Xe túc túc: Nhu cầu có thật?

Đề xuất đưa xe túc túc (tuk tuk) vào sử dụng ở huyện thị ngoại thành của Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra ngày 10/9 đã dấy lên nhiều quan ngại do ở Việt Nam vấn đề quản lý và ý thức trong giao thông còn nhiều hạn chế.

Chỉ sử dụng ở ngoại thành, nông thôn

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - người đưa ra đề xuất trên - nói: “Ý tưởng của tôi là muốn đưa xe túc túc vào hoạt động tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng nông thôn của cả nước chứ không đề nghị đưa xe túc túc vào khu vực nội thành”.

Theo ông Liên, loại xe này sẽ phục vụ bà con nông dân di chuyển và chở hàng hóa trên quãng đường từ nhà ra trung tâm huyện, hoặc giữa địa bàn các xã với nhau. Bà con nông dân muốn di chuyển cùng với hàng hóa vào thành phố cũng có thể sử dụng loại xe này để ra bến xe buýt hoặc bến xe khách, xe tải…

Ông Liên cũng khẳng định, đề xuất này không hề mâu thuẫn với nỗ lực loại bỏ xe 3, 4 bánh hiện nay. Loại xe túc túc mà ông đề nghị phải đảm bảo an toàn, được đăng kiểm, đăng ký.

Xe túc túc: Nhu cầu có thật? - 1

Xe túc túc ở Campuchia được sử dụng khá phổ biến

Thiếu tá Nguyễn Đăng Lâm - Đội phó Đội CSGT huyện Từ Liêm - địa bàn còn nhiều xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động trái phép - cho biết: “Chúng tôi rất quyết liệt xử lý xe 3, 4 bánh tự chế nhưng không thể triệt để được. Nhiều gia đình sau khi bị bắt lại đóng mới để hoạt động. Điều đó phần cũng nào thể hiện nhu cầu đối với loại xe vận tải nhỏ ở nông thôn”. Cũng theo thiếu tá Lâm, so với vận chuyển bằng xe máy thì việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, và người bằng phương tiện như xe lam hay xe túc túc là tốt hơn.

Cần phải nghiên cứu kỹ

Tuy nhiên, tiến sĩ Khuất Việt Hùng – giảng viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội lại cho rằng, Hiệp hội nên có những điều tra, nghiên cứu kỹ càng nếu không sẽ rơi vào “vết xe đổ” của xe lam trước đây. Theo TS Hùng, các vấn đề cần xem xét trước hết là: Điều tra nhu cầu thực tế của người dân, khả năng sinh lời cho cá nhân và tổ chức đầu tư loại xe này. Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm “xe túc túc” do Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra còn khá “trừu tượng”.

“Chúng tôi mới biết thông tin về đề xuất này qua báo chí. Sau khi chính thức nhận được bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến chính thức về vấn đề này”.

Ông Nguyễn Văn Lưu
Chánh Văn phòng Bộ Giao thông - Vận tải

Loại xe túc túc như ông Liên mô tả khá giống các mô hình xe kéo, xe đẩy 3 bánh đang được sử dụng phổ biến ở Thái Lan, Campuchia, Bangladesh- nhất là các khu du lịch. Tuy nhiên, ở mỗi nơi, hình dáng xe lại một khác: Có nơi là xe 3 bánh có ghế ngồi phía sau, có mui, có nơi lại là xe đẩy, chỗ ngồi phía trước. Như vậy, câu hỏi đầu tiên đặt ra, xe nào sẽ được coi là “xe túc túc chuẩn” để nhập? Ai sẽ đảm bảo sau khi cho xe túc túc lưu hành, các loại xe 3, 4 bánh quá đát đã từng bị cấm lại không “té nước theo mưa”?

Ông Nguyễn Võ Liễu - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì nhận định, phải xem xét các góc độ về nhu cầu, thói quen đi lại người dân, hạ tầng, thậm chí là chiến lược giao thông, thu thuế phương tiện. “Nếu nhập xe túc túc mà đánh thuế cao thì cũng không thể nhân rộng như xe tải, xe chở khách cỡ nhỏ hiện nay” – ông Liễu nói.

Ngoài ra, các chuyên gia giao thông cũng lưu ý thêm khía cạnh: Để ý tưởng đưa xe túc túc vào hoạt động sẽ phải qua một quá trình dài. Trước tiên là phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ vì luật hiện hành không có quy định nào cho loại xe này. Sau đó phải ban hành các quy định về phạm vi hoạt động, về đăng kiểm, đăng ký và giấy phép điều khiển loại phương tiện này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN