Vị chủ tọa trăn trở khi tuyên án ngược với cáo trạng truy tố (P.1)

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong phần tuyên trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng các bị cáo không phải trả tiền cho các bị hại, nhưng vị chủ tọa phiên tòa tuyên ngược lại.

Vị chủ tọa trăn trở khi tuyên án ngược với cáo trạng truy tố (P.1) - 1

Thẩm phán Lương

Thẩm phán Tạ Gia Lương, Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ là một con người cương nghị, điềm tĩnh không chỉ trong lời ăn tiếng nói mà còn thể hiện qua phong cách làm việc.

Chỉ hơn một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông luôn tâm niệm, ngày nào còn ngồi ghế thẩm phán xét xử thì ngày đó phải thực hiện theo đúng lời dạy của Bác: "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư". Những ngày cuối năm, dù công việc bận bịu, Thẩm phán Lương vẫn thu xếp thời gian ngồi trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin về những câu chuyện nghề của mình.

Thẩm phán Lương chia sẻ, trong 40 năm công tác, nhiều năm ngồi ghế chủ tọa phiên tòa, ông cùng Hội đồng xét xử đã đưa ra hàng nghìn phán quyết liên quan đến số phận của nhiều con người.

Trong thâm tâm ông luôn suy nghĩ, những con người đứng trước vành móng ngựa kia là để chịu trách nhiệm cho những tội lỗi mà họ gây ra, nhưng không vì thế mà mình xử tội quá nặng hay thiên vị với hành vi mà họ phạm tội được.

Vì thế, ông luôn đặt sự công bằng khách quan, xem xét đánh giá vụ án một cách bao quát toàn diện nhất để đưa ra phán quyết vừa có tình lại có lý. Chính vì thế nhiều lần, giữa chốn công đường mà HĐXX có những quyết định khác với đại diện VKS.

Thẩm phán Lương kể, có một vụ án mà ông ngồi ghế chủ tọa hồi giữa năm 2016 khiến ông có nhiều trăn trở. Đó là vụ án nguyên Chủ tịch xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) - Trần Thị Thắng và con trai là Nguyễn Mạnh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản của của 29 người dân với số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng.

Ngồi lật giở từng trang hồ sơ vụ án, Thẩm phán Lương cho biết, mặc dù không có chức năng tuyển dụng, đưa người sang Cộng hòa Síp lao động, nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2014, bà Thắng đã nhận gần 2,6 tỷ đồng của 29 người, với cam kết đưa họ sang nước này lao động. Trong số đó, 11 trường hợp đã xuất cảnh.

Tuy nhiên, điều kiện làm việc và thu nhập nơi xứ người không như những gì mà bà Thắng và Cường từng cam kết. Người lao động không được ký hợp đồng lao động, không được trả lương. Nhiều trường hợp đã phải ra trình diện với cơ quan công an nước sở tại hoặc tìm cách liên hệ với gia đình, người thân ở trong nước nhờ can thiệp để được trở về nước.

Tại phiên xét xử, nhiều nạn nhân là anh em, họ hàng làng xóm với bị cáo Thắng nước mắt lưng tròng khi “tố” hành vi phạm tội của mẹ con bị cáo này. Trong số những nạn nhân của đường dây lừa đảo này, Thẩm phán Lương nhớ trường hợp của vợ chồng chị Vũ Thị Hồng Hạnh, anh Trần Quốc Hoàn (trú ở huyện Lâm Thao).

Theo trình bày của chị Hạnh, vốn là chỗ họ hàng với bà Thắng nên khoảng năm 2014, khi biết gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bị cáo Thắng gợi ý “giúp” vợ chồng chị Hạnh sang Cộng hòa Síp làm ăn cùng vợ chồng con trai. Theo lời của bị cáo này thì nơi xứ người, vợ chồng chị Hạnh được ký hợp đồng lao động và mỗi tháng có thể kiếm được từ 15 đến 17 triệu đồng.

Để lo chi phí cho chuyến đi là 240 triệu đồng, vợ chồng chị Hạnh đã phải thế chấp “sổ đỏ”, vay mượn rồi đưa tiền cho bà Thắng. Sau khi nhận tiền, bị cáo Thắng bất ngờ cho biết, công ty may ở Cộng hòa Síp chưa tuyển người nên trước mắt vợ chồng chị Hạnh sang bên đó sẽ… làm vườn.

Sang đến nơi, vợ chồng chị Hạnh cùng một số lao động được đưa đến một trang trại hết sức vắng vẻ và phải làm việc từ 13-14 giờ một ngày. Đáng chú ý, toàn bộ giấy tờ tùy thân đều bị giữ. Theo lời kể của chị Hạnh, họ và những người khác phải làm đủ mọi việc để sống từ bón phân đến chăn dê, chăn cừu nhưng không được trả lương và cũng không có bất kỳ hợp đồng lao động nào.

Nghe 29 bị hại trình bày, ngồi ghế chủ tọa mà thẩm phán Lương không kìm được cảm xúc. Đa phần những người dân khó khăn muốn thoát cảnh vất vả mới nghĩ đến chuyện xa gia đình, vợ chồng xa nhau đến một chân trời mới kiếm công ăn việc làm những mong có nguồn thu nhập ổn định, nhưng thật không ngờ, lại vướng vào đường dây lừa đảo.

Tại phiên tòa, với những chứng cứ không thể chối cãi, các bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội. Các bị cáo phải trả giá cho tội lỗi, phải đền bù thiệt hại do mình gây ra.

Nhấp ngụm trà xanh, Thẩm phán Lương chia sẻ, trong vụ án này, liên quan đến trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND lại trừ cho các bị cáo một số khoản tiền như vé máy bay, tiền đi lại, sinh hoạt.

Tuy nhiên chủ tọa phiên tòa thấy rằng, đặt trong mối quan hệ lôgic của vụ án thì các bị cáo đã có ý định lừa đảo từ đầu khi thu tiền, ngụy tạo giấy tờ, vẽ ra viễn cảnh làm việc để dụ người dân từ Phú Thọ vào TP. HCM chờ đợi, vì thế các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại.

Quan điểm này trái ngược với quan điểm của VKS, nhưng mình thấy hợp tình hợp lý và đúng với quy định pháp luật thì mình không thể làm khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Hòa (Người đưa tin)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN