Xét nghệ nhân: Tránh "sống lâu lên lão làng"

“Cần đặc biệt chú trọng xét tặng về năng lực sáng tạo và tài năng, không nên căn cứ vào tuổi tác, thời gian, để tránh tình trạng 'sống lâu lên lão làng'” - ĐBQH Phạm Thị Trung (Kon Tum) nói tại phiên Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, ngày 18/6.

Mười năm chưa xét một nghệ nhân nào

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, gần 10 năm Luật Thi đua, khen thưởng có danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, nhưng chưa tổ chức xét và tôn vinh một nghệ nhân nào, nay lại tiếp tục sửa đổi và bổ sung.

Ông Minh đề nghị khi sửa đổi, bổ sung luật được thông qua và có hiệu lực cần phải được thực hiện ngay việc xét tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Theo ông Minh, dẫu chậm nhưng việc tôn vinh các nghệ nhân sẽ được xã hội đồng tình và đáp lại lòng mong đợi của từng nghệ nhân.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) đề nghị sớm xét và trao danh hiệu này, đồng thời nghị định hướng dẫn cần tinh giản, phù hợp với đối tượng có tính đặc thù trên.

Xét nghệ nhân: Tránh "sống lâu lên lão làng" - 1

Đại biểu Trung nêu thực tế, Nghệ nhân dân gian là những người lao động, sáng tạo trong môi trường sinh hoạt cộng đồng, họ không tham gia đào tạo trường chính quy, cũng không thuộc biên chế tổ chức nhà nước. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc số hóa, lượng hóa thời gian làm nghề đối với Nghệ nhân dân gian là 25 năm, Nghệ nhân ưu tú là 20 năm giống như các danh hiệu nhà giáo, thày thuốc, nghệ sĩ... là thiếu thực tế.

“Nghệ nhân có đặc thù riêng, phần lớn họ được chân truyền và thực hành từ khi còn rất nhỏ, lấy gì để làm căn cứ thời gian hành nghề của họ? Trong khi đối với nhiều người đến năm sinh của mình còn không nhớ chính xác”, đại biểu Trung nói.

Ở lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ, bà Trung cho rằng, hoạt động của nghệ nhân đồng thời cũng là một nghề mưu sinh. Tuy nhiên, có những lĩnh vực hoạt động của các nghệ nhân không thể xem là một nghề.

Ví dụ việc hát kể sử thi Tây Nguyên, di sản văn hóa độc đáo vốn được gọi là sử thi sống. Việc diễn xướng sử thi của nghệ nhân chỉ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cao đẹp của cộng đồng, không có bất kỳ lợi nhuận hay thù lao nào.

Vì thế, bà Trung đề nghị thay thuật ngữ "nghề" bằng thuật ngữ "lĩnh vực văn hóa phi vật thể" để đảm bảo bao quát các đối tượng nêu trong lĩnh vực.

Do vậy, đại biểu Trung cho rằng, cần đặc biệt chú trọng xét tặng về năng lực sáng tạo và tài năng. Không nên căn cứ vào tuổi tác, thời gian, để tránh tình trạng "sống lâu lên lão làng" hay bỏ lỡ cơ hội tôn vinh cần thiết.

Không nên viện dẫn các hội diễn

Đại biểu Trung nêu, dự thảo luật quy định "nghệ nhân là người tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong nước"; "Nghệ nhân ưu tú là người tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương".

“Tôi thấy rằng, quy định như trên chưa thật sự thuyết phục”, Phạm Thị Trung nói.

Bởi với một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam liệu có thể xác định được loại hình văn hóa nào ảnh hưởng chỉ trong phạm vi địa phương và loại hình văn hóa phi vật thể nào sẽ có phạm vi ảnh hưởng tầm quốc gia? Tính đặc thù và cả tính vùng của di sản rất cao, việc đánh giá một di sản văn hóa nào đặc biệt hơn di sản văn hóa khác cũng là điều không nên.

Theo đại biểu Phạm Thị Trung, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thường là vai trò quản lý của nhà nước.

“Hơn nữa tiêu chí nào để xét nghệ nhân đó có tầm ảnh hưởng trong phạm vi cả nước hay địa phương? Không lẽ chúng ta lại viện dẫn đến các hội diễn cấp vùng, miền, toàn quốc vốn được tổ chức định kỳ”, bà Trung nói.

Đại biểu này đề nghị xem xét, tập trung vào các tiêu chí nổi bật như tài năng của nghệ nhân, thành tích trong bảo tồn và phát huy di sản và sự suy tôn của cộng đồng...

Không khen thưởng đại biểu Quốc hội

Theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), nguyện vọng được tuyên dương, khen thưởng của một số vị đại biểu Quốc hội là nguyện vọng chính đáng.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng khi được người dân bầu ra, đứng danh là một vị đại biểu Quốc hội, đấy là một danh dự. Cụ thể, đại biểu Ngũ cho rằng không còn danh vị nào có thể vinh danh hơn được. Vì thế, cho nên đặt vấn đề khen thưởng các vị đại biểu Quốc hội, ông Ngũ cho rằng “thấy rất phân vân”.

Đánh giá thế nào giữa các vị đại biểu Quốc hội? Ông ngũ cho rằng, các vị đại biểu Quốc hội đều phải có trách nhiệm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, không có lý do gì đại biểu A làm không tốt, đại biểu B làm tốt.

Nếu đại biểu đã làm không tốt thì dân có quyền miễn nhiệm và miễn nhiệm đó là hình thức kỷ luật nặng nhất và cũng là một hình thức duy nhất đặt ra đối với vị đại biểu Quốc hội khi người dân thấy không xứng đáng.Bởi vậy, theo đại biểu này, không nên đặt vấn đề khen thưởng đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN