Xác định nguồn gốc bò tót “đại náo” sân bay

Theo thông tin chính thức từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT- Huế chiều 3/8, con bò tót vừa bị chết sau khi được giải cứu ở sân bay Phú Bài từng xuất hiện tại địa bàn tỉnh này từ 3 năm trước.

Trước khi kết quả xác minh xuất xứ con vật được công bố, nhiều ngày qua, tại TT- Huế rộ tin đồn bò tót xuất hiện tại sân bay Phú Bài là sản phẩm của hoạt động buôn lậu bằng đường bộ và cả đường hàng không.

“Mấy ngày nay, tôi có nghe tin đồn chú bò tót xuất hiện tại TT- Huế là do bị sổng. Xe container chở lậu bò tót bị bung cửa, con vật quý hiếm thoát ra ngoài rồi lọt vào sân bay Phú Bài… Đây là tin đồn thất thiệt!”, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TT- Huế, nói.

Vẫn theo ông Hoạch, lần đầu tiên, bò tót xuất hiện là vào tháng 10/2010, tại núi Động Hoàng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Bò lạ nhiều lần rượt đuổi dân chăn trâu và người đi xe máy trên các trục đường giao thông ven rừng.

Anh Phan Văn Tý (trú thôn Tân Ba, Thủy Bằng) là người báo cho cơ quan kiểm lâm tiến hành kiểm tra, tuyên truyền người dân không được bắn hạ con vật lạ.

Sau những cuộc di chuyển gây kinh hoàng cho người dân nhiều địa phương, đến ngày 24/7, bò tót đã bị lực lượng chức năng TT- Huế khống chế.

Xác định nguồn gốc bò tót “đại náo” sân bay - 1

Bò tót lững thững đi vào bãi đất hoang sau khi bị khống chế ngày 24/7

Theo ông Nguyễn Viết Hoạch, con bò tót này có thể bị lạc đàn hoặc do môi trường sống bị ảnh hưởng, nên di chuyển từ rừng tự nhiên xung quanh đến các vùng như đã nêu. Điểm dừng chân cuối cùng của bò tót trước khi bị chết một cách đáng tiếc là sân bay Phú Bài vào ngày 23/7.

“Cũng vì xuất hiện tại sân bay, nên còn có thông tin đồn đoán rằng, chú bò tót thoát từ trên máy bay xuống. Đến giờ, chúng tôi khẳng định, con vật quý hiếm này đến từ môi trường tự nhiên trong tỉnh”, ông Hoạch nói.

Trước những nghi vấn về cái chết của bò tót do dùng thuốc gây mê quá liều, ông Hoạch cho biết, con vật chết do nguyên nhân chính là bị kiệt sức, mắc bệnh đường ruột…

“Tôi khẳng định, bò tót bị chết không phải do thuốc gây mê, nó chỉ là một phần tác động theo kiểu giọt nước tràn ly như đánh giá từ chuyên gia của Thảo cầm viên Sài Gòn, sau khi con vật đã mắc bệnh và suy kiệt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Văn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN