Viện phí: Mỗi địa phương phê duyệt một kiểu
Cùng điều kiện kinh tế, xã hội như nhau nhưng nhiều địa phương đang phê duyệt mức giá viện phí rất khác nhau.
Điều kiện như nhau nhưng phê giá khác nhau
Ông Lê Văn Phúc, trưởng phòng BHYT (Ban thực hiện chính sách BHYT – BHXH VN) cho hay: Tính tới thời điểm này, bức tranh chung về giá viện phí tại 26 tỉnh, thành cho thấy: Có sự khác biệt lớn giữa giá thành của các tỉnh ở các vùng miền khác nhau và đặc biệt là ngay trong cùng một vùng, miền thì giá viện phí của các địa phương cũng rất khác nhau.
Nhiều địa phương cùng điều kiện kinh tế xã hội nhưng mức thu viện phí khác nhau hoàn toàn
Có thể lấy ví dụ: Trong khi Cao Bằng phê duyệt mức 93% của khung thì Lai Châu phê duyệt ở mức trên 70%, Thái Nguyên phê duyệt mức 69%, Bắc Kạn đang đề xuất mức 83%, …
Hay tại khu vực Tây Nguyên, trong khi Đắc Lắc đề xuất mức gần kịch khung, Gia Lai phê duyệt mức trên 80% thì Kon Tum chỉ phê duyệt mức 70%, Lâm Đồng ở mức 75%, …
Còn tại khu vực miền Trung, trong khi Nghệ An, Hà Tĩnh phê duyệt mức trên 70% thì riêng Thanh Hóa lại đề xuất ở mức trên 90%!
Đặc biệt là tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì mức chênh lệch càng rõ rệt.
Cụ thể: Trong khi Đồng Tháp phê duyệt mức 93%, Vĩnh Long 82% thì Trà Vinh chỉ phê duyệt mức 53, Cần Thơ – thủ phủ miền Tây Nam Bộ, có điều kiện kinh tế xã hội vượt trội so với các tỉnh còn lại - chỉ phê duyệt ở mức trên 70% và mức giá này không phải thực hiện ngay mà thực hiện có lộ trình.
Đây đều là những tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội không khác nhau nhiều nhưng giá viện phí thì khác nhau một trời một vực, do vậy có thể thấy đây là điều bất hợp lý.
Nên để các địa phương được thu giá cao?
Trao đổi về vấn đề các địa phương trong cùng một khu vực, vùng miền có sự chênh lệch lớn về giá viện phí, ông Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Phó chủ tịch hội khoa học Kinh tế y tế Việt Nam cho biết quan điểm của ông là dù các địa phương có phê duyệt ở mức nào thì cũng nên để họ được thu viện phí ở mức cao.
Lý giải điều này, ông Kính nói: “Tỷ lệ các kỹ thuật có tên trong danh mục tăng giá mà bệnh viện tuyến dưới làm được là không nhiều, có thể nói so với tuyến trên thì số lượng kỹ thuật được tăng giá ở tuyến dưới là thấp hơn rất nhiều. Do vậy, nếu có đề xuất và thu mức cao thì không ảnh hưởng nhiều đến khả năng cân đối của quỹ BHYT tại tỉnh đó”.
Nên để các địa phương được thu viện phí giá cao?
Ông Kính cũng lấy dẫn chứng: Ở tỉnh Bắc Kạn, suốt 3 năm qua, do không dùng hết quỹ (thu kịch trần cũng chỉ bằng mức thu trung bình của bệnh viện hạng 1) nên quỹ BHYT chỉ dùng hết khoảng 50%, số còn lại lại đổ về cho các thành phố lớn – nơi tình trạng bội chi diễn ra thường xuyên (mà nguyên nhân bội chi nhiều khi không phải do nguyên nhân khách quan).
Đó là chưa kể đến việc vốn đầu tư cho máy móc ở bệnh viện tuyến Trung ương hay địa phương đều tương đương nhau nhưng tần suất sử dụng máy móc ở các bệnh viện tuyến cuối có khi gấp nhiều lần bệnh viện tuyến tỉnh, vì thế, bệnh viện tuyến cuối có điều kiện thu lớn hơn.
Do vậy, theo ông Kính, nên để các địa phương được thu giá cao hơn để họ có điều kiện cải thiện điều kiện khám chữa bệnh bởi hiện nay, nguồn thu của các bệnh viện tuyến dưới nhất là vùng khó khăn còn rất thấp.
Giải pháp nào cho bệnh nhân ở địa phương có viện phí cao nhưng chưa có BHYT? Về điểm này, ông Lý Ngọc Kính cho rằng đối với Đồng bằng sông Cửu Long đã có hẳn một dự án hỗ trợ mở rộng độ bao phủ của BHYT, do đó sẽ không có vấn gì đáng lo ngại.
|