Vụ lấy tài sản khi cưỡng chế nhà dân: Có dấu hiệu tội phạm

Sự kiện: Tin nóng

Công an TP Thủ Đức xác định và làm việc với năm người lấy tài sản của dân khi tham gia cưỡng chế nhà không phép.

Ngày 23-5, sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Tự ý lấy đồng hồ, nhẫn... khi cưỡng chế phá dỡ nhà dân”, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đang phối hợp cùng Công an phường Hiệp Bình Chánh làm việc với năm người lấy tài sản của người dân khi tham gia đoàn cưỡng chế nhà không phép.

Năm người được công an mời làm việc gồm ông R, ông L, ông C, ông T và ông X. Đây là năm công nhân, lao động tự do được UBND phường Hiệp Bình Chánh thuê để thực hiện tháo dỡ công trình không phép trên địa bàn.

Cưỡng chế sau nhiều lần vận động

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, thông tin: Công trình của ông Mai Văn Đ tại khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh là công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế của UBND quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức).

Đoàn cưỡng chế tập kết tài sản của gia đình bà C ở bãi đất trống và căn nhà bị phá dỡ (ảnh nhỏ). Ảnh: T.SANG

Đoàn cưỡng chế tập kết tài sản của gia đình bà C ở bãi đất trống và căn nhà bị phá dỡ (ảnh nhỏ). Ảnh: T.SANG

Trong năm 2020 và 2021, phường đã ba lần tổ chức thực hiện cưỡng chế nhưng gia đình ông Đ xin để tự tháo dỡ. Sau đó phường đã vận động, đồng thời thông báo thời gian tháo dỡ vào ngày 17-5.

Cũng theo ông Tuấn, sáng 17-5, tổ công tác tổ chức cưỡng chế theo kế hoạch và phường có thuê thêm năm lao động tự do để tháo dỡ công trình. Tại thời điểm cưỡng chế, ông Đ và gia đình không có mặt tại công trình vi phạm và khóa cửa bên ngoài.

Tổ công tác đã công bố quyết định, lập biên bản cắt khóa và di dời tài sản ra bên ngoài khu đất trống đối diện công trình vi phạm, phủ bạt lên trên để che chắn, bảo vệ tài sản.

Quá trình thực hiện có ghi hình và lập biên bản kiểm kê tài sản.

Trưa 17-5, bà HTBC, vợ ông Đ, trở về đề nghị UBND phường không di chuyển tài sản và các vật dụng ra khỏi khu đất, bà C nhận lại tài sản, tự chịu trách nhiệm quản lý và không khiếu nại. Tổ công tác tiến hành lập biên bản bàn giao tài sản, bà C đã ký tên vào biên bản với nội dung “đã nhận tài sản”.

Chỉ đạo công an phường tiếp tục làm rõ

Tuy nhiên, ngày 18-5, bà C có liên hệ tổ công tác báo mất một số tài sản. Qua kiểm tra rà soát, các thành viên tổ công tác của UBND phường xác định không có việc lấy tài sản của gia đình bà C. Tổ công tác phối hợp với cảnh sát khu vực mời làm việc với năm công nhân tham gia tháo dỡ công trình và sau đó các công nhân giao nộp tài sản đã lấy. Tổ công tác đã bàn giao lại cho gia đình bà C trong ngày 18 và 19-5. Thường trực UBND phường cùng tổ công tác, khu phố cũng đã tiếp xúc, xin lỗi gia đình bà C.

Hiện phường và công an phường tiếp tục triệu tập năm công nhân này đến làm việc, yêu cầu khai báo và giao nộp lại toàn bộ tài sản đã lấy của gia đình bà C.

UBND phường đã chỉ đạo công an phường tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các công nhân vi phạm theo quy định.

“Đối với các thành viên tổ công tác tham gia quá trình cưỡng chế, UBND phường đang yêu cầu làm báo cáo, rà soát lại quy trình, chấn chỉnh các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ” - ông Tuấn nói.

UBND phường Hiệp Bình Chánh cũng đã báo cáo vụ việc lên Thường trực UBND TP Thủ Đức, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thủ Đức nội dung trên.

Có dấu hiệu tội phạm

Theo luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi của đoàn cưỡng chế có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 355 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo quy định, người bị truy trách nhiệm hình sự về tội danh này khi giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người phạm tội đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội danh trong nhóm tội về xâm phạm quyền sở hữu. Đồng thời, người phạm tội phải có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội trước hết dựa trên cơ sở chức vụ, quyền hạn có thực của mình và đã vượt ra ngoài phạm vi của chức vụ, quyền hạn đó.

“Người phạm tội là thành viên của đoàn cưỡng chế, đã lợi dụng vị trí công tác và công vụ để lấy đi tài sản của người bị cưỡng chế. Đây là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi, xác định giá trị tài sản để xử lý đúng pháp luật” - luật sư Hải phân tích.

Nếu không bảo quản tốt tài sản, phải bồi thường

Theo ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, Điều 34 Nghị định 166/2013 quy định rõ: Nếu người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc từ chối nhận tài sản, tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Cơ quan tiến hành cưỡng chế phải thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản.

Đối chiếu với tình huống này, UBND phường có quyền cưỡng chế vắng mặt người vi phạm nhưng phải có trách nhiệm trông giữ, bảo quản tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế.

Cơ quan, cá nhân tiến hành cưỡng chế nếu không làm tròn trách nhiệm bảo quản tài sản, gây thiệt hại cho người bị cưỡng chế tất nhiên phải bồi thường.

“Theo thông tin ban đầu, thành viên của đoàn cưỡng chế đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật, do đó các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh và kết luận công khai, minh bạch để lấy lại lòng tin của người dân và chấn chỉnh hoạt động thực thi công vụ” - ThS Quang nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tự ý lấy đồng hồ, nhẫn... khi cưỡng chế phá dỡ nhà dân

Khi cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép, thành viên trong đoàn đã lén lấy tài sản, đến khi gia đình thông báo, phường mới đi tìm và giao trả từng món đồ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tự Sang - Trúc Phương ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN