Vụ chặn xe cưới đòi nợ nông thôn mới: Sao cứ phải né tránh lời xin lỗi?

Sự kiện: Thời sự Phú Yên

Trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn vẫn khăng khăng cho rằng chỉ thiếu sót chứ không có lỗi trong vụ chặn xe cưới đòi nợ nông thôn mới.

Trưa 1-11, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cùng đại diện HĐND xã đã đến nhà bà Nguyễn Thị Thu (gia đình bị chặn xe cưới để đòi nợ nông thôn mới mà Báo Người Lao Động đã phản ánh) để nói gia đình thông cảm khi để vụ việc xảy ra.

"Không phải xin lỗi mà chúng tôi xuống để nói cho gia đình thông cảm và gia đình cô Thu cũng vui vẻ. Trưởng thôn giờ cũng nhiều sức ép quá nên tôi nói với gia đình cô Thu thư thư vài bữa, trưởng thôn sẽ gặp và cô Thu cũng vui vẻ thôi" - ông Hải nói.

Trong khi đó, bà Thu cho biết gia đình bà rất bất ngờ khi lãnh đạo thôn Sơn Tây làm sai nhưng không đến xin lỗi mà lãnh đạo xã phải đến để nói lời thông cảm. "Chủ tịch xã nói với vợ chồng tôi rằng: "Thôi thì con dại cái mang, lãnh đạo thôn làm sai thì cháu xuống nói cô chú thông cảm trước". Tôi thấy bất ngờ. Lãnh đạo thôn sai sao không xin lỗi mà chủ tịch xã phải đến? Tuy nhiên, chủ tịch xã nói vậy thì thôi. Bỏ qua. Cũng không làm khó mấy chú ấy làm gì" - bà Thu nói.

Vụ chặn xe cưới đòi nợ nông thôn mới: Sao cứ phải né tránh lời xin lỗi? - 1

Hình ảnh ra đường chặn xe cưới đòi nợ nông thôn mới. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Đây là kết quả cuộc họp khẩn của Đảng ủy xã vào sáng cùng ngày sau khi cuộc họp thôn Tây Sơn nhằm tìm hướng giải quyết vào tối 31-10 bất thành, không thống nhất được ý kiến. Tại cuộc họp thôn này, bà Thu khẳng định việc chặn xe cưới của gia đình là do trưởng thôn tổ chức, có cả chứng kiến của bí thư chi bộ thôn. "Trưởng thôn tổ chức chặn xe cưới của gia đình tôi để đòi tiền giữa đường như vậy là cố tình bêu riếu, xúc phạm danh dự chúng tôi thì phải công khai xin lỗi. Thế nhưng, trưởng thôn nói rằng người dân chặn xe trước rồi thôn mới ra giải quyết, sẵn đó đòi tiền luôn nên không chịu xin lỗi. Tôi không ngờ họ lại né tránh trách nhiệm như vậy! Tôi chỉ cần một lời xin lỗi vì gia đình bị xúc phạm chứ không muốn làm khó ai" - bà Thu cho biết.

Sau cuộc họp, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trưởng thôn Phạm Văn Quảng chỉ thừa nhận có thiếu sót khi để xảy ra vụ việc và mong người dân thông cảm. Theo ông Quảng, lúc đó người dân trong thôn đã chặn xe cưới và buộc ông ra giải quyết. "Dân họ kéo ra trước rồi bắt mình làm như vậy. Họ đòi là phải thu tiền liền. Họ làm căng quá nên mình làm cái cam kết, để cho… có cái lệ, để cho… cô Thu đi qua thôi" - ông Quảng phân bua.

Trả lời về những ý kiến tiền hậu bất nhất của ông Quảng trong vụ việc này, ông Hải nói: "Tôi cũng có hỏi như vậy thì anh Quảng bảo bữa trước thông tin khi công việc cấp bách nên nói có những cái cũng khác, chưa cụ thể, cũng có thiếu sót". Ông Hải còn cho biết sự việc chặn xe cưới của gia đình bà Thu để đòi nợ từng được đưa ra trước đó. "Lúc đầu, thôn cũng có hướng đấy nhưng các cụ cao niên không cho" - ông Hải cho hay.

Về vụ việc này, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đang chờ báo cáo xử lý vụ việc của UBND huyện Tây Hòa để có hướng chỉ đạo tiếp. Trong khi đó, ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay đã có báo cáo gửi đến UBND tỉnh này.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-11, ông Nguyễn Phít, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Hòa, tỏ ra bức xúc. "Tôi đã bảo phải nhận lỗi đi, vậy mà cứ luẩn quẩn. Sáng nay, tôi lại nhắc tiếp nữa, nói với bí thư, chủ tịch xã đừng có làm việc đó. Phải có bản lĩnh của người cán bộ. Sáng mai, chúng tôi sẽ mời bí thư và chủ tịch xã xuống Huyện ủy làm việc tiếp, theo tinh thần là phải về nói với trưởng thôn và bí thư chi bộ mạnh dạn nhận lỗi" - ông Phít nói. 

Cho họ nghỉ luôn là tốt nhất

"Chúng tôi không có lỗi nên sẽ không xin lỗi". "Nếu buộc xin lỗi, sẽ viết đơn từ chức". Đó là ý kiến của bí thư chi bộ thôn và trưởng thôn Sơn Tây (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) về việc chặn xe cưới để đòi nợ nông thôn mới.

Liệu có cần phải đến mức căng kéo, quyết ăn thua đủ như vậy không? Đừng quên mình là cán bộ đảng viên, tự soi rọi thấy cách ứng xử với dân như vậy đã đúng mực chưa, thay vì cố chấp rằng không sai để không xin lỗi.

Đám cưới là việc hệ trọng của đời người, sao không để cho gia đình làm đám cưới suôn sẻ, sau đám cưới nói chuyện với gia đình về việc gọi là "nợ" tiền nông thôn mới, có sao đâu? Quyết đòi tiền, thu tiền ngay trên đường, trong ngày cưới, gọi là gì, nếu không nhân chuyện đám cưới để gây sức ép, muốn họ phải móc hầu bao ra đóng. Đó là cách ứng xử của những cái đầu nóng tầm nhìn hạn hẹp. Những chuyện tương tự đã từng xảy ra ở một số địa phương, như lên trụ sở UBND xã chứng giấy tờ đi xin việc, xin cho con đi học, bị yêu cầu phải nộp đủ các khoản phí, nếu không nộp thì không được ký. Mới đây là chuyện ở Hải Dương, phó chủ tịch UBND xã phê vào lý lịch của nữ cử nhân là "gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương". Sau đó, phó chủ tịch xã đã bị kiểm điểm, thành khẩn nhận ra sai sót của mình.

Hành vi chặn xe cưới, đòi tiền "nợ" nông thôn mới 1,5 triệu đồng, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, là "phản cảm", "vi phạm pháp luật", xây dựng nông thôn mới mà những người lãnh đạo thôn hành xử không xứng là con người mới. Đã thế, diễn biến gần nhất của vụ việc lại cho thấy cả ông trưởng thôn lẫn bà bí thư chi bộ thôn đều không có thái độ cầu thị và tinh thần phục thiện, mà quay qua đổ lỗi cho dân và cho rằng mình đúng. Không có thiện chí nên những buổi họp giải quyết bất thành và đẩy vụ việc đi xa hơn, hết sức đáng tiếc trong quan hệ hằng ngày giữa cán bộ thôn với người dân.

Trong đời sống, biết sai nhận lỗi cũng là một ứng xử nhân văn, chứng tỏ sự phục thiện. Con người có sai, sai thì sửa, mức độ sai còn chưa nghiêm trọng, còn khắc phục được thì căng thẳng làm gì. Làm cán bộ thôn rồi cũng phải về nghỉ, lúc đó nhìn mặt nhau sao đặng? Sao không nghĩ tới mà tránh để còn sống với nhau trong tình làng nghĩa xóm.

Các cơ quan hữu trách và tổ chức Đảng ở tỉnh Phú Yên sẽ làm rõ, phân tích cho họ thấy bản chất vụ việc để hành xử đúng. Sự khí khái là rất cần với cán bộ đảng viên trong những vụ việc chống tiêu cực, tham nhũng. Còn việc nhỏ trong sinh hoạt, hành xử hằng ngày với dân, đâu nhất thiết phải "khí khái" đến mức cực đoan. Nếu thực sự họ muốn nghỉ thì hãy cho họ nghỉ luôn, khi họ luôn muốn hơn dân và cố chấp.

Trần Đình

Gia đình không có 12 triệu đóng làm đường, xã phê “lý lịch xấu”

Theo anh Cường, chỉ vì gia đình anh chưa có tiền đóng góp làm đường liên thôn mà em gái anh bị Phó Chủ tịch xã bút phê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN