Việc phi thường của những người bình thường

Sự kiện: 24h vạn dặm

Khoảng 2 tuần nay, bình quân mỗi ngày phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) đều có khoảng 100 - 150 ca nhiễm Covid-19 mới, một phường nhỏ nhưng tổng số F0 có trên 2.000 trường hợp...

Tương ứng với số ca dương tính tăng chóng mặt, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Tường Phượng - Trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Phúc tiếp nhận không dưới 100 cuộc gọi mỗi ngày. Cả trạm chỉ có 1 bác sĩ và 7 cán bộ nhân viên thì 6 người đã là F0, 1 cán bộ nữ nghỉ đẻ, trong khi dịch vào đợt cao điểm khiến không khí làm việc nơi đây như ngộp thở vì căng thẳng.

Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc cùng các cá nhân tiêu biểu Sứ mệnh phục vụ nhân dân

Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc cùng các cá nhân tiêu biểu Sứ mệnh phục vụ nhân dân

“Ngày nào chúng tôi cũng tiếp xúc với F0, thế nên các nhân viên y tế của trạm và thành viên Trạm Y tế lưu động của phường giờ đây không còn khái niệm F1 nữa. Bởi F1 mà ở nhà cách ly 5 ngày thì không còn người làm việc. Với chúng tôi, các F0 khi khỏi bệnh là lập tức đi làm. Như bản thân tôi, tính đến hôm nay vừa vừa âm tính được 2 ngày” - bác sĩ Nguyễn Tường Phượng vừa làm việc vừa chia sẻ câu chuyện của mình.

Khoảng 2 tuần nay, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Hà Nội. Ở một phường có mật độ dân số đông như Vĩnh Phúc thì số ca mắc còn tăng mạnh hơn. Một trường hợp F0 sẽ kéo theo hàng loạt khối lượng công việc đi kèm mà các nhân viên y tế và các tình nguyện viên, các lực lượng tăng cường phải giải quyết.

Từ tiếp nhận khai báo y tế, mời họ tham gia vào nhóm Zalo của các F0 trên địa bàn để được chuyên gia hỗ trợ trực tuyến, xét nghiệm tại chỗ hoặc cử người đến xét nghiệm tại nhà, phát thuốc tận nơi, cho tới ký giấy chuyển tuyến các ca nặng, hỗ trợ tư vấn qua điện thoại bởi người bệnh luôn có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp. Mỗi ngày có thêm gần 150 ca F0 mới, chiếc điện thoại bàn của Trạm Y tế gần như đổ chuông liên hồi, không đủ nhân lực để trực điện thoại và tư vấn cho tất cả các cuộc gọi đến.

Nhân viên của trạm cứ người này là F0 chưa kịp khỏi thì người kia lại dương tính. Có thời điểm chỉ còn có 2 cán bộ đi làm trực tiếp. Người dân gọi điện thoại bàn không được thì gọi vào máy di động của ông Trạm trưởng, kể cả lúc nửa đêm. Mỗi ngày, điện thoại của bác sĩ Phượng xuất hiện không dưới 100 cuộc gọi từ các số máy lạ như vậy.

“Số F0 tăng nhanh như vậy thì đương nhiên quá tải và chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng. Dịch càng dài thì càng nhanh kiệt sức, nhưng trách nhiệm của nhân viên y tế thì phải hoàn thành, bởi sứ mệnh của chúng tôi là chăm sóc người bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Tường Phượng

Trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội

“Những cuộc đến mà không kịp nghe thì dân trách, nhưng nghe mà giải thích không đến nơi đến chốn dân cũng phàn nàn. Thậm chí có những người gọi liên tục nhiều cuộc trong ngày để hỏi rất nhiều việc lặt vặt như cách xông thế nào, mua thuốc gì, chỗ mua ở đâu, nên ăn uống gì để nhanh khỏi bệnh… Mà tư vấn, khám chữa bệnh qua điện thoại chỉ là một trong rất nhiều công việc cần giải quyết mỗi ngày ở cơ sở. Rất nhiều trường hợp phải đến tận nhà khám bệnh cho họ để xác định tình trạng bệnh có cần chuyển tuyến hay không, vì lúc này người bệnh tự đi đến các bệnh viện cũng không được tiếp nhận” - bác sĩ Phượng nói.

Các nhân viên y tế và y bác sĩ tình nguyện của Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc đi đến nhà dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Các nhân viên y tế và y bác sĩ tình nguyện của Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc đi đến nhà dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Các nhân viên y tế khác của trạm cũng vậy, thời gian đi làm không còn tính bằng 8 giờ hành chính mà thường xuyên đến gần nửa đêm mới được về. Đó là với những đêm không có lịch trực, còn những người có lịch trực đêm thì ngày hôm sau vẫn phải… làm việc bình thường. Ngay cả một cán bộ nữ có con nhỏ dưới 1 tuổi cũng phải huy động trực, làm việc quá thời gian thường xuyên.

“Số F0 tăng nhanh như vậy thì đương nhiên quá tải và chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng. Dịch càng dài thì càng nhanh kiệt sức, nhưng trách nhiệm của nhân viên y tế thì phải hoàn thành, bởi sứ mệnh của chúng tôi là chăm sóc người bệnh” - bác sĩ Phượng chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Tường Phượng mang bình oxy đến nhà F0 diễn biến nặng trong ca trực đêm Những trái tim tình nguyện

Bác sĩ Nguyễn Tường Phượng mang bình oxy đến nhà F0 diễn biến nặng trong ca trực đêm Những trái tim tình nguyện

Để chống dịch, ngoài ngành Y tế còn có sự vào cuộc của các lực lượng và những tình nguyện viên, nhất là sự chỉ huy của cấp ủy, chính quyền địa phương với những cách làm quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Phường Vĩnh Phúc chính là địa bàn được chọn làm điểm đầu tiên của toàn thành phố về xây dựng mô hình Trạm Y tế lưu động quản lý, điều trị F0 tại nhà trên ứng dụng Zalo (gọi chung là Trạm y tế lưu động).

Trạm Y tế lưu động này được thành lập tháng 12-2021 với 18 thành viên gồm các nhân viên Trạm Y tế phường, một số công chức UBND phường, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường và các tình nguyện viên, cùng sự hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương. Theo đó, Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc đã lập 4 nhóm Zalo quản lý F0, 100% trường hợp F0 trên địa bàn sau khi khai báo y tế đều được mời tham gia vào các nhóm này.

Khi vào nhóm, người bệnh sẽ được tư vấn chăm sóc, điều trị từ các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương, được hướng dẫn quét mã QR đăng ký cấp thuốc miễn phí tại nhà, mã QR khai báo sức khỏe hàng ngày, dữ liệu khai báo này sẽ được liên thông ngay với phần mềm quản lý F0 của phường. Đặc biệt, hàng ngày, các thành viên, tình nguyện viên của Trạm Y tế lưu động sẽ được phân công đến thăm khám, tư vấn, hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, cấp phát thuốc, thậm chí hỗ trợ mua giúp nhu yếu phẩm, kịp thời cấp cứu cho các F0 khi có triệu chứng tăng nặng. Đa phần các tình nguyện viện đảm nhiệm các nhiệm vụ này là các y, bác sĩ đã nghỉ hưu.

Bác sĩ Đoàn Thị Loan là một trong những tình nguyện viên tham gia từ đầu và cũng là một trong những người tích cực nhất. Hai tuần nay khi số F0 tăng nhanh thì bà và một số tình nguyện viên khác túc trực luôn tại Trạm y tế phường để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đầu tuần này, con gái rồi cháu nội của bà đã trở thành F0, bản thân bà trở thành F1. Nhưng vì quá nhiều thành viên trong tổ tình nguyện và Trạm y tế cũng đã là F0, không đủ người làm nên hàng ngày bà đều chủ động test nhanh, nếu âm tính thì bà vẫn đến Trạm y tế hỗ trợ công việc.

Cuộc điện thoại từ một ca F0 trên địa bàn gọi cho Trạm trưởng Nguyễn Tường Phượng phản ánh, cha của anh đã cao tuổi, lại là F0 đang chuyển nặng, cần phải đến bệnh viện sớm. Nhưng muốn được bệnh viện tiếp nhận thì phải có xác định tình trạng bệnh. Nhận điều phối từ bác sĩ Phượng, giữa buổi trưa, bác sĩ Loan cùng một nữ bác sĩ hưu trí khác trong đội tình nguyện lập tức mặc quần áo bảo hộ, lấy dụng cụ rồi dùng xe máy chở nhau đến nhà người dân cần giúp đỡ.

Không có một khoản hỗ trợ nào, thậm chí đến chậm trong lúc người dân đang lo lắng còn bị họ mắng mỏ, trách móc, song tinh thần vì bệnh nhân của những cán bộ y tế về hưu như bác sĩ Đoàn Thị Loan vẫn hừng hực. “Mình xác định tình nguyện thì không kêu ca. Các tình nguyện viên khác phụ trách việc cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà còn vất vả hơn nhiều. Không chỉ làm ban ngày, họ còn làm cả ban đêm bất kể nắng mưa, gió rét ” - bác sĩ Loan nói.

Bà Ngô Thùy Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vĩnh Phúc, thành viên Trạm y tế lưu động chia sẻ, trong đại dịch vẫn biết các y bác sĩ là vất vả nhất, nhưng khi làm việc hàng ngày mới thấy tinh thần trách nhiệm của họ đáng khâm phục. Cũng nhờ sự vào cuộc trách nhiệm, trong hơn 2.000 ca F0 của phường Vĩnh Phúc đến lúc này chỉ có duy nhất 1 ca là người cao tuổi tử vong. Trước tết Nguyên đán vừa qua, Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thăm, động viên.

Mô hình sau đó được nhân rộng ra toàn quận Ba Đình và đang tiếp tục nhân rộng ra toàn thành phố. Vinh dự hơn, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phòng chống dịch. Lễ trao Bằng khen được Thành ủy Hà Nội tổ chức trong buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế và lực lượng tuyến đầu tiêu biểu tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 hôm 22-2 vừa qua.

Nguồn: [Link nguồn]

Những bóng hồng trong tâm dịch

Những bức ảnh đẹp và đầy ý nghĩa do tác giả Trần Minh Hoàng thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) như một lời tri ân đến lực lượng tuyến đầu chống dịch nhân ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Hưng ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN