Virus Ebola nguy hiểm hơn HIV/AIDS?

“HIV có giai đoạn âm thầm, nhiều người nhiễm bệnh lâu không phát hiện trong khi đó, virus Ebola lây cực nhanh”.

HIV, virus Ebola đều không có vắc xin

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trước kia virus Ebola chỉ tồn tại trong địa phương nhưng hiện tại bệnh đã lan ra các nước khác. Virus Ebola lây mạnh, lây nhanh. Virus cũng có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc, tiếp xúc trực viếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh.

Trên thực tế, số người mắc virus Ebola tăng nhanh tại 4 quốc gia thuộc vùng châu Phi. Cụ thể:  Đến hết ngày 11/8, thế giới ghi nhận 1779 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Đặc biệt, WHO đã ghi nhận trên 200 cán bộ y tế đã lây nhiễm virus này.

“Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tử vong do virus Ebola lớn như thế chứng tỏ nó không còn khu trú trong địa phương nữa mà lan ra các nước khác trong đó Việt Nam rất có nguy cơ”, ông Phu nói.

Virus Ebola nguy hiểm hơn HIV/AIDS? - 1

Virus Ebola đang đe dọa toàn cầu.

Ông Phu đánh giá, nếu tỷ lệ tử vọng ở các nước nhanh như vậy chứng tỏ virus Ebola cực kỳ nguy hiểm. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nếu có ca bệnh, không thực hiện tốt việc cách ly sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 11/8 Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh dịch Ebola có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các bộ, ngành khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh do virus Ebola với quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

“Virus Ebola nay ở mức độ này, mai ở mức độ khác, cực kỳ nguy hiểm”, ông Phu lo ngại.

So sánh với đại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, ông Phu chia sẻ: Bệnh HIV còn có giai đoạn âm thầm, rất nhiều người nhiễm bệnh lâu mà không phát hiện. Hơn nữa, HIV lâu dần sẽ biến thành AIDS, không tử vong ngay. Riêng virus Ebola, bệnh lây nhanh, tử vong nhanh nếu không muốn nói là ngay lập tức.

Theo ông Phu, nhiễm HIV và nhiễm virus Ebola đều không có vắc xin dự phòng.

Nắm bắt diễn biến dịch bệnh quốc tế

Theo ông Phu, tại Việt Nam, điều kiện phản ứng tốt hơn nước các nước đang có dịch. Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đều tập trung phòng dịch. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh mới nổi như: SARS, cúm A/H5N1.

Ông Phu cho biết, sự chỉ đạo của Chính phủ, trong đó Bộ Y tế đã tham mưu cụ thể, đưa ra tình huống 3 tình huống. Tình huống 1: Dịch Ebola chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Tình huống 2:  Nếu Việt Nam xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng.

Virus Ebola nguy hiểm hơn HIV/AIDS? - 2

Theo ông Phu, Việt Nam rút kinh nghiệm từ quốc tế để phòng dịch tốt hơn.

Ông Phu khẳng định, đến nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, phối hợp với các bộ ngành hướng dẫn người dân phòng bệnh, hướng dẫn điều trị, hướng dẫn người dân.

Theo ông Phu, Việt Nam rút kinh nghiệm từ quốc tế để phòng dịch tốt hơn. Nhiệm vụ trước mắt, Bộ Y tế phải nắm bắt diễn biến dịch bệnh quốc tế để rút kinh nghiệm cho Việt Nam.

“Chúng tôi phải nắm tình hình phản ứng xem quốc tế thế nào, mức độ lây lan ra sao từ đó chia sẻ, đáp ứng cho từng tình huống”, ông Phu nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân nên bình bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa… Nếu có tiếp xúc với khách mới về từ nước có dịch thì nên cảnh giác. Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi.. thì nên đến cơ sở y tế kịp thời.

Bộ Y tế vừa thành lập Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC). Văn phòng này sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.

EOC Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ giúp đỡ thành lập, làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh khẩn cấp từ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế phục vụ cho việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp.

EOC có các trách nhiệm tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan huy động, điều phối các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động hoặc các cán bộ viên chức y tế từ các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh và các lực lượng có liên quan tham gia vào các hoạt động đáp ứng, phòng chống dịch bệnh khẩn cấp.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, văn phòng sẽ xây dựng kế hoạch, theo dõi, điều phối hoạt động giữa các Tiểu ban thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế để tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đáp ứng thích hợp trong các tình huống dịch bệnh khẩn cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN