Vợ chồng chung sống 12 năm mới biết là chị em ruột
Với bất kỳ ai là người Việt Nam, thì câu chuyện về Hòn Vọng Phu có lẽ đều đã thuộc nằm lòng. Tưởng rằng câu chuyện tình yêu đẹp và buồn ấy chỉ có trong truyền thuyết, nào ngờ nó lại có thật trong đời thực khi hai chị em ruột lấy nhau, sinh con đẻ cái sống hạnh phúc với nhau nhiều năm trời rồi bỗng dưng tá hỏa khi phát hiện mình là chị em.
Câu chuyện có thật, ly kỳ và đầy nước mắt ấy xảy ra tại huyện miền núi An Lão (Bình Định) khiến không ít người rơi nước mắt cảm thương cho hai con người, hai số phận trớ trêu như thế.
Nghe câu chuyện thấm đẫm nước mắt và tình người này, tôi lặng lẽ tìm tới nơi khởi nguồn của hòn vọng phu thời hiện đại, như cái cách mà nhiều báo chí khi viết về đôi vợ chồng chị em này vẫn thường hay nói để tìm hiểu. Con đường vào nơi có câu chuyện gia đình vô cùng đặc biệt ấy cứ thôi thúc mãi những suy nghĩ vẩn vơ. Bởi biết đâu chuyện xảy ra chỉ là một tình huống oái oăm nào đó của cuộc sống và nếu có thật, chắc hẳn phải có một nguyên cớ gì đó mới dẫn tới bi kịch như thế.
Bà Miễu (phải) bao năm qua vẫn tảo tần lo cho gia đình. Ảnh T.G
Nỗi buồn chiến tranh
Đó là một ngôi làng của người H’rê yên bình và hiếu khách như bao ngôi làng khác ở vùng đất này. Thấy tôi hỏi thăm về ông Đinh Văn Miên (52 tuổi, hiện trú tại thôn 5, xã An Vinh, huyện An Lão, Bình Định) một trong hai nhân vật chính của bi kịch này, người dân trong thôn bùi ngùi hẳn. Ai cũng nói thương, ai cũng nói tội nghiệp cho hai số phận bi đát mà chiến tranh đã khiến họ phải chịu nhiều tai ương đến tận bây giờ vẫn chưa hết.
Tôi vào nhà ông Miên, một căn nhà cấp bốn xây khang trang, bên cạnh vẫn là một ngôi nhà sàn nho nhỏ theo đúng phong tục của người H’rê. Ở đó, ông Miên đang ngồi chơi với đứa cháu ngoại của mình. Phía dưới bếp bà Đinh Thị Miễu (54 tuổi, vợ và cũng là chị ruột của ông Miên) đang tất tả chuẩn bị bữa cơm chiều. Biết tôi hỏi chuyện của mình, ông Miên ngập ngừng như không muốn kể: “Buồn lắm! mình chẳng muốn kể nữa đâu! Thôi thì cái gì đã qua hãy cho nó qua đi. Tất cả cũng chỉ tại chiến tranh làm chia cắt mà thôi!”. Nhưng rồi, nghĩ ngợi một lúc, vít cong cần rượu xuống làm một hơi dài, ông Miên bắt đầu thủ thỉ.
Cách đây hơn 50 năm, những ngày chiến tranh còn ác liệt, người dân ở vùng núi An Lão, Bình Định phải hứng chịu những tai ương đạn bom, những mất mát chia ly. Những ngày ấy, giặc Mỹ thả bom ác liệt ở vùng núi An Lão (Bình Định) nhằm tiêu diệt các căn cứ cách mạng ở đây. Ngày định mệnh đến khi bà Đinh Thị Liếu là mẹ của ông Miên bị trúng bom khi đang làm rẫy, để lại chồng và ba đứa con. Sau đó chừng hơn một tháng, ông Đinh Văn Rớ là cha của ông Miên khi tham gia cách mạng bị địch bắn ở Phổ Cường (Quảng Ngãi) nên cũng theo vợ về với tổ tiên. Cả gia đình đang yên ấm bỗng dưng tan tác, chỉ còn lại Đinh Thị Miễu (8 tuổi) và Đinh Văn Miên (6 tuổi) trở thành những đứa trẻ mồ côi lang thang, trôi dạt về hai hướng.
Ông Miên ngậm ngùi: “Lúc ấy cha mất, mình và chị tuổi lại còn quá nhỏ, không có ai cưu mang, trong làng bị bom đạn cày xới, người làng cũng thất lạc hết cả, mạnh ai nấy chạy thôi. Lúc ấy, mình chỉ biết lên rừng tìm lá cây, trái dại mà ăn, xuống suối lấy nước mà uống. Cứ sống như con nai con hoẵng lạc bầy trên rừng ấy, thấy bóng người là sợ, là trốn vì tưởng là quân địch. Cứ thế nhiều ngày lắm, cũng chẳng biết chị mình ở nơi ngọn núi cánh rừng nào nữa mà tìm!”. Một lần trốn trong rừng, cậu bé Miên được một cán bộ phát hiện rồi đưa về nuôi, rồi sau đó vì điều kiện công tác, Miên được đưa vào sống cùng với những trẻ mồ côi khác nhưng ở tận bên huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cách xa gần trăm cây số.
Ông Miên (phải) bây giờ là trưởng thôn được mọi người kính trọng. Ảnh T.G
Ông Miên kể rằng thời kỳ ấy, do bom đạn chiến tranh, những đứa trẻ mồ côi như ông rất nhiều. Nhà nước đề ra chính sách mỗi nhà dân cưu mang từ một đến ba trẻ như thế. Ở đây, Miên được cho cái ăn, cái mặc tử tế rồi tham gia phong trào cách mạng của vùng. Tuy nhỏ người nhưng Miên rất lanh lợi. Hơn nữa, nỗi ám ảnh về bom đạn của kẻ thù cứ bám riết lấy suy nghĩ của Miên, nên Miên muốn làm được điều gì đó để trả thù cho gia đình, cho ngôi làng nay đã mất. Cứ thế, Miên thoăn thoắt như con sóc trên rừng, băng đèo vượt suối hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao.
Những năm tháng oanh liệt ấy của Miên đã được ghi dấu bằng huy chương Kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Sau giải phóng, Miên được đi học văn hóa ở trường Nội trú tỉnh tại huyện Tây Sơn. Lúc này, chàng thanh niên Đinh Văn Miên trở thành tâm điểm chú ý của nhiều cô gái trong trường nhờ tài ăn nói, ca hát và những chiến công khi còn tham gia cách mạng. Thế nhưng có lẽ tạo hóa đã trêu đùa với số phận của chàng trai ấy khi để cho Miên gặp lại và yêu thương chính người chị ruột của mình.
Trò đùa của số phận
Lại nói về người chị bị thất lạc của Miên, khi làng bị bom mỹ dội xuống tan tác, người làng bỏ chạy tứ tán khắp nơi, bà Miễu cũng lạc mất người em của mình không biết tìm nơi đâu. Ngày ấy, Miễu cứ đi mãi, đi mãi trong rừng vẫn không tìm được thứ gì bỏ vào cái bụng đói cồn cào. “Lũ làng cũng nghèo quá, đâu có ai lo cho mình. Lúc gặp may, mình bắt con cá, con cua dưới suối ăn sống. Cũng vì quá nhỏ, mình quên mất mình còn có một đứa em trai. Cứ thế, một mình đi, một mình cầm cự qua ngày. Rồi mình lại đi, lại tự tìm kiếm cho mình cái ăn và cơ hội được sống!”. Nghe ông Miên trò chuyện với khách, bà Miễu góp chuyện đời mình khi đã ngồi bên ché rượu từ lúc nào để lắng nghe.
Cứ thế nhiều ngày, Miễu đi và trôi dạt đến xã An Vinh rồi vào Huyện Đoàn An Lão xin miếng cơm, chén nước. Nghe kể về hoàn cảnh đáng thương của cô bé, những cán bộ ở huyện Đoàn đã nhận nuôi nấng, bảo bọc. Cuộc đời Đinh Thị Miễu từ đây được rẽ sang một trang khác. Miễu trở thành người của Huyện Đoàn, được đào tạo để sau này trở thành chị nuôi. Năm 1972, Miễu trúng đạn ở đầu gối khi đang đi đưa tin trên cánh đồng lúa. Vài tháng sau, Miễu được ra Bắc theo đợt tập kết để học chữ và chữa bệnh. Năm ấy, Miễu mới 13 tuổi. Đến năm 1975, cả nước tưng bừng mừng thống nhất, Miễu xin được về lại địa phương và tiếp tục được đi học văn hóa ở trường nội trú huyện Tây Sơn (Bình Định).
Có lẽ, tạo hóa đã đùa trêu với hai người, khi bao năm tìm nhau mà không gặp, đến khi gặp được nhau thì không nhận ra nhau là ruột thịt. Trò đùa của số phận đưa đẩy họ đến với nhau một cách hết sức tình cờ khi cả hai nhìn thấy nhau ở trường nội trú tỉnh. Gặp lần đầu nhưng ấn tượng khó phai, chàng thanh niên không quên được cô gái có nụ cười tươi như đóa hoa P’lang trên rừng và giọng nói dịu dàng. Có lẽ, duyên trời cũng đã định, cô gái cũng thầm yêu trộm nhớ chàng trai hiền hòa, lại còn có cái tài hát hay, tài hoa chơi giỏi các loại đàn Pơrưng, Pơring…
Ông Miên kể: “Hồi ấy mình đàn hay hát giỏi, các cô gái thấy mình thích lắm. Ai cũng muốn đan rổ cho mình, ai cũng muốn đeo gùi theo mình nhưng mình không ưng bụng. Thế rồi mình gặp bà ấy, mình đã xiêu lòng ngay từ lúc ấy mặc dù bả không xinh đẹp như nhiều cô gái khác!”, ông Miên cười nhẹ, chỉ về phía bà Miễu cũng đang ngồi cười thẹn thùng khi nhắc lại chuyện cũ. Bà Miễu bảo hồi ấy bà không đẹp như những cô sơn nữ học cùng trường khác. Lại bị tật ở chân nên đi đứng chậm chạp lắm. Vậy mà không hiểu sao, ông Miên lại ưng bà như thế. Ông Miên thì hay được các cô gái săn đón, trò chuyện, còn bà chỉ lủi thủi từ xa mà đứng nhìn thôi.
Ưng nhau là thế, sẽ là điều bình thường và là một cuộc tình đẹp nếu như không có sự trớ trêu kia, khi cả hai người đều không thể ngờ rằng dòng máu trong người họ lại đều cùng một huyết thống. Ngay cả lúc đã thương nhau rồi, hai người cũng ít kể cho nhau nghe về chuyện ngày xưa của mình. Ông Miên bảo giá như ngay từ lúc ấy, ông kể về gốc gác của mình, bà cũng kể về phận số của mình thì có lẽ hai người đã nhận ra nhau. Nhưng vì bản tính cả hai người đều ít nói, ít thổ lộ chuyện xưa cũ nên mới tạo nên nguồn cơn đầy bi ai đến thế này. “Nhưng âu cũng là số phận, cuộc đời ai có muốn như thế đâu!”, ông Miên kết lại một câu rồi rít một hơi thuốc dài. Ông đang nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc của mình, nếu như không có một sự kiện hy hữu thay đổi cả cuộc đời ông lúc ấy...