Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm

Được bố trí cả một hệ thống các chốt chặn kiểm lâm dày đặc, thế nhưng rừng nghiến ở lõi vườn quốc gia Ba Bể vẫn bị tàn phá. Lâm tặc vẫn ngang nhiên vận chuyển gỗ nghiến về xuôi như chỗ không người.

Con đường vận chuyển gỗ lậu

Theo điều tra của chúng tôi, tất cả nguồn gỗ từ rừng quốc gia Ba Bể sau khi bị chặt phá đều được vận chuyển về một đầu mối duy nhất. Người thâu tóm toàn bộ gỗ nghiến ở đây có tên là Tuấn V..

Vì sao Tuấn V. lại có thể làm mưa làm gió, thâu tóm toàn bộ quyền lực, trở thành đầu mối thu mua duy nhất, trở thành “ông chủ” của khu rừng nghiến ở Bắc Kạn?

Vì sao Tuấn V. có thể qua mặt được hệ thống các chốt chặn kiểm lâm để thuê người đốn hạ và vận chuyển gỗ nghiến trót lọt? Vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại trong những loạt bài sau.

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 1

Một xưởng chế biến gỗ của đại gia Tuấn V. được canh chừng hết sức nghiêm ngặt. Phía trong xưởng gỗ này có bao nhiêu là gỗ nghiến khai thác ở rừng quốc gia Ba Bể đang là một dấu hỏi

Được biết, để có được khối lượng gỗ nghiến lớn, chủ gỗ thuê người len vào lõi rừng để tìm kiếm cây gỗ đạt chất lượng.

Cây nghiến rơi vào tầm ngắm phải đạt các tiêu chí như: đường kính phải từ 80-100 cm, ruột không bị rỗng và lệch tâm. Sau khi đánh dấu các cây chuẩn bị đốn hạ, lâm tặc sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp và dùng cưa xăng đốn hạ.

Có một điều bất di, bất dịch là toàn bộ cây gỗ nghiến đều bị đốn hạ trong đêm. Trời mưa lại là thời gian lí tưởng nhất.

Lợi dụng lúc lực lượng bảo vệ Vườn sơ hở, lâm tặc sẽ xuyên vào rừng sâu, mang theo cưa xăng để đốn hạ. Thông thường, một nhóm đi cưa gỗ từ 4- 6 người. 2 trong số đó trực tiếp cầm cưa xăng để chặt cây, số còn lại được phân công các vị trí thích hợp để cảnh giới. Nếu thấy người lạ mặt xâm nhập vào, 'chim lợn' sẽ tìm cách thông báo để trốn khỏi sự truy đuổi của lực lượng làm nhiệm vụ.

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 2

Một cây gỗ nghiến bị triệt lâm tặc triệt hạ

Việc đốn hạ một cây gỗ nghiến diễn ra rất nhanh. Thời gian để 'làm thịt' một cây nghiến thường chỉ diễn ra từ 10-20 phút. Chỉ việc cưa đổ 1 cây nghiến, lâm tặc đã được trả tiền công từ 500.000 – 1 triệu đồng.

Sau khi đốn hạ xong, lâm tặc sẽ về báo cáo lại với chủ đầu nậu vị trí địa điểm đốn hạ. Chọn thời điểm thích hợp, chủ đầu nậu lại thuê một nhóm khác vào để xẻ gỗ nhỏ ra theo từng thớt. Mỗi thớt có độ dày từ 20-30 cm. Thông thường, một cây nghiến tốt có thể xẻ được từ 50-80 thớt.

Công việc vận chuyển gỗ nghiến ra khỏi lõi rừng lại thuộc về một nhóm người khác. Nhóm người này sẽ dùng gùi, men theo đường rừng để tập kết gỗ về một địa điểm ở bìa rừng. Từ đây, gỗ có thể được vận chuyển về các xã lân cận vùng lõi rừng quốc gia như Nam Cường, Xuân Lạc…

Gỗ sau khi được đưa đến bìa rừng sẽ được tập kết ở những địa điểm cố định. Những binh đoàn xe máy sẽ được đầu nậu trực tiếp thuê để vận chuyển gỗ về cất giấu ven đường 254.

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 3

Gỗ nghiến sau khi bị đốn hạ sẽ được cưa thành từng thớt để dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ

Theo như Th - một người dân chuyên đi chở gỗ thuê ở xã Nam Cường thì 2 đến 3 giờ sáng là thời điểm lí tưởng cho binh đoàn vận chuyển gỗ thuê hoạt động.

Để tránh lực lượng kiểm lâm phát hiện, cánh vận chuyển gỗ thuê này không dùng đèn xe máy mà chỉ dùng đèn pin. Những đoạn đường dốc thì cả đoàn tắt hết máy, thả cho xe trôi.

“Nếu bị phát hiện thì chúng tôi làm luật. Thông thường cứ 1 xe là làm luật 200 ngàn, bất cần biết xe đó chở bao nhiêu thớt gỗ. Trước, kiểm lâm làm luật như kiểu thu vé, cứ xe nào qua là đưa tiền. Sau này thì phải vào tận nơi đưa cho nó” - Th cho hay.

Gỗ sau khi được tập kết tại các địa điểm thuận lợi, chủ gỗ sẽ tiến hành thu gom và vận chuyển về thị trấn Bằng Lũng - huyện Chợ Đồn theo đường 254 bằng ô tô.

Thông thường, mỗi tháng, chủ gỗ ở Chợ Đồn sẽ thuê xe ô tô tải vào để gom hàng và đưa về xuôi. Từ Nam Cường, muốn đi ra Chợ Đồn chỉ có một con đường độc đạo - đường 254. Án ngữ ngay trên con đường này là 2 chốt chặn của lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn: Khu bảo tồn Loài sinh vật cảnh Nam Xuân Lạc (thuộc quản lý của Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn) và trạm Kiểm Lâm Bó Pie (thuộc Hạt kiểm lâm Chợ Đồn, Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn).

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 4

Xe biển xanh mà đầu nậu dùng để vận chuyển gỗ

Cũng theo Th, trước thì mỗi tháng chủ gỗ ở Chợ Đồn cho xe ô tô vào bốc gỗ 1 lần. Nhưng hiện nay, do lực lượng chức năng làm chặt, lượng gỗ không khai thác được nhiều như trước nên khoảng vài tháng mới có một chuyến xe.

Thông thường, mỗi chuyến xe, chủ gỗ chở được tầm 30m3 gỗ nghiến (tương đương với hàng ngàn thớt gỗ). Thời gian mà xe ô tô đi là khoảng 3-4 giờ sáng.

“Nếu không làm luật, không được kiểm lâm đồng ý thì xe ô tô gỗ lớn như thế không thể qua sào kiểm soát được. Vì từ xã Nam Cường về huyện Chợ Đồn, muốn vận chuyển gỗ bằng ô tô chỉ có một con đường duy nhất - đường 254” – Th. khẳng định.

Kiểm lâm và hệ thống thập diện mai phục

Theo như lời ông Nông Đình Khuê – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể thì đã có đến 14 trạm kiểm soát được dựng lên để ngăn chặn lâm tặc đột nhập vào vùng lõi vườn quốc gia triệt hạ gỗ nghiến.

Các trạm kiểm lâm này được đặt tại các xã thuộc khu vực vùng đệm và cả vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể. Ngoài trạm kiểm lâm tại Bờ Hồ (xã Nam Mẫu) thì những địa điểm lân cận, nơi giáp ranh với khu vực vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể như: Nam Cường, Xuân Lạc, Khang Ninh, Cao Thượng đều có các chốt chặn của lực lượng kiểm lâm.

14 chốt chặn, 43 cán bộ kiểm lâm được phân công làm nhiệm vụ giữ rừng - một con số lớn chưa từng thấy ở một vườn quốc gia. Tuy nhiên, gỗ trong lõi rừng Ba Bể vẫn bị đốn hạ ầm ầm.

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 5

Theo lời ông Nông Đình Khuê thì có đến 17 chốt chặn của Kiểm lâm được thiết lập để ngăn chặn tình trạng phá rừng và kiểm soát không cho gỗ tuồn ra ngoài

Ngoài lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Ba Bể, Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn còn tăng cường thêm các điểm chốt chặn để kiểm soát, không để gỗ lậu lọt về xuôi.

Tại các cung đường chính mà lâm tặc sau khi tập kết gỗ sẽ dùng ô tô để vận chuyển về xuôi, lực lượng kiểm lâm đã xây dựng hệ thống chốt chặn để kiểm soát.

Ngoài trạm Nam Cường (thuộc quản lý của Vườn quốc gia Ba Bể) còn có 2 chốt chặn thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn: Trạm Khu bảo tồn Loài sinh vật cảnh Nam Xuân Lạc (thuộc quản lý của Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn) và trạm Kiểm Lâm Bó Pie.

Như vậy, tính sơ sơ trên đầu ngón tay, có đến 17 chốt chặn của lực lượng kiểm lâm được thiết lập để ngăn chặn vấn nạn phá rừng và kiểm soát, không cho gỗ tuồn ra khu vực Chợ Đồn.

Xem lâm tặc "vượt mặt" kiểm lâm - 6

Với hệ thống lực lượng kiểm lâm dày đặc, thế nhưng rừng nghiến ở Vườn quốc gia vẫn bị lâm tặc tàn phá

Theo như một số người am hiểu về cung cách vận chuyển gỗ của ông chủ Tuấn V. thì gỗ sau khi thoát khỏi thập diện mai phục của lực lượng kiểm lâm thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Ba Bể và Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn sẽ được vận chuyển về Chợ Đồn.

Tại đây, gỗ sẽ được vận chuyển về xuôi theo 3 con đường: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cả 3 con đường này đều có các trạm kiểm lâm thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn.

Vì sao với hệ thống lực lượng làm nhiệm vụ, các chốt chặt kiểm lâm dày đặc như thế mà lâm tặc vẫn ngang nhiên đốn hạ và dùng ô tô vận chuyển gỗ về xuôi một cách trót lọt?

Vì sao ông trùm Tuấn V - người sở hữu cả những khu biệt thự triệu đô ở Hà Nội lại có thể dễ dàng tự tung, tự tác như thế mà không bị xử lý? Dư luận cho rằng: nếu không có sự tiếp tay của kiểm lâm thì gỗ không thể vượt sào, về xuôi một cách dễ dàng như thế.

Ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn nói: Để gỗ tuồn về xuôi, có thể có sự tiếp tay của kiểm lâm.

Chúng tôi cũng có nghe qua thông tin này nhưng không có căn cứ, bằng chứng cụ thể. Nếu đủ căn cứ có việc lâm tặc lót tay cho kiểm lâm, chúng tôi sẽ xử lý triệt để.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Sang (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN