Xe cháy vì xăng dỏm, chập mạch và ẩu?
14h chiều nay (17/5), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức cuộc họp báo công bố chính thức kết quả nghiên cứu, xác định các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy.
Đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiên cứu trên là Sở KH&CN TP.HCM, đơn vị thực hiện nghiên cứu là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa lọc dầu, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Theo đó, trên kết quả nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu phân tích số liệu từ việc tiếp cận các vụ cháy và từ các cơ quan chức năng về các vụ cháy tại khu vực TP.HCM, nguy cơ hình thành các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy gần đây xuất phát từ các yếu tố:
Thứ nhất, việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha Methanol, Ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật sẽ gây ra sự rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá hủy hệ thống ống dẫn, hoặc do áp suất suất hơi cao hoặc do bất cẩn chủ quan của người sử dụng nguồn xăng rò rỉ này sẽ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ nóng sinh ra từ hoạt động của động cơ, hoặc ma sát hệ thống hãm… hay tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện…
Nhóm nghiên cứu công bố nguyên nhân cháy xe tại cuộc họp báo
Thứ hai, sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ gây lửa, đồng thời kết hợp sự có mặt của chất dễ cháy như các chi tiết bằng vật liệu nhựa trên phương tiện.
Thứ ba, các yếu tố khách quan hay chủ quan của người sử dụng, như gây nguồn lửa để các vật dụng dễ cháy nổ trong các vùng nóng cục bộ của phương tiện như quẹt gas, nước hoa, trong thùng chứa mũ bảo hiểm. Hoặc sự vướng víu các vật dễ cháy như bao nylon, vải vào bộ phận ống xả khói thải của động cơ.
Đặc biệt việc sử dụng xăng có chỉ số RON thấp như xăng RON 83, hoặc xăng pha Methanol, hoặc Ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu động cơ sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ và nguy cơ gây cháy tăng.
Đông đảo cơ quan chức năng và báo chí quan tâm đến cuộc họp công bố nguyên nhân cháy xe của Sở KH&CN TP.HCM chiều 17/5
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo đối với người sử dụng xe gắn máy là nên sử dụng nhiên liệu xăng phù hợp, đặc biệt là chỉ số RON, với tiêu chuẩn của động cơ theo khuyến cáo của nhà sản xuất (loại xe gì, bao nhiêu phân khối thì dùng xăng loại nào phù hợp). Không nên sử dụng nhiên liệu nào có nguồn bất hợp pháp hay loại phụ gia nào chưa được cơ quan chức năng cho phép sử dụng trên thị trường. Kiểm tra định kỳ phương tiện đang sử dụng, đặc biệt là phải quan tâm đến hệ thống truyền dẫn nhiên liệu và hệ thống điện của xe. Không được lắp thêm các thiết bị phụ trợ khác khi chưa cho phép của nhà cung cấp phương tiện, không chứa các vật liệu sễ cháy nổ trong thùng đựng mũ bảo hiệm…
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường công tác quản lý chất lượng nhiên liệu hiện nay trên thị trường. Xem xét bổ sung thêm một số tiêu chuẩn trong nhiên liệu xăng A92 và A95 hiện hành.
Cần chấm dứt lưu hành sử dụng xăng A83, vì đây là xăng có chỉ số Octan thấp, không phù hợp với động cơ mới hiện nay, dễ gây kích nổ, làm nóng động cơ, tăng nguy cơ cháy, đồng thời sự tồn tại của loại xăng này cũng tại điều kiện cho việc pha chế Methanol và để tăng RON. Cần nghiên cứu các tiêu chí kỹ thuật trong việc sử dụng nhiên liệu trong điều kiện khí hậu Việt Nam một cách phù hợp. Nhà sản xuất xe cũng cần có các tiêu chí kỹ thuật phù hợp khí hậu Việt Nam. Trong tình trạng hiện nay, Nhà nước nên thành lập mới hoặc bổ sung chức năng cho các đơn vị liên quan trong vấn đề cháy xe, nhằm xử lý ngay các vụ cháy xe xảy ra, công bố nguyên nhân rõ ràng.
Đối với nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu khuyến cáo phải có hướng dẫn cụ thể đối với người sử dụng về an toàn cháy nổ xe, đồng thời có cải tiến kịp thời và phù hợp với điều kiện Việt Nam, hạn chế tối đa nguy cơ cháy xe.
Nhà sản xuất cũng phải kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, xác định rõ từng nguyên nhân gây cháy cụ thể làm cơ sở cho việc thiết kế và cải thiện kịp thời đối với các phương tiện đang lưu hành và sắp sản xuất.
Sở KH&CN TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu nguyên nhân cháy trên xe ô tô, loại động cơ xăng và diesel, để đề xuất các biện pháp hạn chế tối thiểu các nguy cơ cháy xe ô tô. Ngàu ra, cũng sẽ nghiên cứu chuyên sâu về sự ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam, sự phù hợp của các động cơ lưu hành đến các vấn đề an toàn cũng như đảm bảo yêu cầu chất lượng của nhiên liệu, nhiên liệu sinh học.
GĐ Sở KH&CN TP.HCM: Tôi cũng không phân biệt được xăng thật, xăng dỏm Sau buổi họp báo công bố nguyên nhân cháy xe, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM. Theo kết quả nhóm nghiên cứu đưa ra, một trong những nguyên nhân cháy xe là do xăng kém chất lượng. Nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng xăng A83, mà dùng xăng A92 và A95. Vậy làm sao biết để người tiêu dùng biết đang mua xăng đúng A92 và A95, thưa ông? Bản thân tôi bằng mắt thường cũng không thể nào phát hiện đâu đúng là xăng chất lượng hay xăng kém chất lượng, đâu là xăng A92 hay A95. Điều này phải do sự kiểm tra thường xuyên và phải thật nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Điều còn lại là ý thức, đạo đức của người bán hàng. Ông có thể lý giải tại sao lượng Methanol nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến như vậy? Cần xem lại con đường đi của Methanol. Đề nghị đưa Methanol vào quản lý chặt chẽ bởi nó góp phần quan trọng vào việc gây giảm chất lượng xăng, rò rỉ ống dẫn, nguy cơ gây cháy cao. Không những người tiêu dùng thiệt hại về vật chất mà còn nguy hại đến tính mạng con người. Chúng tôi đề nghị cuối năm 2012 đầu năm 2013 chấm dứt xử dụng xăng A83. Theo ông, vì sao biết xăng pha Methanol hại như vậy nhưng người kinh doanh vẫn bán? Qua kiểm tra năm 2011, trong các trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, các mẫu xăng vi phạm đều có chứa Methanol. Xăng A83 pha Methanol vào thành xăng A9 thu được lợi nhuận khổng lồ. Những người kinh doanh đưa Methanol làm giảm chất lượng xăng, ngược lại tăng lợi nhuận kinh doanh đáng kể là có cơ sở. Như vậy xăng có phải là nguyên nhân chính gây cháy xe ? Không nên xem xăng vô can và cũng không nên xem xăng là nguyên nhân chính gây nên các vụ cháy xe. |