Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm?

Đến Hà Nội, điều đầu tiên mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận và thấy yên tâm, đó là sự thanh bình trên khắp các tuyến đường. Để có được điều này, các lực lượng của Công an thành phố mà hạt nhân là 15 tổ “141” đã nỗ lực với ý chí, quyết tâm cao nhất, ngày đêm bám sát các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm có điều kiện ra tay hoạt động.

Chủ động đấu tranh

Đỗ Việt Hoan, SN 1990, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vừa bị Đội Chống tội phạm cướp - cướp giật tài sản (Đội 8), Phòng CSHS - CATP Hà Nội thực hiện lệnh bắt khẩn cấp về hành vi cướp giật tài sản. Đêm 12/11, Hoan sử dụng xe máy cướp giật túi xách của chị Nguyễn Minh N, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Địa điểm Hoan gây án là lối rẽ vào hồ Giảng Võ và khi đó chị N đang ngồi sau xe máy do người khác chở, túi xách đeo ở vai bên phải, trong có 2 chiếc điện thoại di động Nokia và 1 máy nghe nhạc mang nhãn hiệu Samsung cùng 2,5 triệu đồng.

Trên đây là một trong số hàng chục vụ cướp giật tài sản được Đội 8 truy xét, làm rõ thủ phạm. Theo Trung tá Nguyễn Thành Tín, Đội trưởng Đội 8, từ khi thực hiện Kế hoạch 141 của Giám đốc CATP Hà Nội (tháng 6/2011), do áp dụng các biện pháp trấn áp mạnh tội phạm, nên năm 2012 số vụ cướp giật tài sản chỉ xảy ra 404 vụ, giảm 35 vụ (7,9%) so với năm 2011. Với vai trò chủ công trấn áp tội phạm, lực lượng CSHS - CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch 141 đã nắm chắc thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; Nắm vững những số liệu thống kê, so sánh để nhìn ra những địa bàn “nóng” về hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản, từ đó dựng đặc điểm của đối tượng nghi vấn, thông qua sự mô tả của người bị hại và các nhân chứng; đồng thời xác định được loại phương tiện chúng thường sử dụng gây án, rồi lập kế hoạch phối hợp đấu tranh bằng các chuyên án kết hợp với tuần tra mật phục trên các tuyến, địa bàn đã được định sẵn.

Song song với những biện pháp trên, lực lượng công an chủ động khai thác kỹ các đối tượng bị bắt trong những vụ án cướp giật tài sản, từ đó truy xét, làm rõ thêm các đối tượng liên quan khác. “Ngoài ra, Đội 8 đã thường xuyên phối hợp với Công an các quận, huyện và các đơn vị nghiệp vụ khác kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ, phát hiện tang vật các vụ án cướp giật tài sản được tội phạm tiêu thụ ở những nơi này và truy xét, làm rõ đối tượng gây án. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu, giúp công an nhanh chóng điều tra, bóc gỡ các ổ nhóm tội phạm chuyên cướp giật tài sản” - Trung tá Nguyễn Thành Tín cho biết.

Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm? - 1

Công an Hà Nội trấn áp mạnh tội phạm cướp giật

Tác dụng của công tác phòng ngừa

Nếu như mấy năm trước đây, người dân Thủ đô còn phàn nàn về việc CSGT, CSCĐ chỉ bắt lỗi với những ai “trông lành hiền”, còn với những đối tượng “đầu gấu”, bặm trợn, “tóc xanh tóc đỏ” lại “né”, thì giờ đây, định kiến đó đã được xóa bỏ hoàn toàn. Với “141”, tất cả các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự đều không bị bỏ lọt, thậm chí giờ đây, người dân còn ngầm mặc định rằng, hễ “141” kiểm tra chiếc xe nào, thế nào trong cốp xe đó cũng có vài con dao, gậy gộc hay khẩu súng.

Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết tình trạng cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội không chỉ giảm về số vụ, mà tính chất phạm tội trong từng vụ án còn ít nghiêm trọng hơn trước rất nhiều. Vấn đề này được thể hiện ở chỗ đối tượng gây án không tụ tập thành các băng, ổ nhóm, mà đơn thuần chỉ hoạt động riêng lẻ do thiếu tiền ăn tiêu, hoặc phục vụ nhu cầu nghiện ma túy của một số thanh, thiếu niên ở tỉnh ngoài lang thang về Hà Nội. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cướp giật tài sản nào nhằm vào những người đến giao dịch tại ngân hàng, hiệu vàng, quỹ tín dụng. Điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm đã được các đơn vị phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng “141” thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu.

Theo Thượng tá Dương Văn Giáp, công tác phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản được lực lượng Công an Hà Nội đặc biệt coi trọng và thực hiện rất nghiêm túc. Ngày 3/12 vừa qua, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo Phòng CSHS về kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cướp giật trong tình hình mới. Theo đó, bất cứ vụ việc nào xảy ra trên địa bàn đều thuộc về trách nhiệm của công an, đương nhiên phải làm; không được đổ lỗi cho khách quan; nếu để dân ca thán, bất an, sợ hãi thì “không còn gì để nói”.

Trên cơ sở chỉ đạo đó, Phòng CSHS tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho CATP ra thông báo phòng ngừa phục vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người dân và phối hợp thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp loại tội phạm này. Căn cứ vào tình hình thực tế qua khảo sát tại các địa bàn, lực lượng CSHS phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng khác như CSGT, CSCĐ, CSTT và lực lượng 141 CATP tổ chức tuần tra mật phục chống cướp giật trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, quyết tâm tiếp tục làm giảm, tiến tới đẩy lùi hoạt động của tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Tuấn (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN