề hay ho đấy chứ…

Đang “phát triển vấn đề”, bàn bên, cách chậu cây, có tiếng văng tục quen thuộc, nhận ra ngay của ông cháu vợ:

-    Mẹ nó chứ, dân Hà Nội đúng là nhẫn tâm. Sáng nay tao phải đánh nhau để tranh được một thằng già gần bằng thằng chú tao. Đang đi thấy con Mão xóm Bàng, tao bảo lên đi cùng, thằng già nhất định không chịu, bảo đã trả tiền để đi một mình rồi.

-    Họ ích kỷ cả, chả biết tình người là gì – tiếng con gái trẻ - Em đứng phát tờ rơi quảng cáo chỗ đèn đỏ, có đứa chưa xem gì đã vứt xuống đất. Quá tệ.
Ắng đi một lát, như ngậm ngùi với cô gái, rồi người thứ ba lên tiếng, giọng già dặn:

-    Trách móc gì chứ? Căm hận bọn người thành phố sinh ra đã sung sướng rồi rửng mỡ lên, muốn đuổi chúng về quê để mình thế chỗ chứ gì? Chúng bay cứ nghĩ xuẩn thế được bao lâu nữa? Đời giờ là cuộc chiến đấu nhá. Không thế được thì biến về quê đi. Đứa nào định về, hả?

Chả ai lên tiếng. Bên ấy nỗi nhớ thương xóm làng nghèo đói, thương phận mình ở quê ra đang tràn ngập. Để cho bên này lại phải thương cái thành phố của mình, tình thương cũng rất là ngổn ngang…

Truyện ngắn của Trần Chiến

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo (Theo Tuổi trẻ cuối tuần)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN